Cần làm gì nếu bị di chứng hậu Covid-19?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định tất cả các triệu chứng của hậu Covid-19 diễn ra khi cơ thể không còn vi rút, chỉ còn kháng nguyên và kháng nguyên này từ từ được đẩy ra khỏi cơ thể.

Người dân Hà Nội đạp xe tập thể dục sau thời gian giãn cách. Ảnh: Gia Hân
Người dân Hà Nội đạp xe tập thể dục sau thời gian giãn cách. Ảnh: Gia Hân
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), hội chứng hậu Covid-19 hay còn gọi Covid-19 kéo dài là vấn đề đang rất được quan tâm; nhiều người sau khi khỏi bệnh Covid-19 có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe kéo dài hàng tuần hay hàng tháng; điều này có thể xảy ra với cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Stress có thể dẫn đến covid-19 kéo dài
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định lo âu, căng thẳng dẫn đến trầm cảm là một trong những vấn đề đáng ngại hậu Covid-19.
Theo đó, trong bối cảnh dịch kéo dài, mỗi người phải đối diện với nhiều nỗi lo, không chỉ xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền, mà còn bản thân và gia đình có thể nhiễm bệnh. Người mắc Covid-19 thì lo diễn tiến nặng, khỏi bệnh rồi thì lo sẽ có di chứng. Chính những lo lắng này là tác nhân gây ra một số triệu chứng giống với hội chứng Covid-19 kéo dài.
“Nhiều người stress và nghĩ rằng bản thân đau bụng có nghĩa là dạ dày bị viêm, tức ngực là tim có vấn đề, nhưng thật ra những triệu chứng này có thể xuất hiện khi chúng ta đang stress, trong cơn hoảng loạn. Đa số những người stress sẽ không bao giờ nhận ra mình đang căng thẳng”, bác sĩ Khanh phân tích. Vì vậy, người bệnh cần xác định xem bản thân có đang bị căng thẳng, lo lắng quá hay không. Nếu có thì cần tìm cách giải tỏa stress. Yếu tố quan trọng giúp giảm căng thẳng trong thời điểm này là cần hạn chế tiếp xúc với các tin tức tiêu cực.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa ra lời khuyên: “Có thể thảo luận với bác sĩ hoặc người mà mình tin tưởng, để nâng đỡ tinh thần cho mình. Y khoa cũng giống bất cứ lĩnh vực nào khác, sẽ có những trường hợp đặc biệt, có những sự cố hiếm hoi. Đừng nhìn vào những trường hợp nặng rồi nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra với mình. Cần tập cách thích ứng và thay đổi suy nghĩ”.
Xử trí các triệu chứng covid-19 kéo dài
Không ít người lo ngại tình trạng hậu Covid-19 là do SARS-CoV-2 còn trong cơ thể gây ra. Về mặt y khoa, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định tất cả các triệu chứng của hậu Covid-19 diễn ra khi cơ thể không còn vi rút, chỉ còn kháng nguyên và kháng nguyên này đang từ từ được đẩy ra khỏi cơ thể.
Nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, đau tức ngực, người bệnh cần lập tức đo huyết áp, đo SpO2. Chỉ số SpO2 bình thường ở người khỏe mạnh từ 94 - 100%. Nếu thấp hơn 94%, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu hai chỉ số trên ở mức bình thường thì không đáng lo ngại. Trường hợp vùng miệng nóng đỏ, có dấu hiệu nhiệt miệng, thì cần bổ sung nước, trái cây. Chế độ ăn uống của F0 đã khỏi bệnh cũng cần được chú ý. Bên cạnh ăn đầy đủ các loại thực phẩm cần thiết, có thể bổ sung các vi chất đang thiếu.
“Đừng cố vận động mạnh, chạy nhảy, leo cầu thang để xem tim, phổi mình có khỏe hay không. Vì nếu tim, phổi có vấn đề thì không thể nào xác định bằng mắt được. Các triệu chứng của hậu Covid-19 sẽ dần thuyên giảm”, bác sĩ Khanh lưu ý.
“Trẻ em bị bệnh sởi mất đến 3 tháng để hồi phục. Người bị bệnh thương hàn cũng cần hàng tháng mới có thể khỏe trở lại. Nên người mắc Covid-19 làm sao đòi khỏe lại ngay được, khi mà cơ thể vừa phải huy động tất cả năng lượng để tạo ra hàng rào miễn dịch với một loại vi rút hoàn toàn mới”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh có thể đến bệnh viện làm các xét nghiệm liên quan để có hướng điều trị thích hợp.
Một nghiên cứu được công bố trên tuần san khoa học nổi tiếng The Lancet ngày 1.9 cho biết tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp giảm 50% nguy cơ phát triển các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Trang web chính thức của CDC Mỹ cũng kêu gọi người dân nên tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa hội chứng này.
4 điều cần biết về hội chứng Covid-19 kéo dài
Trong chương trình Science in 5 (tạm dịch: Khoa học trong 5 phút) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến sĩ Janet Diaz, trưởng bộ phận chăm sóc lâm sàng - chuyên gia y tế của WHO, thông tin:
1. Định nghĩa: Nếu bạn đã hồi phục sau Covid-19 nhưng một số triệu chứng vẫn kéo dài, thì đó được gọi là tình trạng hậu Covid-19 hoặc hội chứng Covid-19 kéo dài.
2. 3 triệu chứng phổ biến nhất: khó thở, rối loạn chức năng nhận thức (hay còn gọi là sương mù não), mệt mỏi. Ngoài ra, còn có hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở các bệnh nhân đã khỏi Covid-19, như: đau ngực, khó nói, lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, mất khứu giác, mất vị giác…
3. Tình trạng này kéo dài bao lâu? Có thể kéo dài 3 tháng, 6 tháng, thậm chí có báo cáo lên đến 9 tháng. Hiện vẫn còn nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm theo dõi những bệnh nhân phát triển hội chứng Covid-19 kéo dài.
4. Tác động của việc tiêm chủng: Ngăn ngừa Covid-19 là cách tốt nhất để ngăn chặn sự phát triển của các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19. Tiêm vắc xin làm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong, vì vậy tất cả những người đủ điều kiện nên tiêm phòng khi đến lượt. Các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay vẫn cực kỳ quan trọng hậu Covid-19.
Phương An
Theo Xuân Thu Thủy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.