Cảnh giác với thủ đoạn giả shipper lừa chuyển tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng giả danh shipper gọi giao hàng để lừa chuyển khoản liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây khiến những người thường xuyên mua hàng online không khỏi bất an, lo lắng.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Nam (phường Tây Sơn, TP. Pleiku), mới đây, khi anh đang làm việc thì nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là shipper đến giao hàng và đề nghị anh ra nhận. Là người thường xuyên mua hàng online nên anh không nghĩ ngợi nhiều, chỉ nói hiện mình không có ở nhà. Nghe vậy, người này nói sẽ bỏ hàng vào sân rồi nhắn số tài khoản để anh chuyển tiền ship.

tin-nhan-so-tai-khoan-lua-chi-thu-chuyen-tien-anh-ha-duy-2648.jpg
Tin nhắn từ số điện thoại lạ lừa chị Trần Thị Minh Thư chuyển tiền. Ảnh: N.K

“Với những người thường xuyên mua hàng online thì đây là việc bình thường. Tuy nhiên, sau vài phút nhắn số tài khoản để tôi chuyển tiền ship, người này gọi lại và nói với tôi là đã đưa nhầm số tài khoản hội viên shipper. Sau đó, người này hướng dẫn tôi bấm vào đường link đã gửi trong tin nhắn để hủy gói cước hội viên.

Trường hợp không hủy, mỗi tháng, tôi sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng (trừ trong vòng 12 tháng) vì họ đã có số tài khoản của tôi rồi. Nếu tôi không làm theo sẽ bị chuyển qua Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia và sẽ thành đối tượng nợ xấu. Do đã nghe nhiều về thủ đoạn lừa đảo này nên tôi cảnh giác không làm theo yêu cầu”-anh Nam cho hay.

Cũng thường xuyên mua hàng online nên chị Trần Thị Minh Thư (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) quen với nhiều shipper. Vì vậy, mỗi khi có hàng về, nếu chị không có mặt ở nhà để nhận trực tiếp thì shipper cũng không cần gọi điện thoại trước mà chỉ nhắn số tài khoản và số tiền phải trả rồi để hàng vào cổng. Chị sẽ tự lấy hàng rồi chuyển tiền sau.

Chị Thư cho hay: “Trong số các shipper, có người tôi lưu số điện thoại, có người không lưu. Nhưng những người đã giao hàng nhiều lần thì tôi cũng nhớ. Tuy nhiên, lần này, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ hỏi tôi có ở nhà thì ra nhận hàng. Lúc đó, tôi đang trên đường đi công tác về nên trả lời là khoảng 15-20 phút nữa sẽ có mặt ở nhà. Nghe vậy, người này nói sẽ để hàng vào sân rồi gửi số tài khoản để tôi chuyển tiền qua.

Điều lạ là người này nói đứng trước nhà tôi để giao hàng, nhưng qua điện thoại, tôi nghe ồn ào như đang trong quán nhậu, giọng nói của shipper cũng không rõ ràng. Sau đó, người này nhắn số tài khoản với số tiền thanh toán 302 ngàn đồng. Tôi dự tính về tới nhà xem thử hàng gì rồi chuyển khoản nhưng người này liên tục gọi điện thoại hối thúc chuyển tiền.

Nghi ngờ nên tôi đã mở camera trước sân lên để kiểm tra thì không thấy shipper nào đứng trước nhà trong khoảng thời gian đó. Về tới nhà, tôi cũng không thấy gói hàng nào. Lúc này, tôi mới chắc chắn đó là cuộc gọi lừa đảo”.

Chị Thư cho biết thêm, với thủ đoạn lừa đảo này, một người bạn của chị đã mất gần 200 ngàn đồng nhưng không nhận được hàng. Mới đây, tại Hà Nội, cơ quan Công an đã tạm giữ hình sự đối với đối tượng Phan Văn Tùng (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) vì sử dụng phương thức lừa đảo này để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, từ tháng 4-2024 đến khi bị bắt,Tùng đã lừa đảo hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 130 triệu đồng.

Trước đó, Báo Gia Lai cũng đưa thông tin chị N.T.L. (trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) nhận được cuộc gọi của người tự nhận là shipper thông báo chị có đơn hàng trị giá 145 ngàn đồng và yêu cầu chuyển khoản.

Sau đó, đối tượng này gọi lại và nói chị chuyển khoản nhầm vào số tài khoản của công ty và sẽ tự động kích hoạt gói cước hội viên. Nếu chị không nhấn vào đường link mà đối tượng đã gửi trong tin nhắn để hủy gói cước thì hàng tháng sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng. Tin lời đối tượng, chị L. đã làm theo và bị mất gần 500 triệu đồng trong tài khoản.

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động ngày càng tinh vi, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã có thông báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân cảnh giác.

Trong đó, cảnh báo người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng ngừa.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.