Chợ lao động giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao giờ cũng vậy, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi mùa gió chướng bắt đầu cũng là thời điểm cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vào độ thu hoạch. Dòng người từ các tỉnh miền Trung lại kéo vào đây hái thuê. Với thu nhập 450.000 đồng - 500.000 đồng một ngày. Nhiều người tích cóp được một khoản để lo cho cái Tết có bánh chưng nhân thịt.

Mùa lao động di trú

Bao giờ cũng vậy, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi mùa gió chướng bắt đầu cũng là thời điểm cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vào độ thu hoạch. Những cơn gió se lạnh ban sáng và cuối chiều cùng làn sương lãng đãng phủ trên những nương rẫy triền đồi, người người í ới gọi nhau lên rẫy thu hái cà phê. Dọc tuyến đường trung tâm huyện Đăk Hà, dòng người lao động ngoại tỉnh tấp nập ở các tụ điểm quen thuộc, chờ chủ vườn cà phê tới thuê.

Huyện Đăk Hà là một trong những vùng trồng cà phê ngon bậc nhất Việt Nam, với tổng diện tích hơn 15.000 ha. Huyện này nằm cách trung tâm TP.Kon Tum tầm 20km về hướng Bắc, dọc theo quốc lộ 14. Như mọi năm, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, hàng nghìn lao động từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…lại “không hẹn mà gặp” lên đây hái cà phê thuê.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), địa điểm được người dân gọi chợ lao động, có rất đông lao động ngoại tỉnh tập trung ở đây từ sáng đến chiều. Trên đường đi, rất nhiều xe công nông, xe tải nhỏ cũng chở theo đoàn người hăm hở vào rẫy cà phê chín đỏ đang chờ thu hoạch. Mọi người sẵn sàng cho một đợt lao động dài ngày.

Đông đúc chợ lao động tại huyện Đăk Hà

Đông đúc chợ lao động tại huyện Đăk Hà

Trò chuyện, chúng tôi mới biết những nhóm người này đang tập trung chờ các chủ vườn cà phê. Sau khi thống nhất được mức giá thuê hái, họ sẽ theo các chủ vườn về trang trại bắt đầu công việc. Nghỉ trưa bên vỉa hè, chị Y Nhiên (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) tâm sự, bản thân đã ly dị chồng từ lâu, có hai con đang ở độ tuổi đi học. Nhà không có đất sản xuất nên quanh năm chị đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

Từ bé, gia đình khó khăn nên chị Y Nhiên theo bố mẹ phụ hái cà phê. Đến khi lấy chồng sinh con, chị vẫn tiếp tục công việc này để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mùa thu hoạch cà phê diễn ra trong khoảng 2 tháng nên chị tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập. “Năm nay, tôi nhận hái công với giá 450 nghìn đồng/ngày, được chủ rẫy bao ăn cơm trưa”, chị Y Nhiên bộc bạch.

Dọc đường, chúng tôi gặp em Y Lăng, học sinh lớp 8 (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đang ngồi ở ghế đá bên đường cùng mẹ. Mẹ Y Lăng kể, nhà nghèo, chồng đi làm xa, chỉ còn 2 mẹ con nên chị cho con đi theo luôn.

Để Tết có “bánh chưng nhân thịt”

Không chỉ nhanh nhẹn, công nhân đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được

Không chỉ nhanh nhẹn, công nhân đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được

Chúng tôi tiến sâu vào các vườn cà phê để tìm hiểu về công việc của những lao động ngoại tỉnh. Tại khu vườn cà phê rộng khoảng 1,5 ha ở thị trấn Đăk Hà, một nhóm nhân công Quảng Ngãi đang trải bạt quanh gốc cà phê rồi bắt đầu hái. Trong khi đó một nhóm khác đang phân loại quả cà phê sau khi hái rồi cho vào bao.

Họ căng tấm bạt lớn quanh gốc cây theo từng luống để trái không bị rơi ra ngoài. Họ vít cành, tuốt quả. Với những cây cà phê cao, các nhân công phải dùng ghế hoặc trèo lên cây để hái những chùm trái trên ngọn. Khoảng một tiếng, khi tấm bạt trải dưới gốc phủ đầy trái cà phê, người hái nhặt bỏ lá, gom trái vào trong bao và đi sang luống khác.

Dưới thời tiết nắng nóng 30 độ C, với đôi tay thoăn thoắt tuốt từng hạt cà phê xuống dưới bạt. Anh Đình Quảng (46 tuổi, trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) nhễ nhại mồ hôi, ướt cả áo. Trong số công nhân hái thuê tại rẫy, anh Quảng là thanh niên trẻ khỏe nhất nên được đảm nhiệm công việc leo trên những ngọn cà phê cao gấp ba lần người thu hoạch quả.

Các tấm bạt căng sẵn dưới gốc chờ cà phê rơi

Các tấm bạt căng sẵn dưới gốc chờ cà phê rơi

Chủ rẫy sẽ trả công theo số lượng nên ai cũng phải làm nhanh. Công việc này không cần chuyên môn nhưng mất nhiều sức, ai khỏe mới làm được. Anh Quảng kể, anh đi hái cà phê thuê gần 20 năm nay, chỉ hái tại huyện Đăk Hà. Vì ở đây diện tích cà phê lớn, cần nhiều lao động. Vừa hái xong luống cà phê, anh Quảng nằm xuống bạt nghỉ dưỡng sức.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho hay, trước khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, đơn vị đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát tổng diện tích cà phê có nhu cầu cần phải thuê lao động để đảm bảo an ninh trật tự. Hàng năm, lực lượng lao động tại địa phương phục vụ cho việc thu hái chỉ đáp ứng được khoảng 40-50%, số còn lại là người ngoại tỉnh. Họ đã góp phần giúp cho các nhà vườn thu hoạch cà phê kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Khi được hỏi về lý do chọn công việc, anh Quảng tâm sự: “Tết đến, nhà hàng xóm lại sắm quần áo mới, tivi, điện thoại… tôi cũng tủi thân. Dù biết công việc vất vả, nhưng vẫn cố gắng để Tết có bánh chưng nhân thịt”. Theo anh Quảng, đến nay khi hái thuê hơn 1 tháng, trừ các chi phí anh dành dụm được hơn 12 triệu. Nếu cứ đà này, anh sẽ kiếm được khoảng 20 triệu đến hết mùa. “Năm trước, tôi kiếm được hơn 20 triệu mang về sắm Tết”, anh Quảng bộc bạch.

Quá trưa sang chiều, không khí làm việc càng lúc càng khẩn trương. Tiếng kéo bạt lạt xạt từ gốc cây này sang gốc cây kia, hàng nối hàng, cây tiếp cây. Ánh mắt nhà nông lấp lánh niềm vui khi dồn tấm bạt trĩu nặng trái chín, trút vô bao. Những bao cà phê đầy nhóc, cứ thế nối đuôi xếp dài theo lối đi nhỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, công việc nặng nhọc nhất của quá trình thu hái là kéo bạt. Càng hái về cuối hàng, những tấm bạt cà phê càng nặng trĩu nên cần phải có sự góp sức của 2-3 người kéo bạt mới dịch chuyển. Người đi hái công không chỉ tuốt quả mà còn phải kéo bạt, tuồn cà phê vào bao rồi phụ chủ vườn vác ra xe để chở về nhà nên đòi hỏi phải có sức khỏe bền bỉ mới làm được.

Ông Nguyễn Văn Khiếu (chủ vườn cà phê tại thị trấn Đăk Hà) cho hay, trong vụ thu hoạch năm 2023, gia đình ông có 1,6 ha cà phê. Năm nay, ông thuê tổng cộng 10 nhân công đến từ Quảng Ngãi để hái cà phê trong vòng 1 tuần. Tất cả lao động khi đến đây làm việc đều được ông bố trí chỗ ở với đầy đủ điện, nước.

“Vài năm trước, do dịch bệnh Covid-19 nên việc thuê nhân công rất khó khăn. Hai năm trở lại đây tình hình bắt đầu ổn định, đến vụ thu hoạch cà phê, lao động ở các tỉnh miền Trung lại rủ nhau đến huyện Đăk Hà hái thuê ngày càng nhiều. Sự có mặt của họ đã hỗ trợ rất nhiều cho gia đình trong việc thu hái, sơ chế cà phê theo kịp thời vụ”, ông Khiếu nói và cho biết, giá cà phê năm nay tăng cao, người trồng cà phê rất phấn khởi.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.