(GLO)- Ngày 10-3, Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên dẫn đầu đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Kbang. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh; đại diện Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lãnh đạo UBND thị xã An Khê và huyện Kbang.
Nhiều khó khăn trong công tác phòng-chống dịch
Tính từ tháng 4-2021 đến nay, thị xã An Khê ghi nhận 1.885 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 13 trường hợp tái dương tính. Số ca bệnh có xu hướng tăng từ sau Tết Nguyên đán 2022 và tăng nhanh trong những ngày gần đây, dao động từ 70 đến 110 trường hợp/ngày. Toàn thị xã hiện có 5.395 công dân đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; 5.708 công dân được giám sát y tế, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe. Các xã, phường đã quản lý cách ly, điều trị cho 1.375 trường hợp (664 trường hợp hoàn thành điều trị; 5 trường hợp chuyển tuyến và 706 trường hợp đang điều trị).
Đối với công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, toàn thị xã được cấp 135.038 liều vắc xin, đã triển khai tiêm 121.995 liều. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 101,85%, mũi 2 đạt 96,84%, mũi 3 đạt 59,57%; tiêm mũi 1 cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt 105,09%, mũi 2 đạt 96,15%.
Nói về những khó khăn trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thị xã tăng nhanh, trong khi đó khả năng thu dung, điều trị còn thấp (hiện chỉ có 20 giường bệnh, đã sử dụng 100% công suất giường và dừng ở mức điều trị cho bệnh nhân thể có triệu chứng nhẹ và vừa); nhân lực làm công tác phòng-chống dịch Covid-19 hiện nay chịu nhiều áp lực do vừa chống dịch, vừa phải thực hiện nhiệm vụ của ngành. Cùng với đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định, nhất là không đeo khẩu trang, không khai báo y tế, khai báo y tế chưa đầy đủ; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng-chống dịch tuy đã trược triển khai nhưng chưa đồng bộ… “Qua công tác kiểm ra thực tế tại địa phương, thị xã mong muốn đoàn chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn đạt kết quả”-Chủ tịch UBND thị xã đề nghị.
|
Quang cảnh buổi làm việc tại thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh |
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học ở thị xã An Khê. Bà Lê Thị Kiều Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã-chia sẻ: Đến ngày 8-3, toàn thị xã có 17/28 trường công lập học trực tiếp; 4/4 trường tư thục tạm nghỉ. Bậc mầm non có 12 em học sinh là F0, 45 em là F1; cấp tiểu học và THCS có 244 học sinh là F0 đang điều trị, 468 học sinh đang thực hiện cách ly tại nhà; bậc THPT có 60 học sinh là F0 đang điều trị và 69 em thực hiện cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, hiện có 29 giáo viên là F0 đang điều trị tập trung; 30 giáo viên thuộc diện F1 đang thực hiện cách ly tại nhà dạy trực tuyến. “Hiện nay, toàn thị xã có khoảng gần 22% học sinh ở các cấp học không có điều kiện để học trực tuyến và học qua truyền hình. Ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã đã chỉ đạo các trường tổ chức sao in bài học gửi đến từng học sinh; hướng dẫn các em tự học, tự ôn ở nhà; giao dữ liệu, tài liệu học tập cho phụ huynh học sinh để hướng dẫn các em học và có phương án dạy bù khi có điều kiện học trực tiếp. Trong khi đó, hệ thống đường truyền mạng internet yếu dẫn tới việc dạy học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh đang thực hiện cách ly không đảm bảo; nhân viên y tế tại các đơn vị trường học còn thiếu nhiều, đa số phân công nhân viên hoặc giáo viên kiêm nhiệm vì vậy không có nghiệp vụ y tế để xử lý khi có các trường hợp F0, F1 trong cơ sở giáo dục”-bà Hạnh nêu khó khăn.
Tăng cường quản lý, điều trị F0
Đầu tháng 2-2022, Trung tâm Y tế thị xã An Khê đã kích hoạt khu điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 2) thể có triệu chứng mức độ nhẹ đến trung bình với quy mô 20 giường bệnh. Đến nay, Trung tâm đã điều trị cho 107 trường hợp (78 trường hợp hoàn thành điều trị, 3 trường hợp chuyển tuyến, 26 trường hợp đang điều trị). Bên cạnh đó, các xã, phường thực hiện quản lý F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú theo Quyết định số 261/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bác sĩ Phạm Ngọc Hường-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Khê-cho biết: Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, ngoài 2 bình oxy y tế 40 lít hiện các trạm y tế xã, phương đang có, thời gian tới, Trung tâm sẽ trang bị thêm cho mỗi trạm 2 bình oxy y tế 10 lít; chuẩn bị sẵn sàng địa điểm và nhân lực để thiết lập ngay 11 trạm y tế lưu động khi số bệnh nhân tăng cao; mở rộng giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế thị xã (đang triển khai phương án tăng số giường tại Khoa Bệnh nhiệt đới lên 30 giường và khu Trung tâm Y tế cũ lên 15 giường).
Trong khi đó, bác sĩ Vũ Trung Hiếu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang-thông tin: Trung tâm tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện để chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch trên địa bàn; xây dựng các quy trình hướng dẫn xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại bệnh viện và tại hộ gia đình nơi lưu trú, điều trị F0; triển khai điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú; ban hành quyết định thành lập tổ cấp cứu hỗ trợ và vận chuyển F0 đang điều trị tại nhà; chỉ đạo trạm y tế xã, thị trấn tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và rà soát các đối tượng chưa tiêm đủ liều vắc xin cơ bản, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi. “Về công tác điều trị F0 tại bệnh viện, ban đầu, Trung tâm xây dựng kế hoạch thu dung 20 giường bệnh. Nhưng do bệnh nhân ngày càng tăng nên đơn vị đã nâng lên thành 40 giường”-bác sĩ Hiếu cho biết.
|
Đoàn công tác kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 2) tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh |
Qua kiểm tra thực tế tại thị xã An Khê, đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực triển khai phòng-chống dịch của địa phương, nhất là công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, số ca dương tính trong cộng đồng đang tăng nhanh. Để không quả tải trong việc quản lý, giám sát F0, ngành Y tế thị xã cần cải tiến cách làm, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm theo dõi, hướng dẫn người dân thuận lợi hơn. Thị xã cũng cần chỉ đạo các xã, phường tiếp tục bổ sung lực lượng tổ Covid cộng đồng, bố trí hội viên các hội, đoàn thể chung tay giám sát, theo dõi các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở…
Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: “Hiện nay, chúng ta chưa khống chế được dịch, phần lớn số ca mắc rơi vào trường hợp chưa tiêm vắc xin. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch bảo vệ những trường hợp chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền, người trên 65 tuổi; quan tâm quản lý chất thải, rác thải đối với những trường hợp F0 đang cách ly tại nhà...”. |
Kiểm tra công tác đầu tư, bố trí trang-thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: Hiện nay, mặc dù bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng nhưng vẫn sử dụng oxy bình là rất lãng phí. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị oxy không chỉ phục vụ riêng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà phải tính toán cho cả những trường hợp mắc các bệnh thông thường. “Hiện thị xã An Khê đang ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao). Vì vậy, Trung tâm Y tế thị xã phải xác định ngay vai trò của mình là trở thành trung tâm cấp cứu vùng phía Đông của tỉnh. Ngoài 30 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới và Trung tâm Y tế cũ thì Trung tâm Y tế thị xã phải nâng lên 100 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian sớm nhất để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Làm việc với UBND huyện và Trung tâm Y tế huyện Kbang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng, địa phương có nhiều khó khăn do địa hình rộng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Vì thế, công tác phòng-chống dịch phải có phương pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan; vận động bà con hạn chế tụ tập đông người, chú trọng việc đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm xây dựng phương án quản lý F0 tại nhà, nhất là các trường hợp F0 là người dân tộc thiểu số để không lây lan dịch trong cộng đồng. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện cần tăng cường tham mưu công tác phòng-chống dịch cho Ban Chỉ đạo huyện…
NGỌC MINH