Châu Âu yêu cầu Apple mở cửa hệ sinh thái iPadOS cho các thiết bị ngoại vi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ủy ban châu Âu bắt đầu xem xét tính tuân thủ của iPadOS với Đạo luật thị trường kỹ thuật số nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Theo MacRumors, Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố đợt rà soát tiếp theo với hệ điều hành iPadOS của Apple nhằm xác định liệu nền tảng này có tuân thủ các quy định mới của Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) hay không. Việc giám sát này tiếp nối sau khi EC xếp iPadOS vào nhóm "Gatekeeper" (người gác cổng) vào tháng 4.2024, thuộc chiến lược rộng hơn nhằm kiềm chế sự thống trị của các công ty công nghệ lớn và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Quy định mới của EU yêu cầu iPadOS phải tạo điều kiện cho ứng dụng và phụ kiện từ các bên thứ ba. ẢNH: APPLE
Quy định mới của EU yêu cầu iPadOS phải tạo điều kiện cho ứng dụng và phụ kiện từ các bên thứ ba. ẢNH: APPLE

Theo các quy định DMA, các nền tảng “người gác cổng” như iPadOS phải đảm bảo hệ sinh thái phần mềm của họ cởi mở và minh bạch hơn. Cụ thể, EC yêu cầu Apple cho phép người dùng tự chọn trình duyệt mặc định trên iPadOS, mở cửa cho các kho ứng dụng bên thứ ba và đảm bảo thiết bị ngoại vi như tai nghe và bút thông minh có thể truy cập đầy đủ các tính năng của hệ điều hành này.

Apple đã tiến hành một số thay đổi trong iPadOS dành riêng cho thị trường EU nhằm tuân thủ DMA, điển hình là phiên bản iPadOS 18 sẽ cho phép người dùng EU cài đặt các kho ứng dụng từ bên thứ ba - còn được gọi là “thị trường ứng dụng” theo cách gọi của Apple - và cho phép người dùng tùy chọn trình duyệt web mặc định.

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm vẫn xoay quanh tính tương thích của iPadOS với các thiết bị ngoại vi từ bên thứ ba. DMA yêu cầu các nền tảng hỗ trợ “hệ sinh thái thiết bị phụ trợ” như tai nghe và bút thông minh, cho phép các thiết bị này hoạt động tốt với các tính năng chính của hệ điều hành. Dù iPad hiện hỗ trợ nhiều loại tai nghe và bút từ bên thứ ba, nhưng tính năng này thường không toàn diện bằng các sản phẩm của Apple như AirPods và Apple Pencil, vốn nổi bật với khả năng tự động chuyển thiết bị và độ nhạy áp lực cao.

Apple có thể sẽ lập luận rằng mức độ hỗ trợ cho phụ kiện bên thứ ba hiện tại đã đáp ứng yêu cầu của DMA. Tuy nhiên, EC sẽ đưa ra đánh giá cuối cùng về tính tuân thủ này. Theo các quy định của DMA, nếu Apple vi phạm, công ty có thể đối mặt với khoản phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hằng năm. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào năm sau.

Theo Khải Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.