Phát hiện hóa thạch 200 triệu năm tuổi tại Krông Pa: Trầm tích biển trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài năm trở lại đây, ở bến sông buôn Tơnia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) xuất lộ nhiều hiện vật trông giống như miệng hàng chục chiếc ghè bị chôn dưới đất. Có người cho rằng, đây chính là những chiếc ghè cổ, người lại đoán là dấu tích lò gốm cổ của người Chăm thời xưa. Cư dân Jrai buôn Tơnia dù mỗi ngày vẫn xuống đây tắm giặt, bơi lội nhưng rất e dè khi đề cập đến những vật thể này.
Theo chân cán bộ văn hóa địa phương, chúng tôi đến bến sông vào một chiều cuối tháng 6. Nước sông Ba không thật trong nhưng khá hiền hòa, đủ để cho những đứa trẻ ngụp lặn, đùa nghịch thoải mái. Cho đến khi thấy chúng tôi chụp hình, đo vẽ rồi đào lấy lên một vật thể lạ thì tất cả đều không còn hứng thú để bơi lội nữa. Những đứa trẻ nép vào bờ đất cao rồi rón rén lấy quần áo, lẳng lặng về buôn.
Lúc này, trên khu đất bên sông rộng hơn 100 m2, bên cạnh Trạm bơm Chư Gu, chỉ còn chúng tôi cùng với khoảng 30 dấu tích của những vật thể chưa xác định. Một số hiện vật đã bị nước cuốn trôi, trơ lại trên nền đất những hố lõm tròn. Một số khác bị mưa gió, sóng nước bào mòn, chỉ còn phần đáy, cong vòm như đáy chảo nhỏ trồi hẳn lên mặt đất. Tuy nhiên, đa số vật thể loại này vẫn còn chìm trong đất, chỉ lộ thiên phần vật chất cứng nhất, bề mặt đo được có đường kính 20-30 cm. Mật độ hiện vật khá dày, có nơi chúng nằm cạnh nhau, nhưng không theo một trật tự nhất định. Theo quan sát thực địa, nhiều khả năng, các hiện vật này xuất lộ là do những năm qua, bờ sông Ba phía xã Chư Gu bị lở, khiến chúng bị nước cuốn trôi hoặc bào mòn. Thực tế thì như vậy, nhưng có một câu hỏi đáng quan tâm nhất: Cuối cùng thì chúng là gì?
Anh Ksor Yit-cán bộ văn hóa xã Chư Gu-tâm tư: “Do xác định đây không phải là “tài sản” của buôn mình (ý nói những đồ vật từ thời ông bà xưa để lại-N.V) nên nhiều người có tỏ ý hoang mang, lo lắng. Mình muốn giải thích cho bà con nhưng thực lòng cũng không biết chúng là gì, của ai, nên đành chịu”.
 Các hóa thạch Cúc đá có mật độ dày và bề mặt bị bào mòn. Ảnh: N.Q.T
Các hóa thạch Cúc đá có mật độ dày và bề mặt bị bào mòn. Ảnh: N.Q.T
Hoàn thành việc chụp ảnh và đào thám sát một hiện vật sát mép nước có nguy cơ bị cuốn đi, chúng tôi đã gửi những thắc mắc của dân làng đến các chuyên gia về địa chất và khảo cổ học. Sau khi xem xét kỹ thông tin, hình ảnh hiện trường, trao đổi với chúng tôi, TS. La Thế Phúc-nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, người đang theo đuổi nhiều đề tài nghiên cứu về địa chất ở khu vực này-cho biết: Đây chính là những hóa thạch Cúc đá-tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt. Tuổi của những hóa thạch này có thể dao động ở mức 200-150 triệu năm cách ngày nay. Theo TS. La Thế Phúc, việc phát hiện các hóa thạch Cúc đá ở phía Nam tỉnh Gia Lai tiếp tục khẳng định thêm nhận định đã có từ trước: Tây Nguyên từng là biển.
Vậy, hóa thạch này có giá trị gì? Theo các nhà khoa học, các hiện vật này cho thấy tuổi của đất đá đã được hình thành từ khi nào và góp phần quan trọng vào việc khẳng định trạng thái địa chất của Tây Nguyên hàng triệu năm trước. Cùng với đó, trường hợp trầm tích biển ở buôn Tơnia gợi mở nhiều vấn đề khoa học cần tiếp tục được nghiên cứu về thềm cổ sông Ba, trong mối liên hệ với các địa phương lân cận, nơi dòng chảy này đi qua.
Các nhà nghiên cứu mà chúng tôi tham khảo ý kiến đều thống nhất rằng, với mật độ hiện hữu, đây là một trường hợp khá điển hình về trầm tích biển trên đất Tây Nguyên. Việc bảo tồn nguyên trạng khu vực hóa thạch buôn Tơnia sẽ không chỉ hữu ích cho nghiên cứu khoa học, giáo dục mà còn có lợi cho phát triển du lịch của địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hóa thạch Cúc đá đã được tìm thấy ở một số tỉnh như: Cao Bằng, Đak Nông... nhưng đây là lần đầu tiên được phát hiện tại Gia Lai. Nó càng trở nên đặc biệt hơn, nếu không muốn nói là duy nhất đến thời điểm này khi có mật độ phân bố dày và xuất lộ trên mặt đất. Cùng với những thông tin mới về khảo cổ học Đá cũ và hóa thạch (gỗ) ở Phú Thiện, Ayun Pa được công bố gần đây, hóa thạch Cúc đá (cổ sinh vật) ở Krông Pa sẽ bổ sung, làm phong phú thêm bản đồ di sản địa chất và khảo cổ học tỉnh Gia Lai ở khu vực này.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.