Cảnh giác trước sự lây lan của virus Nipah

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Hindustan Times, Thủ hiến bang Kerala (Ấn Độ) Pinarayi Vijayan vừa thông báo 36 mẫu thu thập từ dơi ở bang Kerala đã cho kết quả âm tính với virus Nipah. Đây là khu vực bùng phát virus Nipah nguy hiểm trong hơn một tuần qua.
Nhân viên y tế tại Ấn Độ lấy mẫu từ dơi

Nhân viên y tế tại Ấn Độ lấy mẫu từ dơi

Cho đến nay, Kerala đã báo cáo 6 trường hợp nhiễm virus Nipah, trong đó 2 trường hợp tử vong và 4 trường hợp đang được điều trị. Trong 24 giờ qua, Kerala không có ca nhiễm mới nào, với hàng chục mẫu xét nghiệm từ người có triệu chứng nguy cơ cao cho kết quả âm tính. Những kết quả này cho thấy, mối đe dọa của virus đã giảm bớt. Tuy nhiên, giới chức bang Kerala vẫn duy trì cảnh giác trước sự bùng phát của dòng virus này.

Theo người đứng đầu cơ quan y tế tại bang Kerala Veena George, có 9 bang (trong đó Kerala) đang đặt trong tình trạng có nguy cơ nhiễm virus Nipah cao. 6 trường hợp nhiễm virus Nipah ở bang Kerala được xác định là dòng virus kiểu gene của Ấn Độ, hay kiểu gene I, tương tự như chủng được tìm thấy ở Bangladesh. Có 2 chủng virus Nipah, một từ Malaysia và một từ Bangladesh.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị khỏi bệnh một khi nhiễm virus Nipah. Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới khoảng 70%. Các nhà khoa học tại Viện Virus học quốc gia Ấn Độ lần đầu tiên xác định được virus Nipah trên loài dơi ở bang Maharashtra. Loại virus này thường tìm thấy ở dơi, chuột và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách những loại virus nguy hiểm nhất thế giới.

Trước đó, Ấn Độ ghi nhận 4 đợt bùng phát đại dịch do virus Nipah trong năm 2018, 2019 tại bang Kerala và năm 2001, 2007 tại bang Tây Bengal. Virus Nipah cũng từng bùng phát năm 1998 ở Malaysia và Singapore, cướp đi sinh mạng của trên 100 người và làm lây nhiễm cho gần 300 người. Kể từ đó, virus Nipah đã lây lan, với tỷ lệ tử vong dao động từ 72%-86%. Dữ liệu của WHO cho thấy, từ năm 1998 đến năm 2015, trên 600 trường hợp nhiễm virus Nipah ở người đã được ghi nhận. Kerala đang nằm trong số những nơi có nguy cơ bùng phát virus từ dơi như Nipah cao nhất trên toàn cầu.

Sự gia tăng số ca nhiễm virus Nipah trong thời gian gần đây đã khiến WHO lo sợ một đại dịch tương tự Covid-19 sẽ bùng phát. WHO xếp virus Nipah vào danh sách 16 mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển, do có khả năng gây ra dịch bệnh cùng với các dòng virus như virus Marburg và Ebola, sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt Lassa...

Theo giới khoa học, điều quan trọng không phải virus Nipah, hay bất kỳ loại virus gây bệnh nào khác, mà là khả năng phòng chống và đối phó của con người. Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm virus Nipah là giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với động vật có nguy cơ nhiễm bệnh, rửa trái cây và rau quả, gọt vỏ trái cây trước khi ăn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân sống ở những khu vực xảy ra dịch bệnh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đồng thời tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể hoặc máu của những người bị nhiễm bệnh.

Theo CDC, virus Nipah có thể lây nhiễm trực tiếp sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của dơi và heo bị nhiễm bệnh. Một số trường hợp lây truyền khác được ghi nhận lây lan từ người. Biểu hiện của người nhiễm virus Nipah là sốt, nhức đầu, buồn ngủ, mất phương hướng, rối loạn tâm thần và hôn mê, có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Có thể bạn quan tâm

Chăm 'yêu', cải thiện trí nhớ

Chăm 'yêu', cải thiện trí nhớ

Các nhà tâm lý thuộc Đại học Maryland (Mỹ) chứng minh, thực hành sex kích thích hiệu ứng tạo tế bào thần kinh vùng hải mã, tức địa bàn não bộ chịu trách nhiệm trí nhớ dài hạn người trong cuộc.