Chợ nón lá trong bóng đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nón lá Gò Găng đã có từ lâu đời và nổi tiếng không chỉ với người dân tỉnh Bình Định mà còn với người dân trong Nam ngoài Bắc. Có một điều thú vị, đó là đi liền với chiếc nón lá này là một chợ nón độc đáo họp tầm 3 giờ và tan khi trời hưng hửng sáng nên còn được gọi là chợ “gà gáy”. Dù bây giờ phiên chợ không còn sầm uất như trước, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo...
1. Gọi là nón lá Gò Găng, bởi từ khi có nghề làm nón, người dân đem sản phẩm đến chợ nón Gò Găng (thuộc khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) để bán. Nhưng thật ra, nghề làm nón truyền thống trải khắp các địa bàn của thị xã An Nhơn, trong đó nhiều nhất là phường Nhơn Thành và xã Nhơn Mỹ.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu (65 tuổi, ở khu vực Tiên Hội), nghề làm nón lá ở đây đã có từ hàng trăm năm trước. Khi sinh ra, bà đã thấy thế hệ cha ông của mình hàng ngày làm nón lá. Bà là thợ lành nghề với kinh nghiệm làm ra những chiếc nón lá đẹp cả trăm như một.
 
Người dân phường Nhơn Thành chằm nón lá.
Để làm ra chiếc nón lá đẹp phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn lá, công đoạn này đòi hỏi rất công phu tỉ mỉ. Lá sử dụng để chằm nón thường là lá dứa, lá kè, trong đó có 2 loại là lá mặt cật dùng để làm nón thường và lá dặn dùng để làm nón tốt. Lá phải vừa độ non, gân lá phải xanh, màu lá phải trắng xanh dịu mắt. Không được chọn những chiếc lá quá già vì như thế lá dễ bị rách.
Hàng ngày, vào khoảng 6 giờ sáng, người làm nghề bắt đầu đạp lá trong cát, phải mất 3 tiếng đồng hồ mới xong, rồi bó lại thành từng bó nhỏ đem phơi nắng thêm 3 tiếng nữa. Sau đó, lá được đem vào ủ, rồi sấy qua than lửa, phơi sương cho mềm và thẳng ra. Nguyên liệu lá được lấy chủ yếu từ xã Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) và một số vùng lân cận.
Ngoài nguyên liệu lá, người làm nón cũng phải chuẩn bị vành nón. Vành nón được tạo ra từ những thanh nứa khô và dẻo. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, từng thanh nứa được chẻ nhỏ và vót thật tròn. Sau đó uốn lại thành từng vòng tròn nhỏ để tra vào khuôn nón.
Càng những vành ở trên thì càng đòi hỏi phải thật nhỏ, vì chỉ như thế mới có thể khoanh vào khuôn. Những vành dưới to hơn và bán kính cũng to dần lên. Những chiếc nón đẹp nhất, đòi hỏi những chiếc vành nón phải đều tăm tắp, không có chỗ nào méo mó, xộc lệch. Mỗi chiếc nón sẽ có 14 hoặc 16 vành.
Sau công đoạn cho vành vào khuôn là công đoạn xếp lá. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật tinh tường, không được để cho các lớp lá xộc xệch, xếp lộn xộn hoặc để hở lá.
Sau khi đã có một bộ khung được sắp xếp hoàn hảo, người thợ sẽ dùng kim và cước (mỏng như sợi chỉ nhưng bản chất cước là một loại ni nông tổng hợp) để khâu nón. Những đường kim lên xuống nhịp nhàng sẽ gắn chặt vành và lá lại với nhau. Những mũi kim phải đều, phải bám sát vào từng vành nón để đảm bảo độ tròn, đẹp.
“Không biết từ bao giờ, chiếc nón lá đã gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt. Đâu chỉ là vật dụng che nắng mưa mỗi khi các bà, các mẹ ra đồng, đi chợ, ăn giỗ… nón lá còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp, nét duyên dáng, sự bình dị của người phụ nữ Việt Nam.
Làm nón lá tuy thu nhập không cao nhưng đã là nghề truyền thống của quê hương thì làm sao có thể để thất truyền được. Gìn giữ nghề được đến ngày nay, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”, bà Hậu chia sẻ.
Nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho người lao động một nắng hai sương... Hình ảnh những người phụ nữ miệt mài với từng mũi kim mũi chỉ, bàn tay mềm mại vuốt từng thếp lá nên thành thơ ca: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!”, hoặc: “Cưới nàng đôi nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”.
2. Nếu có dịp ngang qua phường Nhơn Thành, du khách đừng quên dành thời gian ghé lại phiên chợ nón Gò Găng trong bóng đêm, để cảm nhận thêm về một nét đẹp văn hóa của mảnh đất đầy nắng gió nhưng sâu nặng nghĩa tình này. Đồng thời, hoài niệm về một quá khứ hào hùng của đội quân người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
 
Một góc chợ nón Gò Găng trong bóng đêm.
Chợ nón Gò Găng họp tầm 3 giờ và tan khi trời hưng hửng sáng nên còn được gọi là chợ “gà gáy”. Các bậc cao niên ở khu vực Tiên Hội bảo rằng, chợ nón này có nguồn gốc từ thời Tây Sơn. Thời ấy, ở tỉnh Bình Định có nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) khá nổi tiếng, tuy nhiên loại nón này chủ yếu dành cho vua, quan.
Còn nón lá Gò Găng ra đời trễ hơn, nhằm phục vụ cho những người lính trong nghĩa quân Tây Sơn. Sở dĩ chợ nón họp lúc gà gáy là vì họ tranh thủ bán mua để khi trời sáng còn ra đồng, hay làm các công việc khác.
“Xưa kia, ở vùng này không chỉ có nón ngựa Phú Gia và nón lá Gò Găng, mà còn nhiều làng nghề khác có quan hệ mật thiết với nghĩa quân Tây Sơn. Chẳng hạn như nghề đúc đồng ở Bằng Châu, nghề rèn ở Tây Phương Danh (đều thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) chuyên cung cấp cái loại chuông, cửu đỉnh, vũ khí, móng ngựa… cho nghĩa quân Tây Sơn. Riêng chợ nón Gò Găng, trải qua hàng trăm năm, mọi người vẫn giữ thói quen họp chợ vào giờ “oái oăm” như xưa”, cụ Trần Văn Thành (81 tuổi, ở khu vực Tiên Hội) cho biết.
Chợ nón Gò Găng chỉ bán nón lá và các vật dụng làm nón, ngoài ra không bán món hàng nào khác. Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn đường hoặc đèn pin. Và dù là chợ nhưng không xô bồ ồn ào, chỉ đủ làm lao xao một góc miền quê tĩnh mịch.
Có lẽ những người tham gia phiên chợ ý thức được giấc ngủ của người dân ở những ngôi nhà gần chợ nên họ đi lại, nói chuyện rất nhỏ nhẹ, vừa đủ cho kẻ mua, người bán nghe thấy nhau. Ở đây cũng chẳng ai tranh giành chỗ bán, những người đến sau bày biện bên cạnh người đến trước, cứ thế xếp thành hàng dài hai bên đường.
“Trước đây, chợ đông đúc hơn, bởi sản phẩm nón lá hay các nguyên liệu làm nón đều được người dân đem ra đây để bán. Còn bây giờ, phiên chợ ít người hơn, lý do là hầu hết nón mà người dân làm ra đã được thương lái đến nhà thu mua từ chiều và tối hôm trước. Vậy nên, đi chợ bây giờ chủ yếu là mua bán nguyên liệu làm nón.
Cách vài ba phiên chợ mới có một vài cụ già đem nón đến bán. Họ đem nón tới chợ bán, không phải vì thương lái không đến nhà thu mua, mà là muốn giữ lại cái tên gọi chợ nón Gò Găng như xưa.
Các cụ bảo, chợ nón thì phải có người bán nón mới đúng. Ngày xưa, họp chợ cũng có cái thú vị là mọi hoạt động mua bán đều diễn ra dưới ánh đèn dầu. Bây giờ hiện đại, có đèn đường chiếu sáng nên không ai dùng đèn dầu như ngày xưa. Khi nào đèn đường tắt thì họ dùng đèn pin thay thế”, bà Huỳnh Thị Thu (58 tuổi, ở khu vực Tiên Hội) cho hay.
 
Bây giờ, chợ nón Gò Găng chủ yếu mua bán nguyên liệu làm nón.
Ở phiên chợ gà gáy này, khi mua bán, trao đổi xong các nguyên liệu làm nón, các chị, các cô, các bà, người xe máy, người xe đạp, người đi bộ nhẹ bước ra về và bắt đầu công việc đồng áng của mình. “Dù được thương lái đến nhà thu mua hay đem ra chợ bán, giá mỗi chiếc nón cũng từ 20.000 đến 40.000 đồng, tùy theo nón một hay hai lớp và tùy chất lượng.
Nghề này thu nhập không cao nhưng tận dụng được thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn, bởi ở đây đa phần người dân đều có công việc đồng áng, nương rẫy. Trong khi đó, những chiếc nón của chúng tôi làm ra được thương lái vận chuyển đi khắp mọi miền đất nước để tiêu thụ, có khi phân phối tận thị trường Lào, Campuchia”, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (52 tuổi, ở thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ) cho biết.
 
Hoạt động mua bán ở chợ diễn ra dưới ánh đèn pin.
Chợ nón Gò Găng không được sầm uất như trước đây nhưng chắc chắn cũng sẽ không biến mất. Bởi người làm nón nơi đây không ai muốn mai một nghề truyền thống và phiên chợ độc đáo do tổ tiên gây dựng.
Và, thông qua những chương trình quảng bá du lịch mà nhiều năm qua, nhiều du khách nước ngoài cũng như các đoàn du lịch đã tìm đến chợ nón để tham quan, tìm hiểu một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Điều này cũng khơi gợi ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của chính quyền và người dân nơi đây.

Tháng 8-2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Nón lá Gò Găng” cho UBND thị xã An Nhơn. “Sản phẩm nón lá Gò Găng đã định hình và làm nên giá trị thương hiệu làng nghề từ rất lâu. Với vai trò là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Nón lá Gò Găng”, UBND thị xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát việc sử dụng cũng như cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này”, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn Lê Minh Toán cho biết.

Phan Nhuận Phin (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.