Cần tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được thành lập năm 1995, đến nay, Công ty TNHH Du lịch Miền Trung (214A Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn) đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của tỉnh Bình Định. Chia sẻ kinh nghiệm và góp ý cho ngành Du lịch Gia Lai phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung-Giám đốc Công ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định-cho biết:
Gia Lai có khí hậu mát mẻ, trong lành, tiềm năng du lịch dồi dào. Ngoài sở hữu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Hồ (TP. Pleiku), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), đồi cỏ hồng (huyện Đak Đoa), thác Mơ (huyện Ia Grai)..., Gia Lai còn có các khu di tích lịch sử văn hóa được nhiều người biết đến như: Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), quần thể Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê), Di tích Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), đặc biệt là bản sắc văn hóa độc đáo với “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gia Lai cũng có nhiều món ăn mang đậm phong vị bản địa như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, thịt bò một nắng, món phở khô đạt kỷ lục ẩm thực châu Á. Bên cạnh lâm sản vật phong phú, Gia Lai có những loại nông sản đặc trưng vùng như: cà phê, điều, mắc ca, hồ tiêu… và mật ong (được bình chọn là top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam). Nếu biết kết hợp, xâu chuỗi các điểm du lịch cùng các dịch vụ đi kèm sẽ hình thành những tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
 Quang cảnh lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Tuy nhiên, để đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến Gia Lai, theo tôi, tỉnh nên chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch tại các hội chợ du lịch như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội (ITM), Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE); tổ chức xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch Gia Lai tại các thị trường tiềm năng: Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế. Bên cạnh đó, phối hợp với công ty lữ hành các tỉnh như: Bình Định, Phú Yên, Đak Lak giới thiệu, tạo các tour du lịch; tham gia liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch tại các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch; lập website du lịch; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch trên các ấn phẩm báo, tạp chí.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai rất quan tâm, chỉ đạo sát sao các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực xây dựng “ngành công nghiệp không khói”. Từ đó, lan tỏa, tạo đà cho một số địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các sự kiện du lịch, thu hút khách tham quan như: Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ hội đồi cỏ hồng, Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội Cầu huê vùng An Khê. Tỉnh Gia Lai cũng vừa tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Đây là những hoạt động quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người Gia Lai với khách du lịch bốn phương rất hiệu quả.
Bên cạnh đó còn có một hình thức giới thiệu sản phẩm du lịch không mới nhưng tôi nghĩ khá hiệu quả, đó là thường xuyên tổ chức chương trình du lịch famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo...). Thông qua hình thức du lịch này, các công ty lữ hành không những chỉ ra những ưu-nhược điểm của ngành Du lịch địa phương mà còn giúp xây dựng tour, tạo chuỗi liên kết; giới thiệu đối tác, nhà đầu tư; giúp cho ngành có cái nhìn rộng hơn, định hướng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường…, góp phần đưa ngành du lịch Gia Lai ngày càng lớn mạnh.         
 NGỌC MINH (ghi)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.