Chiếc khiên trong đời sống đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khiên là loại vũ khí tự vệ khá phổ biến của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Đây là loại binh khí hộ thân khá lợi hại khi đánh gần. Đi cùng với khiên là gươm hoặc lao, những loại vũ khí cổ sơ của các chiến binh thời cổ đại.
Chiếc khiên làm từ vật liệu cứng để khi đánh nhau có thể cản đẩy mũi tên, ngọn lao, đường kiếm nguy hiểm từ phía đối phương. Đối với nhiều dân tộc, chiếc khiên còn được sử dụng như đạo cụ tham gia các điệu múa của trai tráng trong các lễ hội. Từ loại vũ khí tự vệ, khiên đã được đưa vào “nghệ thuật múa”, gọi là điệu múa khiên. Chiếc khiên có hoa văn, họa tiết đẹp tựa như đóa hoa của núi rừng Tây Nguyên.
Múa khiên là điệu múa phổ biến của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Đồng bào M’Nông có 2 loại khiên bằng gỗ: khiên tung là loại to, cứng được đẽo bằng cây tung; khiên blang là loại mềm, được đẽo bằng cây gòn gai. Đồng bào Ê Đê có chiếc khiên làm bằng gỗ hoặc da trâu đi kèm với kiếm hoặc giáo. Đồng bào phía Bắc Tây Nguyên như Jrai, Bahnar, Xê Đăng ngoài những loại khiên làm bằng gỗ cứng còn có loại được chế tạo bằng sắt, thép, đồng. Múa khiên là một nghi lễ bắt buộc trong các lễ hội lớn như: lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành, lễ hội rước kpan (ghế ngồi đánh chiêng trong nhà dài), lễ cúng bến nước... Động tác múa khiên mô phỏng tư thế của một chiến binh: khi gạt, khi đẩy xô về phía trước như đang đánh nhau hoặc rung, lắc nhằm tạo âm thanh, nhịp điệu lúc múa. Cùng với trống hgơr và chiêng, những quả nhạc, lục lạc, chũm chọe bằng đồng gắn trên bề mặt khiên tạo ra âm thanh reo vui, rộn ràng khi người múa rung hoặc lắc chiếc khiên.
Điệu múa khiên của thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong lễ hội đường phố. Ảnh: Tấn Vịnh
Điệu múa khiên của thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong lễ hội đường phố. Ảnh: Tấn Vịnh
Đồng bào Cơ Tu có điệu múa Tân tung nổi tiếng, đó chính là điệu múa khiên sôi nổi của trai làng. Điệu múa tái hiện động tác của chiến binh thời cổ, khi thì nhảy tiến lên lao thẳng giáo mác, cây kiếm về phía trước, khi thì nhảy lùi, thu gọn khom người về phía sau lấy khiên che chắn. Người múa chân thì tay trái cầm khiên (mặt khiên che phần ngực) đưa lên hạ xuống. Tay phải cầm kiếm cũng theo nhịp của tay trái, đánh nhịp về phía bên phải. Với tiết tấu âm nhạc từ chiêng, trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của đám đông dự lễ hội, người múa khiên càng say sưa với điệu nhảy thể hiện nét oai phong, hùng dũng.
Chiếc khiên là hiện vật gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao. Nó được đưa vào làm đồ án trang trí làm đẹp trên trang phục, trên các công trình kiến trúc. Trên bề mặt chiếc khiên của đồng bào Cơ Tu thường trang trí hoa văn mặt trời (mat tngây/mat pleng). Nó được dùng để trang trí cây cột cái, xà ngang, mặt cắt của các đòn tay nằm ở phía trước nhà làng hoặc vô số biến thể, đồ án được ưa chuộng trên nền thổ cẩm. Mô típ hoa văn đặc biệt này được thể hiện bằng nhiều đường thẳng chìa ra xung quanh theo 8 cạnh. Đầu mỗi cạnh có 8 hình con thoi biểu thị cho mũi nhọn của chiếc giáo, chiếc mâu hoặc hình hoa thị có tia nhọn xung quanh. Những mô típ hoa văn không chỉ làm đẹp cho bộ trang phục, các công trình kiến trúc truyền thống mà còn mang ý nghĩa biểu tượng là vật bảo hộ, luôn xuất hiện bên cạnh con người, che chắn cho dân làng được sống trong bình yên, tránh khỏi thiên tai địch họa.
Ảnh 4 Các loại khiên được trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống
Hoa văn trang trí trên những chiếc khiên thường giống nhau về mô típ và màu sắc. Ảnh: Tấn Vịnh
Đối với các dân tộc Tây Nguyên, hoa văn trang trí trên những chiếc khiên thường giống nhau về mô típ và màu sắc. Mô típ quen thuộc là ngôi sao hay mặt trời, thể hiện vũ trụ quan sơ khai của họ. Nó cũng đồng dạng với hoa văn hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn vì các dân tộc nơi đây bảo lưu, kế thừa tàng tích của quá khứ. Hoa văn trên cái khiên của đồng bào Tây Nguyên cũng thường xuất hiện trên sản phẩm dệt, nhất là ở các đuôi khố, khăn, áo, dây buộc tóc... hay trong các vật dụng như: cán dao, vỏ bầu, gùi, nia. Trong các lễ hội, đồng bào cũng vẽ những hoa văn thường được trang trí trên chiếc khiên lên cột lễ, tấm ván thưng, lan can nhà rông hay những vật trang trí bằng lát tre, mây treo trên cây nêu. Trong cuốn sách “Miền đất huyền ảo” của Jacques Dournes có nói đến biểu tượng hoa văn này: Hoa văn 8 cánh ở trong, vòng tròn bao quanh bên ngoài bởi các đỉnh tam giác cân, đỉnh vuông 90 độ là biểu tượng của mặt trời. Hoa văn 8 cánh ở trong, vòng tròn bao quanh bên ngoài bởi các hình tam giác nghiêng về bên phải 45 độ là biểu tượng của mặt trăng.
Đồng bào Giẻ Triêng ở Kon Tum tạo ra nhiều loại khiên với kích thước, hình dạng khác nhau. Loại lớn làm bằng gỗ cứng, sắt, đồng dùng để đấu, múa theo phong cách cổ truyền; loại nhỏ làm bằng gỗ mềm, đan bằng tre hoặc sợi mây, thậm chí được làm bằng bìa carton, gắn một cái cán nhỏ để cầm trên tay, giống như bông hoa, chiếc lá, có công dụng như vật trang trí. Với màu sắc và hoa văn, tạo hình độc lạ, chiếc khiên không chỉ là vũ khí mà còn là vật trang sức rất ấn tượng của các già làng, trai tráng khi tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội. Đối với đồng bào, chiếc khiên như báu vật, được cất giữ, trưng bày một cách trang trọng ở nhà rông, nhà gươl (nhà làng truyền thống). Những lúc không dùng đến, khiên được treo trên vách, bề mặt trang trí được phơi ra. Mỗi chiếc khiên như đóa hoa rừng nở rộ khoe sắc, đầy tính biểu cảm.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.