Cảnh báo tình trạng trẻ bị rắn độc cắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo mẹ lên rẫy trồng mì rồi nghịch ngợm thò tay vào hang rắn, bé Đinh Thơn (8 tuổi, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bị rắn độc cắn phải nhập viện cấp cứu. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Gia Lai thì đây không phải là trường hợp hiếm gặp.

Bác sĩ Phan Xuân Hoàng (Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho biết: Đinh Thơn nhập viện chiều 6-5 trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, bé đã được người nhà sơ cứu trước đó rồi mới chuyển lên bệnh viện. Bàn tay phải nơi bị rắn cắn nổi nhiều bọng nước, sưng to, bầm tím; ngay vị trí vết rắn cắn có dấu hiệu rạch để nặn nọc độc bị chảy máu không ngừng, có hiện tượng rối loạn đông máu. Theo bác sĩ Hoàng, tình trạng hiện tại của bệnh nhi đã tạm ổn, giảm rối loạn đông máu nhưng vẫn còn chảy máu. Trước đó, Bệnh viện Nhi đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca tương tự. Trong số đó, có 2 ca nhập viện trong tình trạng rối loạn đông máu nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

Sức khỏe của bé Đinh Thơn hiện đã tạm ổn định. Ảnh: N.N
Sức khỏe của bé Đinh Thơn hiện đã tạm ổn định. Ảnh: N.N

Chăm con tại bệnh viện, chị Puih Jua (mẹ bé Thơn) kể: Hôm đó là chủ nhật nên vợ chồng chị dắt các con lên rẫy để tiện chăm sóc. Thơn vốn hiếu động, khi thấy cái hang cứ nghĩ là hang chuột nên thò tay vào định bắt thì không ngờ bị rắn cắn. Gia đình phát hiện kịp thời và đã rạch vị trí rắn cắn để nặn nọc độc ra, sau đó nhanh chóng chuyển lên bệnh viện cấp cứu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng, cách sơ cứu như trên là một trong những sai lầm mà nhiều gia đình mắc phải, chỉ càng làm cho tình trạng thêm nặng. “Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử; khi đến bệnh viện bác sĩ tháo băng garo ra chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc rất nguy hiểm. Ngoài ra, không dùng miệng để hút chất độc ra khỏi vết cắn; không rạch da để nặn nọc độc ra; không được đắp đá, chườm lạnh, đốt vết cắn và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn. Khi bị rắn cắn cần rửa sạch vết thương, không chà xát mạnh vết thương; băng quấn kín vết thương bình thường hoặc cố định băng nẹp giống như khi gãy chân tay… Sau sơ cứu thì nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu”-bác sĩ Hoàng đưa ra lời khuyên.

Trong dịp hè, tai nạn thương tích ở trẻ nói chung, trong đó tai nạn do rắn cắn nói riêng, thường gia tăng. “Để phòng rắn cắn, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không chơi gần các khu vực rậm rạp, gần các đống gạch vụn, đống rác, tổ mối. Vào ban đêm nếu phải ra vườn thì nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài; khi ngủ cần mắc màn; không trêu chọc, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời. Ngoài ra, do trẻ con vốn hiếu động, nghịch ngợm nên người lớn cần chú ý quan sát để kịp thời phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ”-bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.