Chiều muộn ngang qua làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở làng, chiều đến rất nhanh. Dường như chưa kịp nói lời chia tay, mặt trời đã từ từ khuất dần sau dãy núi.

Đám trẻ ở làng chỉ chờ có thế, đứa nào đứa nấy đen nhẻm đang mải mê chạy nhảy trước sân, líu ríu kéo nhau về nhà. Chị gái ra chiều hiểu chuyện luôn miệng giục giã hai đứa em tắm táp cho sạch sẽ, rồi nhanh nhảu rút mấy thanh củi nhóm bếp lửa nấu cơm tối.

Mẹ đã dặn rồi, cứ nhìn mặt trời xuống núi là nhóm bếp bắc trước nồi cơm giúp mẹ. Thương mẹ cha lam lũ ruộng rẫy, chị gái đã biết phụ mẹ nấu cơm từ năm mười tuổi. Giờ tầm đâu mười hai, mười ba tuổi, chị gái đã thuần thục chuyện nấu cơm lắm rồi. Lửa vừa bén, hơi khói lan nhanh trong gió, quẩn quanh vờn trên mái nhà sàn, chị gái vội vàng đi vo gạo, đặt lên bếp nấu. Chẳng mấy chốc, nồi cơm sôi ùng ục, mùi thơm gạo mới tỏa đều khắp không gian.

Nghe mùi thơm thơm của cơm gạo mới, như mặc định, cậu em út có đôi mắt trong veo biết mẹ cha sắp về, lon ton chạy ra ngồi bên bậc cầu thang nhà sàn, mắt chăm chú nhìn ra phía xa xa. Ủ cho nồi cơm chín đều, chị gái cũng ra ngồi cùng em trên bậc cầu thang ngóng chờ. Cậu em út trong nỗi niềm mong ước mỗi chiều, luôn miệng líu lo, chẳng biết chút nữa, trong chiếc gùi của mẹ có những trái cây rừng chín mọng. Chúng đợi từ khi mặt trời mới xuống núi một phần cho đến khi lặn hẳn sau dãy núi bên làng. Còn trên con đường qua làng mỗi lúc một thưa dần, thấp thoáng những bóng người âm thầm đi như trôi.

Trong ánh hoàng hôn sắp tắt, những ngôi nhà sàn nâu nâu thẫm càng nổi bật bên cánh đồng làng ngan ngát xanh như đang kể bao câu chuyện xưa, bao câu chuyện nay. Mà câu chuyện nào cũng vậy, đều là những thảo thơm, gần gũi. Từ đám trẻ, đến cha mẹ chúng và cả bao nhiêu người làng nữa đã lớn lên từ những hạt lúa, trái ngô, từ những thức, những vị mà ruộng đồng, mà núi rừng, mà ngôi làng thân yêu này ban tặng.

chieumuonnd.jpg
Ảnh minh họa

Chiều thêm muộn, ngôi làng bên núi càng sẫm màu chàm. Bấy giờ, sương từ các vách núi theo gió dần lan ra, mỏng hơn cả khói, làm cho không gian chiều muộn ở làng thêm bảng lảng. Đám trẻ vẫn ngồi bên bậc cầu thang. Chúng chăm chú nhìn về con đường làng phía xa. Cả mấy đứa cùng đồng thanh ồ lên reo vui khi bỗng đâu phía đầu đường làng xuất hiện hai bóng người phía sau đôi bò kéo. Đôi bò ngoan ngoãn cúi đầu chậm rãi bước, trên chiếc xe kéo đằng sau đâu chỉ rau trái cho bữa cơm chiều, mà còn thêm buồng chuối chín vàng ruộm và mấy bao ngô hái sớm.

Khung cảnh ấy khiến cho chiều muộn qua làng trở nên sống động. Đám trẻ hết những thấp thỏm, hết những phập phồng trong ánh mắt. Cu út không còn phải nắc nỏm, mẹ có mang về trái cây rừng chín mọng. Chị gái không còn phải lo bữa cơm tối chẳng có món ưa thích, cu em phụng phịu ăn mãi không hết chén cơm.

Cả hai vợ chồng rảo bước nhanh. Chẳng ai bảo ai đều nhìn về phía ngôi sàn quay mặt ra cánh đồng làng phía trước, gương mặt hân hoan, bừng sáng. Bao mệt nhọc, lam lũ cả ngày trời như tan biến. Còn cả mấy chị em tíu tít hẳn lên. Chúng chia đều nhau mấy trái chuối chín vàng ruộm. Chị gái lấy mớ rau từ trong chiếc gùi của mẹ đem rửa, chút nữa luộc lên, thêm món cá suối cha tranh thủ lúc đi rẫy bắt về là cả nhà có bữa cơm tối. Bữa cơm ít món thôi nhưng vị ngon vẫn giữ lại trong niềm hân hoan, mong đợi.

Mẹ xới cho chén cơm gạo mới mang đủ đầy hương vị đồng đất, cha gắp cho con cá suối um với hoa chuối, mấy chị em cùng mẹ cha quây quần bên cạnh bếp lửa ngay đầu hồi nhà. Ngọn lửa bập bùng, thỉnh thoảng hắt ánh hồng soi lên gương mặt tảo tần của mẹ, của cha, soi lên những gương mặt hồn nhiên với cặp má bồ quân hồng hồng dù đông hay hạ của đám trẻ. Cha mẹ kể chuyện trên rẫy nay trồng sâm dây, bán lá, bán củ thu được cả chục triệu đồng. Chuyện mấy sào cà phê xứ lạnh năm nay không biết có được mùa, được giá. Chuyện đám nhỏ gì thì gì phải chăm chút cho học hành đến nơi đến chốn. Con chữ không làm no cái bụng tức thì nhưng con chữ luôn cho lúa thêm bông, cho cây cà phê thêm trĩu hạt.

Những chiều muộn cứ trôi qua ở làng như thế. Trôi qua êm đềm trong hương núi, hương rừng, hương ruộng đồng, hương cây cỏ. Trôi qua yên bình trong tiếng gà gáy lạc lẫn tiếng nói cười và muôn nỗi ngóng chờ của đám trẻ. Trôi qua thân thương trong mùi khói hăng hắc đang theo gió la đà, quấn quýt trên từng mái nhà sàn và những câu chuyện miên man khi màn đêm dần buông xuống.

Những câu chuyện cứ miên man, cứ quấn quýt, đan xen vào nhau như những giọt sương ngoài kia đang rơi nhẹ trên mái nhà sàn phôi pha dần theo màu năm tháng. Nghe mẹ cha kể chuyện, cả mấy chị em chăm chú lắng nghe. Chị gái thỉnh thoảng còn thắc mắc nọ kia, lại còn kể thêm tội thiếu vâng lời của hai cậu em nữa. Bữa cơm tối kéo dài, cậu em út hồn nhiên ngủ quên trong vòng tay mẹ. Trong giấc mơ, cậu như thấy màu áo của cha rợp mùi lúa chín, còn chiếc gùi của mẹ đẫm vị ngọt ngào chín mọng của bao trái cây rừng.

Theo NGUYÊN PHÚC (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Đọc để hiểu mình

Đọc để hiểu mình

(GLO)- Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.

Cơn mưa ngang qua

Cơn mưa ngang qua

Tiết trời vào sáng sớm khá oi nồng, nhưng bầu trời lại phủ kín một màu mây xám đục chứ không trong trẻo như mọi khi. Rồi bất chợt mưa rào rào mà không có gió, có sấm báo trước.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa hoa hẹn phố

(GLO)- Thỉnh thoảng, bạn bè thời đại học ngẫu hứng gửi vào nhóm Zalo bức ảnh về một loài hoa. Dù không giải thích lời nào nhưng lập tức nhiều phản hồi, nhiều icon xuất hiện.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Món quà của chị Hai

(GLO)- Thời tiểu học, tôi khá biếng nhác việc học. Kết quả học tập của tôi năm nào cũng gần như “đội sổ”, trầy trật hết cách mới không bị lưu ban. Trong khi đó, các anh chị tôi đều học giỏi. Tuy nhiên, đọc cuốn sách 'Vượt đêm dài' của nhà văn Minh Quân do chị Hai tặng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tan biến giữa rừng

Tan biến giữa rừng

(GLO)- Tôi mê đắm Tây Nguyên bắt đầu từ 2 chữ “đại ngàn”. Tôi cũng đã từng mường tượng về những cánh rừng bạt ngàn, tán cây che kín không thấy ánh mặt trời, dây leo và cây bụi lấp kín không một lối mòn, muông thú chạy nhảy dưới những tán xanh.

Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng

(GLO)- Nếu tin rằng mọi thứ đều có nguyên do thì lý do ra đời của cây đàn guitar chắc hẳn là niềm ưu ái vô bờ mà thượng đế đặc biệt ban tặng cho con người.

Xôn xao chợ núi

Xôn xao chợ núi

(GLO)- Chợ núi cũng như bao khu chợ ở nhiều vùng miền khác, là nơi mua bán trao đổi, gặp gỡ chuyện trò. Song, chính sự chân chất, bình dị của những phiên chợ này lại khiến bao người nhớ nhung.

Theo cánh ong bay

Theo cánh ong bay

(GLO)- Giữa một ngày chớm hạ, bầy ong mật ở đâu bất chợt vần vũ trên khóm hoa xuyến chi trước sân nhà, khiến tôi xao động. Bên khóm hoa muốt trắng nhụy vàng dịu dàng có bao đôi cánh mỏng tang, rộn rã bên ngày mới.

Nhớ hội trại ngày ấy

Nhớ hội trại ngày ấy

(GLO)- Cứ mỗi dịp tháng 3, khi thấy học sinh nô nức chuẩn bị cho hội trại, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những ngày áo trắng tung bay trên sân trường đầy nắng với bao ước mơ, hoài bão.

Những bức ảnh cũ

Những bức ảnh cũ

(GLO)- Một hôm, tôi vô tình phát hiện cuốn album cũ nằm lẫn giữa đống giấy tờ trong ngăn tủ quần áo. Tôi cầm lên, có cảm giác như chạm vào từng ký ức xa xôi. Ngày xưa yêu dấu theo những bức ảnh lần lượt quay về.

Chờ đợi tầm xuân

Chờ đợi tầm xuân

(GLO)- Tầm xuân đã trở thành cái tên rất quen thuộc với chúng ta, nằm lòng như mấy câu lục bát: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nếp nhăn của mẹ

(GLO)- Từ lúc còn nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh của mẹ-một người phụ nữ cần mẫn, tảo tần từ sáng đến tối. Mẹ như bông lúa chín, dẻo dai trước nắng mưa nhưng vẫn mang trên mình những dấu ấn của thời gian. 

Màu xoan thương nhớ

Màu xoan thương nhớ

(GLO)- Trong những chiều hoa rụng, mẹ nói với bố là mẹ nhớ quê, nhớ cây xoan già bên cạnh cầu ao. Mẹ kể, sau ngày mẹ lấy chồng, ông ngoại đã xẻ hết cây xoan quanh nhà để ngâm dưới ao. Ông bảo phải ngâm trước mới kịp để sau này có gỗ cho bố mẹ làm nhà.

Hương phố, hương đồi

Hương phố, hương đồi

(GLO)- Thường thì khi gắn bó với một nơi quá quen thuộc, chúng ta hay mặc nhiên nghĩ rằng những gì đang hiện diện là hết sức bình thường, chẳng đáng bận tâm. Chỉ đến khi xa vắng mới thấy lòng thật chông chênh, khắc khoải.

Hương cau mùa cũ

Hương cau mùa cũ

(GLO)- Mỗi lần đi ngang qua vườn cau, lòng tôi lại xao động bởi mùi hương thanh khiết mà dịu dàng của những chùm hoa nở rộ. Hương cau không nồng nàn như hoa sữa mà thoảng nhẹ như một ký ức xa xăm, gợi nhớ những mùa cũ đã đi qua trong đời.

Hương lúa

Hương lúa

(GLO)- Tuổi thơ tôi gắn liền với cánh đồng lúa bát ngát với mùi hương lúa thơm nồng mỗi mùa vụ. Đó là hương thơm của quê hương, của những ngày tháng gắn bó với ruộng đồng, của những ký ức tuổi thơ êm đềm và tình yêu đất mẹ thiêng liêng.

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”

Ai cũng có một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy ở quê cũng “đặc biệt” lắm. Đó là ngoài việc đi học, còn phải phụ giúp gia đình chăn bò, cắt cỏ, làm đồng. Tất nhiên, đó cũng là những ngày tháng vui chơi đầy ắp tiếng cười.

Minh họa: Huyền Trang

Nắng đượm thềm xuân

(GLO)- Trời nhè nhẹ dần ấm lên theo bước đi chầm chậm của mùa xuân. Ai cũng có cảm giác ngày tháng thênh thênh dài rộng hẳn ra, dù mỗi ngày vẫn chừng ấy giờ đồng hồ.