Cần tiếp tục lấy ý kiến về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều ý kiến cho rằng quy định rút bảo hiểm xã hội một lần như phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, tuy nhiên đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 2 phương án.
Anh Chang A Tăng (sinh năm 1980, bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) làm thủ tục rút BHXH 1 lần do hoàn cảnh gia đình khó khăn. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Anh Chang A Tăng (sinh năm 1980, bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) làm thủ tục rút BHXH 1 lần do hoàn cảnh gia đình khó khăn. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ 2 vào ngày 27/5.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về dự án luật này.

Đây được xác định là một dự án luật rất khó, có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao.

Có những nội dung hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau, đặc biệt là quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) đề nghị hai phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ trình 2 phương án. Theo phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sự khác biệt của dự thảo Luật với quy định hiện hành là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...)

Cuộc làm việc về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 6/3/2024. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cuộc làm việc về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 6/3/2024. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Trong khi đó ở nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Theo phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định như phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 2 phương án nêu trên, vì “chưa có độ chín.”

Phân tích về khía cạnh này, bà Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế phân tích, một bộ phận người lao động cho rằng việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động, điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, bởi trong tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hiện hành, số tiền người sử dụng lao động đóng chiếm tới 2/3 (gồm 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), còn người lao động chiếm 1/3.

Như vậy là đã thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động rồi, vì vậy người lao động cũng cần có trách nhiệm lại đối với xã hội để tránh tình trạng như hiện nay là khi còn trẻ, còn khỏe, còn đủ sức lao động cần tạo thu nhập thì lại sử dụng hết phần tích lũy thông qua đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về già trắng tay lại trở thành gánh nặng cho xã hội, cho con cháu, người thân.

Bà cho biết thực tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đang tăng đột biến. Năm 2022 là 8.400, năm 2023 là 12.700 và đến 3 tháng đầu năm 2024 đã là 2.100.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Innoflow NT, Khu công nghiệp Du Long, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)





Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Innoflow NT, Khu công nghiệp Du Long, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, cắt giảm lao động khá lớn, người lao động cũng lo ngại.

Tâm lý của người lao động hiện vẫn còn một bộ phận không ổn định khi nghe việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội và sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần từ năm 2025.

Nghiêng về phương án 1, bà Nguyễn Thị Sửu lý giải phương án này sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan Bảo hiểm xã hội, người lao động có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được tích lũy cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và sau này sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lâu dài, đặc biệt là chế độ hưu trí và tử tuất, bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Bà cũng lưu ý rằng cần lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động, và dù lựa chọn phương án nào cũng đều dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng Ba vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy trình đánh giá thêm việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo các phương án này đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa.

Nếu thấy thực sự không còn con đường nào khác, sẽ quyết định chuyện cho hay không cho rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bày tỏ mong muốn phải làm thế nào để người lao động có thêm một cơ hội, để họ cân nhắc việc có rút bảo hiểm xã hội một lần hay không, bà Lý Tiết Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng nếu trong trường hợp bất khả kháng không thể nào khác được, Nhà nước cũng phải tính toán các phương án hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đánh giá phương án 1 sẽ tạo ra hai “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực trong cùng một điều khoản quy định và theo đó, không lấy gì đảm bảo rằng những lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trong khi đó, người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 1/7/2025 lại không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ những quy định tại Điều 60 của dự án luật.

Dẫn quy định của Nghị quyết 28-NQ/TW: “cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng bảo hiểm hưu trí và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần,” theo bà, phương án 2 là phương án gần như quán triệt sát hơn với chủ trương của Nghị quyết.

“Nếu chúng ta không phân tích rõ nguyên nhân của việc rút bảo hiểm một lần thì thể hiện trong từng điều khoản chính sách cũng chưa đáp ứng được với mong muốn và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động,” nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân tích, rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, điều đó chứng tỏ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu giải quyết những vấn đề trong cuộc sống trước mắt.

Cán bộ BHXH huyện Phong Thổ (Lai Châu) tuyên truyền đến người dân về những lợi ích, quyền lợi khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại bản Lả Nhì Thàng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Cán bộ BHXH huyện Phong Thổ (Lai Châu) tuyên truyền đến người dân về những lợi ích, quyền lợi khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại bản Lả Nhì Thàng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

“Nếu đây là nguyên nhân chính thì tôi thiết nghĩ chúng ta cần giữ chân họ, nên giải quyết cho rút 50%, kèm theo đó nên cho vay trong hệ thống Ngân hàng Chính sách để tiếp tục hỗ trợ khi họ có điều kiện, vừa giữ chân họ tham gia được trong hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết được vấn đề khó khăn về kinh tế, đó mới là cơ chế phù hợp hơn, đáp ứng hơn với tâm tư, nguyện vọng của người lao động,” bà Trần Thị Hoa Ry cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội không đồng ý với cả 2 phương án.

“Có những trường hợp nghèo khổ lắm, người ta chỉ cần một vài triệu đã quý, phải xem xét như thế nào,” ông nói.

Với phương án 2, người tham gia được rút 50%, còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, theo ông “việc này chưa đến đầu, đến đũa.

Điều quan trọng là không biết bảo lưu đến bao lâu rồi cho người ta hưởng, ví dụ sau 20 năm nữa, hoặc trước lúc hấp hối thì sẽ được hưởng.”

Nêu quan điểm vẫn cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ông Nguyễn Anh Trí đưa ra hai khía cạnh. Thứ nhất, làm sao tăng được lợi ích của đóng bảo hiểm nếu người lao động tiếp tục để lại để sau này được hưởng nhiều lợi ích hơn. Điều này Ban soạn thảo đã làm được, đã đưa ra quy định làm tăng lợi ích hơn cho người đóng bảo hiểm.

Thứ hai, phải làm sao để khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì vẫn được rút, nhưng cho họ biết “phần có được không nhiều lắm.”

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết qua thực tiễn tổ chức chính sách, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương đương số người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1/4 số người đã hưởng.

Một trong nội dung cần thiết sửa đổi Luật là bảo hiểm xã hội một lần. Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiêng về phương án 50-50 (50% người lao động có nhu cầu được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần với mức trợ cấp 50% số đóng).

Ông đề nghị phân tích kỹ và bổ sung thêm một số chính sách khi người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.