'Cấp cứu' ma nhai Ngũ Hành Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) ở Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, dù đang đệ trình và xứng đáng với danh hiệu di sản tư liệu thế giới nhưng lại đối diện nguy cơ bị hủy hoại...
Động Huyền Không, nơi có đến 60 bia ma nhai nhưng chỉ còn 36 bia tương đối nguyên vẹn - Ảnh: Hoàng Sơn
Động Huyền Không, nơi có đến 60 bia ma nhai nhưng chỉ còn 36 bia tương đối nguyên vẹn - Ảnh: Hoàng Sơn
“Với những gì bảo tồn được đến ngày nay, nếu không tiếp tục nỗ lực cứu lấy những ma nhai Ngũ Hành Sơn đang dần bị hủy hoại bởi thời gian thì có sở hữu danh hiệu di sản tư liệu thế giới cũng chẳng nói lên được điều gì!”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, đánh giá.
Tác động của thiên nhiên và con người
Từng chủ trì hội thảo khoa học về ma nhai Ngũ Hành Sơn vào năm 2019, ông Bùi Văn Tiếng nhìn nhận tình trạng không ít ma nhai ở đây bị tổn thương do thời gian và cả sự thiếu hiểu biết của hậu thế. “Thời gian đã, đang và sẽ hủy hoại di sản, chưa kể sự hủy hoại đến từ phía con người. Từ năm 2017, các nhà khoa học đã cảnh báo về khả năng bào mòn của tự nhiên và của cả con người đối với ma nhai Ngũ Hành Sơn, dẫn tới bị hủy hoại một đi không trở lại; còn những ma nhai tồn tại thì đang “chết lâm sàng” do bị bôi trát, che phủ không thể đọc được. Thậm chí không thể nhận ra đó là ma nhai”, ông Tiếng nói.
Công trình nghiên cứu văn khắc Hán Nôm tại Ngũ Hành Sơn do đại đức Thích Không Nhiên (Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế) công bố năm 2019 cũng chỉ ra rằng, trên 90 văn bản ghi nhận được tại 5 hang động của Ngũ Hành Sơn thì đa phần không còn nguyên vẹn. Bởi một số lớn bị phong hóa theo thời gian, mờ hết chữ; một số bị bôi lấp bởi sơn và xi măng.
Cụ thể, trong số 60 ma nhai tại động Huyền Không, có đến 13 ma nhai chữ đã quá mờ, 9 bị bôi trát xi măng và sơn, 2 đã bị đục hết nội dung chữ. “Ma nhai tại động Tàng Chơn cũng ở trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, một phần được chúng tôi gia công làm bong tróc các lớp xi măng và sơn bôi lấp bên ngoài”, đại đức Thích Không Nhiên cho biết.
Tại động Linh Nham hiện có 3 văn bản. Ngoài bức đại tự Linh Nham động do hoàng đế Minh Mạng ngự đề năm 1837 còn khá sắc nét thì 2 văn bản đề thơ thời vua Bảo Đại đã bị xi măng bôi lấp.
Bia ma nhai Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, khắc năm 1631 trên vách động Vân Thông bị xâm hại bởi những ký tự “lưu niệm” - Ảnh: S.X
Bia ma nhai Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, khắc năm 1631 trên vách động Vân Thông bị xâm hại bởi những ký tự “lưu niệm” - Ảnh: S.X
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sự xâm hại từ con người lên các bức ma nhai là rất thô bạo. Chẳng hạn, bia ma nhai Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, khắc năm 1631 với lối điêu khắc độc đáo trên vách động Vân Thông bị khắc những ký tự “lưu niệm” nguệch ngoạc như “Ly”, “Trinh”, “Phong”... phá hỏng những nét chữ cách nay đã 400 năm.
Nếu không tiếp tục nỗ lực cứu lấy những ma nhai Ngũ Hành Sơn đang dần bị hủy hoại bởi thời gian thì có sở hữu danh hiệu di sản tư liệu thế giới cũng chẳng nói lên được điều gì!
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử
Đà Nẵng
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng việc phục dựng thành công một ma nhai rất khó khăn cả về công nghệ, kinh phí... “Tuy nhiên khó thế chứ khó nữa, theo tôi vẫn nhất thiết phải có cuộc “khai quật” ma nhai tại Ngũ Hành Sơn nhằm làm sống lại những ma nhai đang dần bị hủy hoại”, ông Tiếng nhấn mạnh.
Sẽ nghiêm cấm tác động vào ma nhai
Theo ông Bùi Văn Tiếng, muốn bảo tồn ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, trước hết phải làm cho mọi người nhận rõ giá trị của di sản này. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về Ngũ Hành Sơn nói chung và về thư tịch cổ, văn khắc Ngũ Hành Sơn nói riêng, xem đây là “chuyện cần làm ngay”, bởi thời gian sẽ làm mai một nguồn nhân lực nghiên cứu Hán Nôm vốn hiếm hoi.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết với nhiệm vụ hoàn thành hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới, thời gian qua đơn vị đã làm tất cả các bản dập ma nhai, cho dịch đầy đủ và số hóa dữ liệu. “Khi làm hồ sơ, chúng tôi đã khảo cứu kỹ, qua đó ghi nhận nhiều bản phong hóa nên không đọc được. Về tình trạng sơn phủ lên các bức ma nhai, nguyên nhân là do bị phong hóa, không đọc được nên một số nhà nghiên cứu đã dùng bột phấn trát lên nhằm làm bản dập. Để khắc phục, ngành chức năng sẽ nghiên cứu các giải pháp. Tuy nhiên, cách tốt nhất là phải giữ nguyên hiện trạng, không được dùng hóa chất, vật cứng can thiệp. Và phải có cách tránh sự tác động của thiên nhiên”, ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng tiết lộ, thời gian tới TP sẽ nghiêm cấm việc tiếp xúc gần với các ma nhai, kể cả việc làm bản dập phục vụ công tác nghiên cứu. Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đã cho dập và biên soạn, dịch đầy đủ nên các nhà nghiên cứu có thể liên hệ để được cung cấp. Hằng năm, ngành chức năng sẽ có biện pháp vệ sinh đúng với “phác đồ” bảo quản chuyên dành cho ma nhai. Ngành văn hóa Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng hệ thống ma nhai, xây dựng bài thuyết minh điện tử bằng mã QR Code, xuất bản các ấn phẩm… nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đến cộng đồng.

Chưa thể đệ trình hồ sơ tới UNESCO do dịch Covid-19
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới đã thực hiện xong. Theo kế hoạch, trong tháng 4 UNESCO sẽ họp và chốt thời gian nộp hồ sơ vào tháng 4; đến tháng 10, UNESCO sẽ họp ở Ấn Độ để xét (cùng hồ sơ của một số địa phương khác). “Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên UNESCO đã dời cuộc họp về hồ sơ vào tháng 11, nên có thể năm 2021 tiến trình công nhận di sản mới được triển khai”, ông Thiện nói.
Theo Hoàng Sơn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.