Chủ động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm triển khai, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.245 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong số này, có tới 99% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô, lĩnh vực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế nên hầu như không có nhân viên phụ trách pháp lý riêng, trong khi nhu cầu hỗ trợ về pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là rất lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong các văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp với nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, thiết lập số điện thoại đường dây nóng, bản tin chuyên ngành, biên soạn tài liệu...

 Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức gặp mặt đối thoại để tư vấn pháp lý, kịp thời gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: H.D
Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức gặp mặt đối thoại để tư vấn pháp lý, kịp thời gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Hàng năm, Ban tổ chức những cuộc gặp gỡ, đối thoại để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh những quy định mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong những sự kiện này, Ban mời các đơn vị có liên quan như Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương... cùng tham dự để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.

Công an xã Trà Đa (TP. Pleiku) là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh hỗ trợ các vấn đề liên quan đến pháp luật cho các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Trung tá Võ Tá Ngọc-Trưởng Công an xã Trà Đa-cho hay: “Đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, chúng tôi đến trực tiếp trụ sở để hướng dẫn cách thức đăng ký cho lực lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên có văn bản thông báo đến doanh nghiệp về thủ đoạn của các đối tượng có hành vi cướp giật, trộm cắp... để chủ động phòng ngừa”.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh là cơ quan có những hoạt động liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Ông Trần Ngọc Tuấn-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh-cho biết: “Đơn vị đã thông tin đến các doanh nghiệp những quy định mới về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, đặc biệt là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức nên có rất ít đơn vị lập danh sách lao động cần hỗ trợ”.

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết thêm, đơn vị cũng đang triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại, chúng tôi tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện, bởi khi triển khai hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí”-ông Tuấn chia sẻ.

Ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nuti Food Cao Nguyên-nhận xét: “Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời các vấn đề cần thiết liên quan đến thủ tục pháp lý để đầu tư. Nhờ đó, dự án được triển khai nhanh chóng. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chúng tôi bằng cách cấp giấy thông hành để công nhân, nhân viên vào được khu sản xuất cũng như triển khai những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động”.

Mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực trong vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, song hiệu quả của hoạt động này vẫn đang ở mức hạn chế. Theo ông Hoàng Văn Thái-Giám đốc Công ty TNHH Thái Anh (phường Yên Thế, TP. Pleiku): “Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng nên chủ động tiếp cận, tư vấn cho doanh nghiệp, nhất là khi phát hiện các vấn đề doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ pháp lý. Song song với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng truyền thông, mạng xã hội để các đơn vị chức năng mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp. Việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp chế, cách thức kiểm soát rủi ro pháp lý cũng là một trong những nhu cầu rất lớn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp”.

 

 HÀ DUY     

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.