(GLO)- Tây Nguyên hiện có hơn 430.000 ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước. Được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất, kinh doanh cà phê tại khu vực này đạt kim ngạch xuất khẩu ước tính gần 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, cà phê Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ già cỗi, sụt giảm sản lượng và chất lượng. Vì vậy, tái canh cà phê là điều cần được quan tâm ngay từ thời điểm này. Nhưng giải bài toán ấy đang gặp không ít khó khăn, cần có hướng tháo gỡ từ các ngành chức năng...
Từ khó khăn về kỹ thuật…
Theo thống kê của Viện khoa học Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số diện tích cà phê khu vực đang sở hữu, hiện đã có khoảng 100.000 ha già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự.
Tái canh cà phê ở Tây Nguyên là điều cần phải tính đến ngay từ bây giờ, nhằm đảm bảo sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn những diện tích đã tiến hành tái canh những năm qua đều thất bại. Vườn cây chỉ sinh trưởng tốt đến năm thứ 3, sau đó tàn lụi dần.
Người dân Gia Lai chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Quỳnh Nga |
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện Khoa học Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: “Việc trồng lại cây cà phê trên đất đã trồng cà phê đang gặp khó khăn, chủ yếu là nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất. Nông dân nhổ cà phê cũ trồng lại thì nó không chết ngay mà 2-3 năm sau mới chết, thiệt hại rất lớn. Một trong những biện pháp hết sức quan trọng góp phần tái canh thành công đó là phải thu gom hết rễ cà phê cũ, bởi lẽ rễ cây cà phê già cỗi là nơi tá túc của nấm bệnh. Thứ hai, chúng ta phải áp dụng luân canh với những cây trồng ngắn ngày khác để cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng. Luân canh tối thiểu chừng 2 năm ở những vườn không bệnh vàng lá, còn những vườn đã bị tuyến trùng nặng gây bệnh vàng lá thì thời gian luân canh phải 3-4 năm”.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, điều đã và đang xảy ra là tái canh cà phê ở Tây Nguyên thất bại vì sai quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, những tài liệu kỹ thuật đảm bảo cho tái canh thành công, lại chưa đến được với đông đảo nông dân. Bà con vẫn chủ yếu tái canh cà phê không áp dụng khoa học kỹ thuật mới thất bại. Liên quan đến chuyện này, ông Phùng Văn Quy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai kiến nghị: Về chuyển giao khoa học kỹ thuật là phải trực tiếp đến người nông dân, và thường xuyên hơn. Vì nông dân hiện nay đa số làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, nhiều cái còn lạc hậu, nên năng suất không cao…
…đến vốn đầu tư, nguồn giống
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ một số ít cá nhân, tổ chức có thể tái canh cà phê thành công khi họ áp dụng đúng những kỹ thuật như khuyến cáo của các Viện nghiên cứu. Điển hình như Công ty Eapok (tỉnh Đak Lak), Nông trường cà phê Thuận An (Đak Nông) hay việc tái canh hơn 100 ha cà phê của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai (Gia Lai). Sau 2 năm tái canh, trong vụ thu bói đầu tiên (niên vụ 2011-2012), bình quân mỗi ha đã cho năng suất hơn 10 tấn quả tươi, cá biệt có vườn đạt tới 15 tấn ha. Tuy nhiên, đó mới chỉ những thành công bước đầu, bởi theo ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai, việc tái canh của Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Để tái canh mỗi ha cà phê, cần số vốn từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Đơn vị đã phải bỏ ra 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng để tái canh 100 ha.
Trong khi đó, diện tích cà phê cần tái canh của đơn vị là khoảng 250 ha. Vì thiếu vốn nên việc tái canh của đơn vị phải đến 2015 hoặc 2020 mới hoàn thành. “Một ha từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng, mà của chúng tôi có tới 250 ha, cần đến từ 30 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng mới đảm bảo được. Vốn tự có của doanh nghiệp thì không thể đáp ứng được, nên chúng tôi đề nghị Chính phủ, các ngân hàng thương mại có xem xét để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho vay với vốn ưu đãi với thời gian dài hạn. Còn chỉ được vay 3 đến 5 năm phải trả nợ thì chúng tôi chỉ còn cách triển khai tái canh dần dần”-ông Ngọc nói.
Khó khăn về vốn để thực hiện tái canh không chỉ các doanh nghiệp, mà còn với cả nông dân-những người sở hữu tới 80% đến 90% diện tích cà phê hiện nay ở Tây Nguyên, do họ khó tiếp cận với các nguồn vốn. Năm 2010, Chính phủ có Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, nông dân cà phê được vay tối đa 50 triệu đồng không cần thế chấp để đầu tư cho vườn cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít nông dân tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định này. Thêm một khó khăn nữa trong tái canh là sự hỗn tạp về nguồn giống.
Ở các tỉnh Tây Nguyên có rất nhiều cơ sở bán giống cà phê, nhưng việc kiểm soát chất lượng hầu như bị bỏ ngỏ. Nông dân thường mua phải những giống kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vườn cây tái canh. Điều này cần sự vào cuộc của chính quyền và các ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên để quản lý giống chặt chẽ hơn. Thạc sĩ Phan Tiến Dinh-chuyên viên Công ty Tam Nông bày tỏ: “Muốn vườn cà tái canh được năng suất trước tiên phải nghĩ đến cây giống, tuy nhiên hiện chưa nơi nào có sách nào nói cụ thể quy cách tái canh. Thậm chí, những nơi chuyên trách, có tư cách pháp nhân để làm cây giống còn mượn thương hiệu để kinh doanh. Vì vậy, cây giống đưa ra thị trường chất lượng chưa đảm bảo”.
Nhìn một cách tổng quan, rõ ràng cà phê Tây Nguyên đang từng ngày đối mặt với nguy cơ già cỗi, sụt giảm sản lượng và chất lượng. Còn việc tái canh đang đối mặt với quá nhiều vấn đề. Để phát triển cà phê bền vững, ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên, những vấn đề này cần được giải quyết một cách căn cơ, đặc biệt phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương.
Quỳnh Nga-Công Bắc