Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ vì nhẹ dạ cả tin và mong muốn kiếm tiền nhanh, nhiều người đã “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Dù phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới song vẫn gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác điều tra.

Đa dạng chiêu thức lừa đảo

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), từ ngày 15-12-2022 đến 15-3-2024, lực lượng Công an toàn tỉnh ghi nhận 218 trường hợp công dân trình báo về việc bị đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền khoảng 87,3 tỷ đồng.

Qua phân tích cho thấy, thành phần bị hại đa số là nữ (chiếm 68%). Trong đó, từ 30 đến 50 tuổi chiếm 61%; khu vực thành thị chiếm 69%; dân tộc Kinh chiếm đa số. Về nghề nghiệp, bị hại chủ yếu là lao động tự do, nhân viên lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý, nhiều bị hại là giáo viên, cán bộ, công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí...

Công an tỉnh bắt giữ đối tượng người nước ngoài lợi dụng không gian mạng để lừa đảo. Ảnh: V.H

Công an tỉnh bắt giữ đối tượng người nước ngoài lợi dụng không gian mạng để lừa đảo. Ảnh: V.H

Các đối tượng tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu khai thác 3 điểm yếu tâm lý để dẫn dụ bị hại gồm: lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin và kỹ năng nhận diện lừa đảo; đánh vào lòng tham, mong muốn kiếm tiền nhanh và dễ dàng; bị đe dọa, dẫn đến luôn có tâm lý làm theo yêu cầu của đối tượng.

Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-cho biết: Qua phân tích, đánh giá từ đơn tố giác của các bị hại cho thấy, các đối tượng lừa đảo có 6 thủ đoạn chính gồm: sử dụng cuộc gọi giả danh cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền quốc tế... để yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền; tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử ảo do các đối tượng lập ra, dẫn dụ nạn nhân nộp tiền và chiếm đoạt; kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao hoặc nhờ nhận và giữ giúp tiền mặt (ngoại tệ) giá trị lớn.

Sau đó, các đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay... yêu cầu đóng các loại phí và chiếm đoạt tiền của bị hại; chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, sử dụng công nghệ AI Deepfake gọi và nhắn tin trên messenger), giả lập các trang cá nhân Facebook, Zalo để giả là bạn bè, người thân nhắn tin mượn tiền và yêu cầu chuyển vào các tài khoản đối tượng đưa ra sau đó chiếm đoạt; dụ dỗ cho vay tiêu dùng, thủ tục đơn giản thông qua các app lừa đảo, yêu cầu đóng các loại phí sẽ được nhận lại khi giải ngân sau đó chiếm đoạt; dụ dỗ tham gia các sàn giao dịch đầu tư tài chính thu lợi nhuận cao với hình thức dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tiền ảo, hàng hóa.

Một trong những nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là chị H.T.S. (trú tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Ngày 20-11-2023, chị S. có đơn tố giác các đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng.

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã bắt giữ, khởi tố 2 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng người nước ngoài về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Trong tổng số 218 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được phát hiện, lực lượng Công an toàn tỉnh đã ra quyết định khởi tố 112 vụ, trong đó đã kết luận chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 11 vụ/15 bị can.

Nâng cao cảnh giác

Qua phân tích các vụ, Công an tỉnh xác định các nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng các thiết bị công cụ, phương tiện và công nghệ hiện đại, lợi dụng nền tảng các mạng xã hội, dịch vụ internet, viễn thông di động của các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để nhắn tin, gọi điện cho bị hại.

Các đối tượng cũng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (tài khoản rác do dùng giấy tờ giả để mở, do mua bán trên các hội nhóm, trang mạng xã hội...) để nhận tiền chiếm đoạt của bị hại gây khó khăn cho việc truy vết, phong tỏa, ngăn chặn dòng tiền bị lừa đảo. Phần lớn đối tượng thường dẫn dụ người dùng thông qua việc cài đặt ứng dụng Telegram rồi từ đó thực hiện các hoạt động lừa đảo.

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài (chủ yếu tại Campuchia). Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng kẽ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, thanh toán số, thương mại điện tử... để thực hiện hành vi phạm tội.

Tang vật thu giữ của đối tượng lừa đảo chị H.T. S với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ảnh: V.H

Tang vật thu giữ của đối tượng lừa đảo chị H.T. S với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ảnh: V.H

Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu cảnh giác, tạo điều kiện để tội phạm hoạt động.

Việc người dùng mạng xã hội trên nhiều nền tảng khác nhau (Viber, Facebook, Telegram...) của các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài không tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng dẫn đến không kiểm soát được các hoạt động trên không gian mạng. Trong khi đó, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tăng (chiếm 23,74% trong cơ cấu tội phạm) nhưng tỷ lệ điều tra phá án chỉ đạt 25,4%.

Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền ngay từ cơ sở, phòng ngừa bằng nhiều biện pháp, cách thức và hình thức sát với thực tế.

Thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm đăng tải trên các trang mạng xã hội của đơn vị, địa phương, đồng thời hướng dẫn người dân tham gia theo dõi để kịp thời nhận được các thông tin tuyên truyền, cảnh báo. Công tác tuyên truyền cũng tập trung vào các đối tượng dễ bị lợi dụng, đặc biệt là phụ nữ. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng để phòng tránh.

Có thể bạn quan tâm

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.

Các lọ tinh dầu thuốc lá điện tử được thu giữ. Ảnh nguồn cand.com.vn

Cảnh báo việc bơm tinh chất chứa ma túy vào thuốc lá điện tử bán cho học sinh, sinh viên

(GLO)-Công an tỉnh Phú Thọ thông tin, thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội thường mua các lọ tinh dầu chứa chất ma túy MDMB-BUTINACA trên các trang mạng xã hội, sau đó về pha loãng bằng các loại dung dịch khác nhau rồi bơm vào các Pod thuốc lá điện tử và bán cho học sinh, sinh viên để kiếm lời.

Công an huyện Đức Cơ ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng

Công an huyện Đức Cơ ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng

(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Đức Cơ  (tỉnh Gia Lai) bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình đó, Công an huyện đã nỗ lực triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.