Cựu chiến binh kể chuyện kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Qua 27 ngày đêm gian khổ, vất vả, lo lắng, Tiểu đoàn 394 đã vượt qua bao con sông, khe suối, qua bao núi cao, vực thẳm của núi rừng miền Tây Bắc như Cò Nòi, Pha Đin, đến khu vực tập kết trước hạn định được an toàn, trong khu rừng Tuần Giáo Điện Biên cách tập đoàn cứ điểm của quân Pháp độ 15 - 18km”.
Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Phạm Đức Cư (ở tổ 10, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ) về cuộc hành quân ra trận lần đầu tiên, đặc biệt bằng cơ giới khi đến lòng chảo Mường Thanh. Với người cựu chiến binh gần 90 tuổi, cuộc hành quân này đã để lại trong ông nhiều dấu ấn khó phai.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư - ảnh: HM
Năm 1953, khi mới 23 tuổi, chàng thanh niên Phạm Đức Cư gia nhập Trung đoàn 367 pháo cao xạ, đây là Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 01/4/1953 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông thuộc Tiểu đoàn 394.
Qua gần một năm học tập, huấn luyện kỹ thuật điều khiển pháo ở Trung Quốc, cuối năm 1953, cấp trên cử hai Tiểu đoàn 383 và 394 tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Ông Cư kể: Cuối tháng 01 năm 1954, các đơn vị công binh ngày đêm liên lạc mở đường cho các đơn vị Pháo binh, bộ binh vào lòng chảo Mường Thanh tiếp cận các cứ điểm quân địch. Ông và các đồng đội được lệnh để lại xe ở ngoài kéo pháo bằng sức người vào. 
Theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 383 chiếm lĩnh ở sườn núi phía Đông Nam lòng chảo, Tiểu đoàn 394 của ông chiếm lĩnh bên sườn núi phía Tây Nam lòng chảo, hai tiểu đoàn bố trí thế trận hình cánh cung ôm lấy lòng chảo, hình thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên, chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ cho bộ binh chiến đấu, xây dựng cơ động 41 trận địa pháo.
“Chúng tôi, mỗi người được phát một đôi giày vải trước khi lên đường. Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, để kéo được những khẩu pháo vào trận địa phải có từ 80 đến 100 người kéo. Đường ra trận chủ yếu mới mở quá hẹp, cộng với địa hình dốc, trời mưa trơn, lầy lội, một bên là vực thẳm, một bên là sự bắn phá của địch. Bấy giờ, chúng tôi ai cũng lấm lem bùn đất, chân tay xước xát máu me, hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì đói ăn, vì thiếu ngủ. Thế nhưng chúng tôi ai cũng mang trong mình quyết tâm đánh địch, dù gian khổ việc kéo pháo vào diễn ra một cách suôn sẻ”. Ông Cư nhớ lại.
Niềm hân hoan chuẩn bị được tấn công địch chưa được bao lâu, ngay sau đó, ông và đồng đội lại nhận lệnh kéo pháo ra. “Trong chúng tôi ai cũng bàng hoàng với câu hỏi tại sao không đánh hay có vấn đề gì? Sau khi được Tiểu đoàn trưởng Phạm Đăng Ty cho biết rằng tinh thần chiến dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật thay đổi, vì địch có động thái mới. Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”. Ông Cư cho biết.
Từ chập tối ngày 26/1/1954, ông cùng đồng đội lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ kéo pháo về địa điểm tập kết. Theo cựu binh Phạm Đức Cư, kéo pháo vào đã gian khổ, kéo pháo ra còn khó khăn, gian khổ hơn rất nhiều.
Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 394 lần lượt kéo pháo ra. Trong đợt này, khẩu pháo cuối cùng do Tô Vĩnh Diện làm Khẩu đội trưởng đã gặp bất trắc.
“Khẩu pháo của Đại đội anh Tô Vĩnh Diện đang xuống dốc một chùm pháo của địch bắn ra khiến nhiều đồng chí bị thương. Lúc này với trách nhiệm là Khẩu đội trưởng, anh Tô Vĩnh Diện lái càng pháo, càng pháo dài 2,2 mét, nặng như bắp cày, trong khi đó anh Diện chỉ nặng tầm 60 kg. Đến đoạn dốc Chuối thì một chùm đại bác của Pháp bắn ra, một trong hai dây tời để kéo pháo bị đứt, khẩu pháo nặng 2,4 tấn quay ngang, quay dọc, lăn xuống dốc. Anh Diện vật lộn với khẩu pháo, tìm mọi cách để đẩy được khẩu pháo vào taluy dương để pháo không bị lăn xuống vực, cứu được khẩu pháo thì anh Tô Vĩnh Diện cũng hy sinh, trước khi mất anh ấy vẫn còn hỏi đồng đội “pháo có sao không””. Ông Cư xúc động kể.
“Giữa đêm vắng lặng của mùa đông ấy, giữa cánh rừng Tây Bắc thanh vắng, u tối, không có một nén hương để thắp lên mộ anh, chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi phải chôn cất người đồng đội anh hùng”. Cựu chiến binh ngậm ngùi.
Cái chết của anh Tô Vĩnh Diện càng làm trỗi dậy quyết tâm đánh thắng quân thù của các chiến sĩ pháo cao xạ.
Hình ảnh những người lính pháo binh kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu: TTXVN
Chiều tối 13/3/1954, thời điểm bắt đầu chiến dịch, pháo binh, bộ binh của quân đội ta ào ạt tiến công đánh chiếm lên điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng tại quận khu 1 ở Him Lam, chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ quân ta đã làm chủ thế trận. 5 giờ ngày 14/3/1954 các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu, với nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị bộ binh, thực hiện bao vây, tiến công đồi Độc Lập.
Đêm 15/3/1954 quân ta làm chủ, đánh chiếm đồi Độc Lập, ngày 16/3/1954 quân địch ở khu đồi bản Kéo đã lũ lượt cầm cờ trắng ra hàng. Chiến dịch mới có 3 ngày, địch đã mất 3 vị trí tiền tiêu quan trọng ở phân khu phía bắc, chúng cay cú, điên cuồng nã pháo, huy động nhiều máy bay bắn phá vào các trận địa pháo của ta. Thế nhưng ông và những đồng đội vẫn kiên cường trên mâm pháo, nhằm thẳng máy bay địch để chiến đấu.
Qua 3 đợt tiến công, suốt 65 ngày đêm, các đơn vị pháo cao xạ đã hạ gục không lực của Pháp, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch. Trên bầu trời Điện Biên Phủ năm 1954 pháo cao xạ đã bắn rơi 52 chiếc máy bay các loại trong đó có cả loại pháo đài bay B24 và bắn bị thương 117 chiếc khác, các chiến sỹ pháo cao xạ đã góp phần quan trong vào chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
“Khi chiến dịch kết thúc chiều ngày 7/5 chúng tôi vô cùng sung sướng, phấn khởi, ai cũng chọn điểm cao nhất để vui mừng, để hò reo. Lúc bấy giờ, ở lòng chảo Điện Biên này, tiếng hò reo tạo nên một bản hùng ca bất tận”. Ông Cư chia sẻ.
65 năm đã trôi qua, với cựu chiến binh Phạm Đức Cư, những giây phút cùng đồng đội anh dũng chiến đấu với quân địch mãi mãi không bao giờ quên. Ông không bao giờ quên những đồng đội, những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cư tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ở đơn vị pháo cao xạ. Năm 1962 ông được cấp trên cử lên Điện Biên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Ông và gia đình sống tại Điện Biên Phủ cho đến hôm nay.
May mắn hơn nhiều đồng đội của mình, ông Cư được chứng kiến Điên Biên từ những ngày còn những hố bom, dây thép gai, bãi mìn cho đến hôm nay, mảnh đất đầy bom đạn đã khoác lên mình diện mạo mới tươi đẹp hơn. Có được điều đó biết bao máu xương, mồ hôi của những người lính, dân công đã đổ, họ không quản khó khăn, gian khổ hy sinh tuổi thanh xuân góp sức dựng xây mảnh đất Điện Biên Phủ ngày một phát triển.
Bản thân ông Cư, với tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng xứng đáng với những đồng đội đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con…
Hoàng Mẫn (ĐCSVN)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.