Cần bảo tồn môi trường diễn xướng cho cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên đang diễn ra như thế nào; định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả sự tham gia của các tỉnh vào thực thi Công ước 2003 trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản cùng nhiều vấn đề khác đang là những thách thức của các tỉnh Tây Nguyên trong bảo vệ di sản. Xung quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam cho biết:
Thực ra, sau 15 năm được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác di sản và văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”, sau này tên gọi là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của tộc người mình. Nhưng quá trình ấy, đúng là mỗi tỉnh theo một hình thức khác nhau để bảo vệ di sản. Gia Lai đã làm khá tốt việc này. Bằng chứng là liên tục có các liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện được tổ chức hàng năm. Các đội chiêng trẻ rất nhiều, diễn khá hay. Theo tôi, các tỉnh Tây Nguyên khác mức độ chưa bằng, nhưng cũng đã có sự đầu tư kinh phí để bảo tồn, phát huy, phục dựng.
Cuối năm 2018, trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Pleiku, đã có một cuộc hội thảo với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia về bảo tồn văn hóa cồng chiêng và cả lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp tâm huyết.
Nhưng xưa nay vẫn thế, hội cứ hội và thảo cứ thảo, còn việc ai đó có lắng nghe và nhất là thực thi hay không lại là vấn đề khác. Cho nên vẫn cứ mạnh ai nấy làm thôi, quan trọng là lãnh đạo địa phương nào quan tâm tới vấn đề bảo tồn “di sản đại diện của nhân loại” thì cấp kinh phí kha khá cho ngành Văn hóa và các cấp cơ sở tổ chức, kết quả đến đâu hay đến đó.
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Theo tôi, đó là điều rất đáng trân trọng. Nhưng có 2 điều quan trọng hơn cả là: đừng nên để ching chiêng chỉ xuất hiện trong các lễ hội do ngành Văn hóa các cấp tổ chức, mà cần có đời sống thật sự trở lại trong cộng đồng như xưa, gắn với các lễ hội truyền thống của bon, buôn, kon, plei và gia đình. Song song với việc bảo tồn chinh chiêng là bảo tồn không gian văn hóa, đó là bảo tồn môi trường diễn xướng cồng chiêng.
Hiện nay, đại đa số người dân Tây Nguyên đã chuyển đổi tín ngưỡng thờ phụng nên rất cần trao đổi với các chức sắc tôn giáo để họ ủng hộ. Đó là khi thực hành các lễ nghi tôn giáo mới, dù của cộng đồng (phục sinh, giáng sinh…) hay của gia đình (cưới hỏi, tang ma, lễ bổn mạng…) gắn với diễn tấu ching chiêng ngay tại nhà thờ, chùa chiền hay tại gia đình đúng nghĩa như một loại nhạc cụ truyền thống góp vui. Nếu Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với ngành Văn hóa thì sẽ làm được điều này.
Tôi thấy, các nhà thờ quanh TP. Kon Tum sáng chủ nhật nào cũng có các đội gong ching thay nhau trình tấu trước lễ. Những lễ trọng của giáo phận này đều có chương trình nghệ thuật dân gian phục vụ, trong đó cồng chiêng được phát huy vai trò thật sự trong đời sống tinh thần của chủ nhân di sản.
Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niek Dam có nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo bảo vệ và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: H.N
Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niek Dam có nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo bảo vệ và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: H.N
*P.V: Gia Lai đang nỗ lực phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trong đó, không gian văn hóa đóng vai trò quyết định đến sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch này. Theo bà, cần làm và tránh những gì để không tổn hại đến không gian văn hóa cồng chiêng? 
- Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam: Du lịch cộng đồng, nếu thực sự gắn được với không gian văn hóa đích thực của các buôn, bon, kon, plei sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch riêng biệt của mỗi địa phương. Từ nhà sàn, nhà rông, bến nước, các nghề thủ công lẫn nghệ thuật diễn xướng… đều có nét đặc trưng khác biệt. Nhưng phải có sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm với du lịch có sự tham gia thật sự của cộng đồng.
Để bà con thấu hiểu cách làm, cách giao tiếp, thậm chí là thiết kế lại không gian sao cho vẫn giữ tính riêng biệt của truyền thống mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn lẫn thẩm mỹ. Bởi khách du lịch không chỉ muốn xem gì, chơi gì, mà còn ăn gì, mua gì, ngủ thế nào nữa. Người Mông ở Tây Bắc và Cơ Tu ở Quảng Nam đã có một số địa chỉ thành công. Nên cho bà con đi học tập theo kiểu xã hội hóa, đừng theo kiểu Nhà nước chi tất cả kinh phí rồi cử toàn cán bộ đi.
Du lịch cộng đồng phải phát huy được di sản và gắn với xóa đói giảm nghèo thì mới thành công. Còn nếu chỉ là vài khu du lịch sinh thái xây dựng trên đất đai truyền thống xưa, mỗi khi có khách lại thuê bà con đến biểu diễn. Hoặc mang tượng nhà mồ đặt quanh nhà rông thì chẳng phải là sự phát huy di sản, chỉ là bảo tồn “giả cầy” mà thôi.
*P.V: Xin cảm ơn bà!
HOÀNG NGỌC (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.