Chính thức tắt sóng 2G từ 16.9, điện thoại cục gạch bị 'khai tử'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 16.9, hệ thống 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G only. Bộ TT-TT sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900 MHz, 1800 MHz nếu nhà mạng vẫn còn thuê bao 2G only và không có phương án chuyển hết thuê bao 2G lên 4G, 5G theo đúng lộ trình.

Bộ TT-TT sáng 5.7 ra thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G. Theo Bộ TT-TT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam.

Chính thức tắt sóng 2G từ 16.9

Chính thức tắt sóng 2G từ 16.9

Thủ tướng cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn năm 2050 đưa ra định hướng về phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó yêu cầu thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G, 3G) và thúc đẩy việc triển khai chương trình "Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh" là nội dung của phương án phát triển băng rộng di động đến người sử dụng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT về quy hoạch băng tần 1800 MHz có hiệu lực kể từ ngày 14.6 và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT về quy hoạch băng tần 900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 24.6, tạo cơ sở pháp lý cho lộ trình dừng công nghệ di động cũ và phổ cập điện thoại thông minh.

Đây là những cơ sở pháp lý để dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh.

Về lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT-TT cho biết từ, ngày 16.9, hệ thống 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G only.

Theo đó, kể từ ngày 16.9, Bộ TT-TT không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ một số trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Hệ thống 2G được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15.9.2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Căn cứ quy hoạch các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, Bộ TT-TT sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900 MHz, 1800 MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only) hoạt động trên mạng từ ngày 16.9.

Về giải pháp triển khai dừng công nghệ 2G, theo Bộ TT-TT, doanh nghiệp cần hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn như: thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí mua máy smart phone 4G hoặc điện thoại feature phone 4G và ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, thực hiện đến 16.9.

Cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy; phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9.2026.

Bộ TT-TT, các Sở TT-TT, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện truyền thông tới từng đối tượng người sử dụng trên các phương tiện truyền thông phù hợp để nắm bắt chủ trương và chủ động chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên.

Trước đó, ngày 1.3, các nhà mạng đã thống nhất triển khai phương án ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G only không chứng nhận hợp quy.

Theo Cục Viễn thông, nếu như năm 2019 còn 32,8 triệu thuê bao 2G, thì đến tháng 8.2023, cả nước chỉ còn khoảng 20,8 triệu thuê bao 2G (trong đó có 35% là máy smartphone). Một nhà mạng không thể tồn tại cùng lúc các công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G, sẽ rất tốn kém cho việc khai thác, bảo dưỡng, vận hành.

Khi tắt sóng 2G và 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Khi đó, hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ triển khai phục vụ 5G, tạo điều kiện cơ hội để đến năm 2030 Việt Nam có thể khai thác 6G.

Có thể bạn quan tâm