Cần quan tâm bảo tồn bia Chăm Tư Lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, bia ký Champa ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) là văn khắc thế kỷ XV duy nhất còn sót lại trên đất Gia Lai và Tây Nguyên. Đây là hiện vật hiếm hoi, có thể giúp hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử, văn hóa vốn còn khuyết thiếu nhiều tư liệu của vùng đất này. Đồng thời, đây cũng là điểm du lịch thú vị trong sự kết nối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Hiện vật quý ấy cần được bảo tồn đúng cách.
Để thực hiện việc bảo tồn hiện vật lịch sử, Bảo tàng tỉnh đã có 3 đợt khảo sát bia Tư Lương vào các năm 2011, 2012 và 2014. Trong đó, năm 2014, Bảo tàng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khảo sát bia lần cuối. Năm sau, Bảo tàng tỉnh lên kế hoạch di dời hiện vật trên về đơn vị mình. Tuy nhiên, việc làm này không nhận được sự đồng tình của một số người dân thôn Tư Lương nên buộc phải dừng lại.
Trong một nỗ lực khác, năm 2017, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiến hành làm bản sao bia Tư Lương. Bản sao được dựng theo tỷ lệ 1/1 bằng bột đá, trộn với chất kết dính, pha màu theo tỷ lệ nhất định. Do chưa có nơi trưng bày phù hợp nên bản sao bia Tư Lương vẫn được đặt trong kho của Bảo tàng.
Để bảo vệ và quảng bá bia Tư Lương, năm 2017, UBND huyện Đak Pơ đã đầu tư một số hạng mục như: cổng ra vào, hàng rào, mái che, nền bê tông, san ủi đường và làm bảng chỉ dẫn. Đáng tiếc, do đường làm tạm nên chỉ sau một mùa mưa đã bị nước cuốn trôi, trở lại hiện trạng lầy lội như ban đầu.
Nhà che bia Tư Lương được cấu tạo gồm 4 cột (sắt ống), 2 kèo (sắt hộp), trên mái lợp tôn (49 m2). Toàn bộ khuôn viên di tích 255 m2 (15 m x 17 m) được bao bọc bởi một bờ tường cao 40 cm, phía trên là hàng rào lưới B40 cao 1,2 m, giăng ngang qua 22 trụ bê tông và một cửa sắt cao 1,9 m, rộng hơn 3 m. Nền xi măng cốt đá 1 cm x 2 cm, dày 6 cm, bao quanh và phủ lên chân bia đá, có tổng diện tích 36 m2 (mỗi chiều 6 m).
Nhà bia đôi khi trở thành nơi đốt lửa, trú mưa của người dân. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nhà bia đôi khi trở thành nơi đốt lửa, trú mưa của người dân. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Những người quan tâm đến bia Tư Lương thời gian gần đây đều nhận ra một điều đáng lo ngại: Chữ trên bia đã mờ đi nhiều so với thời điểm năm 2010 khi nó được phát hiện trong một bụi cây gai rậm rạp. Mang các bức ảnh chụp văn khắc này vào những thời điểm khác nhau ra so sánh, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi lo âu này. Rất có thể, thời tiết mùa khô nóng, mái tôn thấp cộng với sự hấp thu nhiệt của nền xi măng và quá trình mài mòn từ những ngọn gió thường xuyên (không còn sự che chắn của cây cối như trước) là nguyên nhân của tình trạng này. Cả mặt A (nơi có 8 dòng chữ) và mặt B (nơi có 3 dòng chữ) của bia đều đã có một số vết nứt mà quá trình phong hóa tự nhiên của đá có thể là nguyên nhân. May mắn là ở những vị trí có các ký tự mặc dù vẫn có một số vết nứt theo thớ đá nhưng về cơ bản chưa ảnh hưởng nhiều đến các dòng chữ.
Ở góc độ khoa học chuyên sâu, dựa trên những hình ảnh bia Tư Lương hiện tại do chúng tôi gửi đến, Tiến sĩ Bertrand Porte, chuyên gia bảo tồn đá cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, hiện đang làm việc tại Bảo tàng quốc gia Campuchia, bước đầu nhận định: Bê tông bịt kín nền nhà bia có thể là nguyên nhân gây nên sự “tổn hại” cho hiện vật này trong những năm gần đây. Theo chuyên gia: “Các muối hòa tan được tạo ra bởi xi măng khi gặp độ ẩm có thể đã ngấm vào đá”. Đây có thể xem là một lời cảnh báo cần thiết đối với cách thức bảo tồn bia Chăm Tư Lương, trong điều kiện chúng ta còn thiếu kinh nghiệm như hiện nay.
Điều đáng mừng là huyện Đak Pơ đang tích cực lập hồ sơ tích lịch sử cho hiện vật này. Để bảo tồn bia Chăm Tư Lương hiệu quả, theo chúng tôi, việc làm mới hoặc cải tạo nhà che bia nêu trên, sao cho vừa đáp ứng công năng bảo vệ lại vừa mang tính khoa học và thẩm mỹ nên được đặt ra. Độ cao của mái nhà có thể nâng lên, thậm chí cân nhắc thay tôn bằng một loại vật liệu khác phù hợp hơn. Cũng như vậy, nền xi măng hiện tại nên được thay thế bằng gạch nung (như gạch Bát Tràng chẳng hạn) để giảm độ nóng hắt lên bia trong những tháng mùa khô.
Việc bịt kín nền nhà bằng bê tông khiến bia bị xâm hại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Việc bịt kín nền nhà bằng bê tông khiến bia bị xâm hại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Xung quanh chân bia (vốn là một tảng đá tự nhiên), theo lời khuyên của chuyên gia Bertrand Porte, cần chừa một khoảng đất trống vừa đủ (ít nhất khoảng 1 m), là cách để cho đất “thở” và giúp hiện vật không bị xâm hại bởi yếu tố hóa học (muối hòa tan) có thể ngấm từ xi măng khi độ ẩm cho phép. Cùng với đó, trong khuôn viên di tích một số cây xanh nên được trồng thêm (hiện vẫn còn 2 cây tự nhiên tuy không to nhưng cao hơn 6 m) ở những vị trí thích hợp để tôn thêm vẻ đẹp của bia đá đồng thời khiến địa điểm tham quan trở nên gần gũi, thân thiện với thiên nhiên hơn.
Do cách xa khu dân cư, lại chưa có người quản lý trực tiếp nên vào những thời điểm nhất định, nhà bia đã trở thành chỗ trú mưa hoặc đốt lửa nấu nướng chốc lát của một số người dân. Điều này nên được khắc phục hoàn toàn bằng cách tăng cường sự chắc chắn của cửa ngõ, hàng rào. Cùng với đó, đơn vị chức năng của địa phương nên thường xuyên cung cấp thông tin liên quan, số điện thoại của người quản lý trực tiếp để du khách tiện liên hệ khi có nhu cầu.
Quan sát thực tế có thể thấy khuôn viên của di tích hiện tại chưa đủ rộng để quy hoạch thêm các công trình phụ trợ phục vụ du khách như bãi đậu xe hay khu dịch vụ và nhà vệ sinh... Trước mắt, theo chúng tôi, một số thùng rác nên được đặt tại khu vực này, giúp giữ gìn vệ sinh công cộng. Cùng với đó, ngay sau khi di tích được công nhận, để phục vụ khách du lịch, tại khu vực nhà bia nên dựng các phiên bản bia ký Tư Lương, gồm: bản chữ Chăm cổ, bản dịch tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt (chưa khắc được trên đá có thể làm trên các chất liệu khác).
Cuối cùng, địa phương cần tu bổ đoạn đường dẫn đến di tích gắn với phát triển du lịch địa phương như nội dung Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 28-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Pơ.
Được khắc năm 1438, các ký tự trên đá của bia Chăm Tư Lương vẫn tương đối rõ nét và may mắn là chúng cơ bản đã được đọc dịch. Hy vọng những thiếu sót nói trên sẽ nhanh chóng được khắc phục giúp bảo tồn di sản đúng cách để tuổi thọ hiện vật tiếp tục được duy trì, góp phần vào phát triển du lịch địa phương.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.