Cạm bẫy xứ người: Cái gật đầu vô thức và hơn 4.000 ngày tủi nhục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ở nhà không có việc gì làm nên khi được rủ đi làm công ty với lời hứa 'việc nhẹ lương cao', cô gái trẻ đã gật đầu nhận lời mà không hề hay biết mình đã rơi vào bẫy của những kẻ buôn người chuyên nghiệp.
Ốc Thị Hiền ngồi nép mình bên cầu thang nhà sàn nhớ lại hơn 4.000 ngày “sa cơ lỡ bước”

Ốc Thị Hiền ngồi nép mình bên cầu thang nhà sàn nhớ lại hơn 4.000 ngày “sa cơ lỡ bước”

Ngồi nép mình ở bậc thang nhà sàn nhìn những đứa trẻ trong bản chơi đùa, Ốc Thị Hiền (31 tuổi, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) quặn lòng nhớ 2 đứa con nhỏ của mình đang không biết sống thế nào khi xa mẹ.

Hơn 12 năm trước, Hiền bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng và sinh được 2 người con. “Về được quê hương rồi không sang đó nữa đâu. Nhớ con thật đấy nhưng không biết làm gì cả. Giờ cho vàng cũng không đi nữa. Sống bên đó nhục, đau lắm”, Hiền lau nước mắt.

Đưa ánh mắt nhìn về ngọn núi cao trước bản, Hiền chợt rùng mình khi nhớ lại cái “gật đầu” khiến cuộc đời chị nghiêng chìm suốt hơn 4.000 ngày tối tăm. Đó là ngày Moong Văn Thạch (SN 1977, trú cùng xã, hiện đã bị tòa án xử phạt 4 năm tù về tội mua bán người) đến chơi rồi hứa hẹn sẽ đưa đi làm công ty “việc nhẹ, lương cao”.

Không chần chừ, cô gái gật đầu vô thức “đi thì đi”. Háo hức vì “sắp được đi làm công ty”, trong đầu chị Hiền lóe lên bao dự định tươi đẹp: sẽ có việc làm, có tiền giúp bố mẹ, rồi lập gia đình, sinh con. Cả nhà quây quần, trò chuyện rổn rang, Hiền sửa soạn quần áo bỏ vào chiếc ba lô cũ và háo hức chờ khi Thạch gọi sẽ lên đường.

Vài ngày sau, Moong Văn Thạch chạy xe máy đón cô xuống ngã ba quốc lộ 7 rồi cùng một người phụ nữ bắt xe ra phía Bắc. Tại đây, cả 2 giao Hiền cho Lộc Thị May (48 tuổi, trú xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, đã bị phạt tù tội mua bán người - PV) rồi quay về. Hiền tiếp tục được May dẫn vượt biên bằng đường tiểu ngạch rồi đi sâu vào nội địa Trung Quốc bằng đường sông.

Thuyền ngược sông nhiều giờ đồng hồ, Hiền bất chợt nghe tiếng nói lạ nên quay sang hỏi May: “Chị ơi, đi đâu vậy, chị nói đưa em đi làm công ty mà”. Hiền chưa dứt lời, người phụ nữ này đã lanh lảnh: “Ừ đi công ty, em yên tâm”. Cô định nói thêm vài câu nhưng những người xung quanh ra hiệu cấm nói chuyện, phải ngồi im một chỗ. Cô gái trẻ bắt đầu thấy lo lắng, sợ hãi. Nhưng đã ngồi trên thuyền, Hiền không biết phải làm gì, cầu cứu ai.

Sau gần 2 ngày di chuyển, nạn nhân bị nhốt vào căn nhà nhỏ trên núi cao cùng một nhóm phụ nữ. Tại đây, cô được thông báo ít ngày nữa có người đón đi lấy chồng.

Nghe đến đây, mắt Hiền nhòe đi. “Em không lấy chồng đâu, thả cho em về đi”, lời nói yếu ớt van xin dù thảm thiết đến đâu cũng không thể lay chuyển được dã tâm độc ác của những kẻ buôn người chuyên nghiệp. Kể từ đó, Hiền bắt đầu những tháng ngày buồn tủi.

“Anh ấy rủ đi làm rồi bán luôn mà tôi không biết. Tôi bị đưa đi lấy chồng, cùng tuổi, sau nhiều năm sinh sống chúng tôi có 2 mặt con. Trong suốt thời gian làm vợ xứ người, tôi bị chồng chửi, đánh đập thường xuyên. Đi đâu cũng bị quản lý, ra khỏi nhà là chồng dắt đi. Mình luôn muốn tìm cách về quê nhưng không có cơ hội”, mắt Hiền nhắm lại khi nhớ về những tháng ngày kinh hoàng.

Nghe con gái kể, bà Moong Thị Hòa (SN 1956) ngồi bên sụt sùi: “Ngày hắn đi mẹ không biết đi đâu nên lo lắm, mẹ đi tìm con mà không được. Nghĩ mất con rồi. Mãi sau mới biết con bị lừa sang bên đó lấy chồng”.

Xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, miền Tây Nghệ An)

Xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, miền Tây Nghệ An)

Bỏ trốn

Quãng thời gian làm vợ bất đắc dĩ, Ốc Thị Hiền không có nổi một ngày sống tự do đúng nghĩa. Hơn 4.000 ngày sống như một nô lệ không hơn không kém, bị đối xử thậm tệ, bị giam lỏng và thậm chí là những trận đòn roi rớm máu của người chồng tàn ác.

“Sợ mình bỏ trốn nên nhà chồng quản lý chặt lắm. Lúc nào nó cũng dọa, mày mà trốn tao bắt được tao đập chết, tao cắt chân”, Hiền kể. Những lời đe dọa luôn ám ảnh, quẩn quanh trong đầu khiến cô lúc nào cũng lo sợ.

Từ một cô gái hay nói cười, Hiền thu mình sống trong lặng lẽ. Chồng sai gì làm nấy, bố mẹ chồng chửi cô cũng chỉ cắn răng làm theo mà không dám hé môi nửa lời. Nhiều đêm nhớ nhà, Hiền chỉ biết nằm ôm gối khóc mà không dám khóc to vì sợ gia đình chồng nghe thấy.

Mười hai năm sống trong tủi khổ, một ngày Hiền trốn được khỏi nhà chồng, tìm đường hồi hương. Ngày Hiền về, ai cũng mừng rơi nước mắt. “Con về rồi, giờ cho con ở nhà thôi chứ không cho nó đi đâu nữa. Khổ đến mấy cũng ở nhà với cha mẹ thôi”, ông Ốc Văn Lợi (71 tuổi, bố Hiền) ôm chầm lấy con.

Sau khi sinh được 2 người con, cô ở nhà lo việc nhà cửa, chăm con. Cuộc sống bắt đầu khó khăn nên chồng và bố chồng đi làm công ty xa nhà, vài ngày mới về một lần.

Ở nhà chỉ còn lại chị Hiền và mẹ chồng tàn tật nằm một chỗ. Ngày chồng đi làm, Hiền như “mở cờ trong bụng”. Bởi cô sẽ ít bị quản lý hơn và cô bắt đầu nghĩ đến việc tìm cách trốn về với cha mẹ, quê hương.

Sáng một ngày nắng mùa Đông, Hiền nói với mẹ chồng “hôm nay chồng sẽ đi làm về, con ra chợ để mua ít đồ nấu ăn”. Nói rồi cô liền xách chiếc giỏ đi. Đi bộ ra đến chợ, nhìn trước ngó sau không thấy ai theo dõi, Hiền vụt chạy. “Lúc đó em chỉ lo họ hàng chồng bắt được thì họ đánh chết, họ cắt chân, nên em cứ chạy về phía trước dù không biết mình chạy đi đâu”, Hiền nhớ lại.

Chạy ra khỏi chợ, băng qua khu rừng thưa vắng, cô bắt gặp một nhóm người ở bản khác. Cô khuỵu xuống giữa đường, bật khóc nức nở. Thấy lạ, những người xung quanh đến hỏi han. Được an ủi, Hiền bắt đầu kể việc mình bị ép lấy chồng, sống khổ cực nên bỏ trốn.

Nghe cô gái tội nghiệp kể, những người xung quanh nói sẽ bắt xe cho Hiền đi xuống khu công nghiệp gần đó làm rồi kiếm tiền mà về quê. Được xe khách chở xuống một khu công nghiệp, cô lân la xin vào làm ở một công ty bánh kẹo.

“Em xin làm đủ tiền bắt xe về quê và được họ đồng ý. Em làm 3 tháng thì nghỉ. Họ trả em được 9 triệu rồi bắt xe cho em ra cửa khẩu về nhà”, Hiền kể về cuộc chạy trốn khỏi người chồng.

Khi Hiền về được đến nhà, cả gia đình ai cũng mừng rơi nước mắt. Sau vài ngày trấn tĩnh tinh thần, việc đầu tiên cô nghĩ đến là tìm những kẻ đã lừa bán mình để đòi lại công bằng. Hiền gặp Moong Văn Thạch chất vấn, rồi đi trình báo công an. Với những bằng chứng không thể chối cãi, tháng 7/2022, Moong Văn Thạch cùng 2 người phụ nữ đã bị Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố, bắt giữ. Cả 3 sau đó phải trả giá bằng bản án tổng cộng 15 năm tù giam.

(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.