50 năm sau chiến tranh, địa danh Khe Sanh - Hướng Hóa được nhắc đến không chỉ nổi tiếng trong chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ, mà còn bởi sự hồi sinh nhanh chóng và vững bước đi lên trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới. Màu xanh không chỉ trở lại mà còn vô cùng xanh tốt, trải dài khắp nơi.
Thành quả ấy, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đồng hành của nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước, trong đó có tổ chức Cây Hòa Bình (Peace Trees Vietnam - PTVN).
Ông Dave Hansen (đội mũ) cùng mọi người trồng cây sao xanh ở sân bay Tà Cơn đợt 3, 3-2018. |
Xuất phát từ ý tưởng của một bà mẹ Mỹ có con trai hy sinh tại chiến trường Việt Nam năm 1969, tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam được thành lập từ năm 1995, với tiêu chí hoạt động là xây dựng mối quan hệ hữu nghị với người dân tỉnh Quảng Trị vì hòa bình hợp tác và đổi mới. Đây là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Hoa Kỳ được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị.
Trong suốt hơn 20 năm qua, tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam đã hỗ trợ tháo dỡ và phá hủy khoảng 85.000 vật liệu nổ, làm sạch gần 400 ha đất nhiễm mìn, hơn 43 nghìn cây xanh được trồng... Ở nhiều vùng đất ô nhiễm bom mìn, hiện nay, người dân có thể yên tâm sản xuất mà không còn lo lắng. Đến với vùng đất Khe Sanh, vốn là chiến trường xưa, là vùng đất chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, tổ chức Cây Hòa Bình không chỉ hỗ trợ xử lí trả lại mặt bằng an toàn cho người dân mà còn có nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa đậm tính nhân văn.
Những lớp học mang tên Cây Hòa Bình
Nằm trong những nỗ lực khắc phục hậu quả của chiến tranh, tổ chức Cây Hòa Bình còn triển khai nhiều hoạt động nhân đạo mang nhiều ý nghĩa vượt xa cả mục đích ban đầu, đó là tiến hành đầu tư xây dựng một số lớp học mầm non thuộc những vùng khó khăn của huyện Hướng Hóa.
Lớp học ở điểm trường mầm non Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. |
Phòng học đầu tiên đã ra đời vào năm 2007 ở điểm trường mầm non Amor thuộc địa bàn xã A Xing, huyện Hướng Hóa. Hai năm sau, cũng tại vùng đất còn nhiều khó khăn này, phòng học ở điểm trường A Cha cũng đã được xây dựng. Tháng 10.2010, tiếp tục thêm một phòng học khang trang được vào sử dụng cho các cháu ở gần sát biên giới Việt - Lào tại điểm trường Khe Đá, thị trấn Lao Bảo. Và gần đây nhất là điểm trường Hoa Hướng Dương ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh.
Tất cả các điểm trường do tổ chức Cây Hòa Bình tài trợ, ngoài việc được xây phòng học, đầu tư toàn bộ trang thiết bị, hàng năm còn được đầu tư bảo dưỡng, cải tạo khi bị hư hỏng, xuống cấp. Hàng tháng, các cháu được hỗ trợ ăn trưa với số tiền 200 USD/tháng/lớp để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Vào các dịp lễ, tết, các cháu được tổ chức tặng quà như bánh kẹo, áo quần, đồ chơi… Ngoài ra, khi có dịp, Cây Hòa Bình đến thăm hỏi, cùng vui chơi, cùng tham gia lao động trồng cây, sơn sửa đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cho trẻ.
Những lớp học mang tên Cây Hòa Bình không chỉ dừng lại ở ý nghĩa thiết thực, dù ý nghĩa này không hề nhỏ nhưng ý nghĩa tinh thần và sức lan tỏa còn lớn hơn rất nhiều. Những lớp học khang trang được xây dựng lên ở những nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, giữa những khô cằn nắng gió đã làm ấm sáng lên những góc rừng, những bản làng xa xôi của huyện Hướng Hóa. Tiếng trẻ thơ nô đùa với những nụ cười trên môi cùng những “ông Tây”, “bà Tây” từ nước Mỹ xa xôi vốn một thời thù địch đã trở nên gần gũi và thân thiện trong mắt của các em, gieo vào các em niềm tin về một thế giới hòa bình, không phân biệt, không thù hận.
Có thể thấy, những con người từ miền đất xa xôi nhưng cũng đã thấu hiểu và thấm nhuần được đạo lí truyền thống của Việt Nam chúng ta “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Những đứa trẻ - những cái cây nhỏ bé ấy - đã được nâng niu, ươm mầm xanh cho một ngày mai tươi sáng. Được đến và ngắm nhìn những đứa trẻ trong các lớp học này, chúng tôi vững tin rằng, những cái cây nhỏ bé kia sẽ nối tiếp nhau lớn lên thành những cây trưởng thành, vững chãi, góp phần tạo nên một Hướng Hóa hội nhập, hòa bình và phát triển bởi một điều giản dị như tên lớp học các em đang đứng: lớp học Hòa Bình.
Cây Hòa Bình ở sân bay Tà Cơn
Ý tưởng trồng cây Hòa Bình tại sân bay Tà Cơn ra đời từ một cựu binh Mỹ lái máy bay trực thăng tại chiến trường Khe Sanh, ông Dave Hansen. Vào tháng 7-2011, ông Dave Hansen đã chia sẻ ý tưởng xây “Vườn Hòa Bình Khe Sanh” với bà Jerilyn Brusseau, đồng sáng lập viên của “PeaceTrees VietNam”.
Trong khi chờ đợi dự án Vườn Khe Sanh (Khe Sanh Garden) thực thi, ông Dave Hansen cùng những người trong tổ chức Cây Hòa Bình đã tiến hành trồng cây tại sân bay Tà Cơn cũng không ngoài mục đích như tên của tổ chức này: Môi trường ở Quảng Trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh. Điều chúng tôi (tổ chức Cây Hòa Bình) muốn làm nhất là trồng cây xanh tại nơi đây để góp phần trả lại màu xanh cho một vùng đất chịu nhiều hậu quả nhất do chiến tranh gây ra. Chọn sân bay Tà Cơn là một lựa chọn mang nhiều ý nghĩa lớn lao.
Tháng 3-2012, những cây avocado (cây bơ) đầu tiên đã được gieo xuống ở một góc nhỏ của sân bay Tà Cơn bởi một nhóm nhiều thế hệ của cựu chiến binh Mỹ và bạn bè trong tổ chức Cây Hòa Bình, cùng với một nhóm đại diện các cựu chiến binh (của Quân đội Nhân dân Việt Nam) huyện Hướng Hóa. Hình ảnh những con người ở hai phía chiến tuyến cùng đào một hố trồng cây, cùng trồng và vun đắp cho những cái cây mọc lên trên nền đất hoang hóa, khô cằn là một hình ảnh rất đẹp, bởi họ không chỉ trồng cây mà còn gieo mầm xanh, mầm hòa bình cho một nơi tang tóc nhất, khốc liệt nhất, bị tàn phá nhiều nhất: Sân bay Tà Cơn và chiến trường Đường 9 Khe Sanh - Hướng Hóa.
Đến nay, sau 6 năm được chăm sóc, vườn cây bơ đã mọc xanh tốt ở một góc nhỏ của sân bay là một minh chứng thuyết phục cho sức sống của khát vọng hòa bình của con người nơi này. Tiếp tục hành động mang ý nghĩa như vậy, vào tháng 3.2014, một số người trong tổ chức Cây Hòa Bình và đại diện Hội cựu chiến binh huyện Hướng Hóa lại tổ chức trồng cây đợt 2 – cây sao xanh ở sân bay Tà Cơn và đợt 3, gần đây nhất vào tháng 3.2018 vừa rồi.
Điều tốt đẹp nhất của hành động trồng Cây Hòa Bình ở sân bay Tà Cơn đó là sự kết hợp giữa hai phía: Cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam. Những con người đều từng chứng nhân của cuộc chiến tranh của cả hai phía cùng chung tay gieo trồng Cây Hòa Bình trên chính mảnh đất, từng là nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh – sân bay Tà Cơn. Những Cây Hòa Bình được gieo trồng đã đâm chồi nảy lộc và xanh tốt trên mảnh đất này không chỉ đem lại màu xanh cho một sân bay, một Khe Sanh mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, bởi nó còn là cây của hòa giải, cây của sự hòa hợp dân tộc, cây mang sứ mệnh cao cả…
Và màu xanh đã trở lại với đất trời Khe Sanh
Tổ chức Cây Hòa Bình trồng cây tại điểm trường mầm non Amor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. |
Có thể bạn sẽ rất khó tin khi chúng tôi bảo bạn đến một nơi như sân bay Tà Cơn để tìm sự bình yên thanh thản, nhưng đó là hoàn toàn là sự thật. Hãy một lần đến với sân bay Tà Cơn để cảm nhận được bức tranh thanh bình ngập tràn một màu xanh. Màu xanh của bầu trời cao rộng, màu xanh của đồi núi mênh mông hòa cùng màu xanh của cỏ cây hoa lá.
Đến đó, bạn sẽ được nhìn ngắm những con người của hai dân tộc, của hai chiến tuyến; những con người từng là nạn nhân của cuộc chiến tranh, trong đó có thể có những cựu binh Mỹ và cựu binh Việt cùng đến sân bay Tà Cơn, cùng nhìn ngắm lại những kỉ vật và kí ức về cuộc chiến khốc liệt với tâm trạng khác nhau nhưng họ đã đứng bên nhau để mặc cho dòng cảm xúc tuôn chảy. Cuộc chiến đó đã lùi vào dĩ vãng, chúng ta không quên, người Mỹ cũng sẽ không quên nhưng nhớ không phải để hận thù mà là để cảm thông và chia sẻ. Không chỉ thế, bạn sẽ còn được thấy họ cùng nhau chụp những tấm hình lưu niệm đầy thân thiện, tươi vui.
Có một điều chắc chắn, Cây Hòa Bình không thể chỉ là những cây được trồng ở sân bay Tà Cơn mà ở bất cứ nơi đâu của vùng đất Khe Sanh - Hướng Hóa. Từ những đồi thông trải dài phủ xanh đồi trọc, những vườn càphê đang mùa ra hoa tỏa hương thơm ngát đến những vườn hồ tiêu đã vào mùa thu hoạch… đều chính là Cây Hòa Bình viết hoa.
Và những con người hòa bình không thể chỉ là những đứa trẻ được lớn lên từ những lớp học mang tên Cây Hòa Bình mà bất cứ ai là người dân Khe Sanh – Hướng Hóa – Quảng Trị đều mang trong mình khát vọng ấy. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu được cái giá của hòa bình đã được trả bằng rất nhiều máu và nước mắt, được trả bằng rất nhiều tổn thương trong chiến tranh và cả một thời gian dài của hậu chiến.
Thủy lâm/laodong