Chiến thắng Điện Biên Phủ-Tầm vóc thời đại! -Bài 4: Khát vọng đổi thay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Suốt 65 năm qua, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, nhất là những trở ngại về đường sá, tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Dù thế, Điện Biên vẫn là tỉnh khó khăn bậc nhất cả nước. Thế nên khát vọng đổi thay ở mảnh đất này luôn đau đáu ở từng cán bộ, người dân.
Đảo đào hoa ở Điện Biên
Đến Điện Biên, chúng tôi được nghe nhiều về đảo đào hoa. Quyết định thành lập doanh nghiệp ở tuổi “xưa nay hiếm” để phát triển hoa anh đào, ông Trần Lệ được nhiều người dân gọi vui là “chúa đảo” chân đất.
Là một tiến sĩ công nghệ sinh học, đang có cuộc sống đáng mơ ước ở Đà Lạt, hơn 10 năm qua, ông Trần Lệ đã gắn bó với đảo hoa Pá Khoang, huyện Điện Biên. Trong chiếc lều nhỏ, ban đầu không có điện, nước sinh hoạt được lấy từ dòng sông trước mặt, ông Lệ và một vài cộng sự trung thành đã ấp ủ những hạt mầm đầu tiên của giống hoa anh đào Nhật Bản.
Ông Lệ nói, vì một lời hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã chọn Mường Phăng để nhân giống hoa anh đào, với mong muốn một ngày nào đó sẽ phủ đầy chiến địa xưa bằng sắc hoa hồng thắm. Xa hơn nữa là tạo thêm một điểm nhấn thu hút du khách đến Điện Biên, để bà con có thêm sinh kế bền vững, thoát nghèo. Kiến thức sinh học cộng với quyết tâm dám “thử và sai” của ông Lệ cùng những cộng sự đắc lực của ông rốt cuộc đã thuần hóa được cây anh đào ở Mường Phăng.
Từ 10 hạt hoa đầu tiên ông đem về từ Nhật Bản, ươm mầm ở Hòa Bình, giờ đây khắp đảo hoa đã có tới hàng ngàn cây anh đào. Những cây hoa đầu tiên ông trồng ngay trước cửa căn nhà tạm của mình đã hơn 10 năm tuổi, tết năm nào cũng ra hoa rực rỡ, giúp cho Điện Biên có thêm một lễ hội nữa ngoài lễ hội hoa ban; đó là lễ hội hoa anh đào.
Giờ đây, ông Lệ đã có thể bán cả cây hoa trang trí lẫn cây giống. Nhiều doanh nhân đang xây dựng các khu đô thị lớn đã tìm đến ông đặt mua cây với số lượng lớn. Mỗi cây giống có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng, với khoảng 35.000 cây hiện có, gia tài của vị trí thức - lão nông này không hề nhỏ.
Căn nhà tạm của ông Lệ trên đảo bây giờ vẫn dành một gian nhỏ đặt bàn thờ vị đại tướng mà ông kính yêu cũng như nguyên vẹn mong muốn làm một điều gì đó cho Điện Biên. Tuy thế, ông Lệ chia sẻ rất thật rằng, dù anh đào đã bén rễ xanh cây, nhưng bản thân ông thì chưa thể yên tâm lập nghiệp lâu dài ở Điện Biên.
Vốn không quen với những thủ tục hành chính đất đai rắc rối, lại suy nghĩ đơn giản, hành xử “thẳng ruột ngựa”, doanh nhân 74 tuổi này thậm chí đã suýt vướng vòng lao lý. Mặc dù sau đó đã được những vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh động viên, ủng hộ, nhưng mong muốn được giao đất lâu dài để làm ăn của ông Trần Lệ xem ra vẫn không dễ thực hiện.
Khó khăn chồng chất
Ngược thời gian, từ sau hòa bình lập lại (năm 1954) đến nay, Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư nên trong một thời gian dài, đói nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Ngày 1-1-2004, Trung ương quyết định chia tách tỉnh Lai Châu, thành lập tỉnh Điện Biên. Kể từ đó đến nay, đã 15 năm nỗ lực để phát triển nhưng Điện Biên vẫn là tỉnh rất nghèo với 90% ngân sách địa phương vẫn phụ thuộc ngân sách Trung ương. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018 chỉ đạt 9.591 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt trên 10.230 tỷ đồng.
Năm 2018 chỉ có 29 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng. Toàn tỉnh vẫn còn gần 48.000 hộ nghèo, chiếm gần 38%. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một trong những nguyên nhân khiến Điện Biên chưa thể thoát nghèo, chưa thể “cất cánh” là do đường sá xa xôi, cách trở, dù Điện Biên là nơi mỗi người dân Việt cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam đều mong muốn một lần đặt chân đến.
 
Nếu du lịch Điện Biên phát triển, bà con dân tộc Điện Biên sẽ có thêm cơ hội thoát nghèo
Không ngừng nói về khát vọng đổi thay trên mảnh đất Điện Biên Phủ năm xưa, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhiều lần nhấn mạnh: Giao thông, sân bay của Điện Biên còn rất nhiều hạn chế. Nút thắt lớn nhất đối với phát triển kinh tế Điện Biên hiện nay là giao thông. Bằng đường bộ, du khách phải đi 10-11 giờ từ Hà Nội lên, cả đi cả về mất 2 ngày.
Với hàng không, Điện Biên có sân bay nhưng đường băng ngắn, nhỏ, chỉ sử dụng được máy bay ATR72, lỡ chuyến liên tục... Nhiều nơi từ trung tâm thành phố Điện Biên xuống trung tâm huyện lên tới 200km. Liên kết với Hà Nội và các tỉnh biên giới của các nước láng giềng gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí vận chuyển lớn, sản phẩm hàng hóa không đảm bảo sức cạnh tranh, không thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Vì vậy, Điện Biên đặc biệt trông chờ vào hỗ trợ từ Trung ương để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch và cải tạo nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ. “Nếu nâng cấp sân bay, chắc chắn Điện Biên sẽ cất cánh”, ông Quý kỳ vọng.
Không đầu tư, khó thu hút khách
Khắc phục và hạn chế những khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển, đó là vấn đề sống còn của Điện Biên. Trong đó, phát huy giá trị di tích Điện Biên Phủ, kết nối các điểm di tích để thành chuỗi du lịch lịch sử - văn hóa - thắng cảnh tự nhiên là con đường bắt buộc phải đi, nếu muốn thoát nghèo.
Theo ông Lê Văn Quý, đề án quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng đã được Trung ương chấp thuận, tới đây, Chính phủ phê duyệt và Điện Biên sẽ sớm triển khai. Cái khó khăn nhất là kinh phí, nhưng có đến đâu làm đến đấy, “Chúng tôi quyết tâm làm vì không thể để chậm trễ thêm nữa”.
Thời gian càng trôi qua, nhân chứng Điện Biên càng thưa vắng. Di tích nếu không được bảo tồn kịp sẽ mất đi, đồng nghĩa với việc du lịch, dịch vụ Điện Biên cũng chậm phát triển và người dân Điện Biên, dù ở trên “vàng mười” mà vẫn phải chịu nghèo đói.
Mới đây, tỉnh Điện Biên đã đề nghị Chính phủ cho nâng cấp đường băng sân bay Mường Thanh để khai thác được máy bay lớn như Airbus. Chính phủ đã đồng ý nhưng chưa triển khai được vì cần tới nguồn vốn lớn, hơn 3.000 tỷ đồng, cả xây dựng đường băng và giải phóng mặt bằng. Ông Lê Văn Quý cho rằng, nếu mở được đường bay tới các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hoặc Lào, khách sẽ đông lên, nhiều hãng bay cùng khai thác, giá sẽ rẻ hơn...
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Điện Biên, chia sẻ, phải có các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn mới có thể xây dựng được các dịch vụ tốt hơn, khu lưu trú, vui chơi giải trí; có thể là cả trò chơi mạo hiểm để khai thác hết các tiềm năng về thắng cảnh tự nhiên. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đến Điện Biên khảo sát. Tập đoàn FLC khảo sát để làm sân golf, khu nghỉ dưỡng. Vingroup muốn đầu tư trung tâm thương mại và nông nghiệp sạch. Công ty CP Sữa TH đã khảo sát xong 10.000ha trồng cây mắc ca. Dự kiến sẽ có trại bò lớn và nhà máy sữa nhỏ tại Điện Biên. Khu du lịch quốc gia Pá Khoang đang có nhiều doanh nghiệp khảo sát…
“Tuy nhiên, tất cả mới dừng ở khảo sát. Các doanh nghiệp đều chờ sân bay Điện Biên được đầu tư nâng cấp”, ông Lê Văn Quý ưu tư.
Câu chuyện của ông Trần Lệ và những khó khăn mà Điện Biên đang đối mặt cho thấy, để thu hút các nhà đầu tư tâm huyết, thực sự muốn làm ăn bền vững ở mảnh đất biên viễn còn nhiều gian khó này là không dễ dàng. Có lẽ vì thế mà khi rời Điện Biên, đọng lại trong chúng tôi là cảm giác tiếc nuối. Tiếc vì “vàng mười” nơi đây chưa được khai thác thành công.
Thu Hà-Phan Thảo-Bảo Vân-Bích Quyên (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.