Các địa phương triển khai phương án ứng phó mưa lớn, khắc phục hậu quả thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, nhất là các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhà ở, khu vực bếp, bể chứa nước ngọt của người dân xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bị ngập lụt. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Nhà ở, khu vực bếp, bể chứa nước ngọt của người dân xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bị ngập lụt. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Để chủ động tiếp tục ứng phó với hoàn lưu bão số 4 và mưa lũ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, nhất là các tỉnh từ Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh ứng phó với lũ trên các sông.

Các tỉnh, thành phố Nam Bộ nằm ven sông Cửu Long rà soát phương án ứng phó với ngập, sạt lở bờ sông do triều cường và lũ về từ thượng lưu.

Các tỉnh, thành phố ven biển chủ động triển khai phương án ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.

Khu vực Bắc Bộ tiếp tục đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố đê điều; khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão, tìm kiếm người mất tích, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sớm ổn định đời sống của nhân dân; khu vực Bắc Trung Bộ khắc phục thiệt hại do bão số 4.

Các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, hoàn lưu bão số 4 và mưa lũ tính đến 17 giờ ngày 22/9 đã có 2 người chết tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn và xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; 3 người mất tích do bị nước cuốn trôi ở xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (1 người) và bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (2 người).

Sạt lở đá vào ô tô trên Quốc lộ 6 đoạn thuộc địa phận xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Sạt lở đá vào ô tô trên Quốc lộ 6 đoạn thuộc địa phận xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại huyện Mộc Châu, khoảng 14 giờ ngày 22/9 đã xảy ra vụ sạt lở taluy dương tại Km201+900, Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Nhiều tảng đá lớn từ vách núi lở xuống, đè trúng vào chiếc ô tô tải và ô tô con đang di chuyển vào khúc cua theo hướng Hà Nội-Sơn La. Vụ sạt lở khiến cho xe tải biển kiểm soát 99C-106.80 bị lật nghiêng, xe ô tô con biển kiểm soát 26A-218.74 bị hư hỏng; 8 người trên hai xe bị thương nhẹ. Giao thông qua khu vực bị ùn tắc.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ cùng ngày, tại Km204+250, quốc lộ 6 cũng xảy ra vụ sạt lở taluy dương, một khối lượng đất đá đổ xuống che lấp một nửa đường. Hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống lũ do mưa lớn; tại các khu vực nước ngập, chảy siết chỉ đạo cắm biển cảnh báo, căng dây giới hạn nguy hiểm và cử lực lượng trực tại các điểm trên, kiên quyết không để người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi tình hình mưa lũ, kịp thời tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp đảm bảo an toàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở, triển khai các biện pháp sơ tán nhân dân khi cần thiết...

Ở huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, mưa to đã gây sạt lở một số tuyến đường giao thông. Cụ thể, trên tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi và thị trấn Mường Lát có nhiều điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Trên đường tỉnh lộ 521E, đoạn qua các xã Quang Chiểu, Mường Chanh bị sạt lở, đất đá tràn xuống mặt đường. Tại các ngầm tràn, mực nước dâng cao, có nơi lên đến gần 1m, khiến người dân và phương tiện giao thông không qua lại được.

Đặc biệt, tại xã Mường Chanh, nước lũ từ thượng nguồn biên giới Lào đổ về khiến mực nước ở suối Xim dâng rất cao, nước chảy xiết gây ngập nghiêm trọng đường tỉnh lộ 521E, giao thông tạm thời bị tê liệt. Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã này tạm thời bị cô lập. Toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m....

Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát đã đã di dời khẩn cấp hơn 200 hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành, yêu cầu địa phương tiếp tục di dời người dân tại các điểm xung yếu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân, không để họ thiếu ăn, thiếu mặc, tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ,” đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Tình trạng sạt lở ăn sâu vào nhà dân tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Tình trạng sạt lở ăn sâu vào nhà dân tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tuyến đường độc đạo từ Trung tâm xã Nga My (huyện Tương Dương) đi vào các bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống từ nhiều ngày qua đã xảy ra tình trạng sạt lở nhiều điểm. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước suối Nậm Ngân, Nậm Kho dâng cao, chảy xiết.

Nước lũ cũng đã ngập các tràn, những điểm giao cắt dường dân sinh qua khe suối cũng bị nước lũ dâng cao, dòng chảy rất mạnh. Đặc biệt, nước lũ đã cuốn trôi cầu tạm bằng gỗ trên con đường độc đạo dài hơn 20km nối với Trung tâm xã, khiến hơn 150 hộ với gần 760 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái của bản Na Ngân (xã Nga My, huyện Tương Dương) tạm thời bị chia cắt, cô lập.

Nhiều ngày qua, tại xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), đường tỉnh lộ 534C nối trung tâm xã đi các bản biên giới Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 nơi có gần 400 hộ, hơn 1.340 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là dân tộc Thái đã xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở, ngập sâu. Để tránh nguy hiểm cho người dân, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã dựng chốt và cử người trực, nghiêm cấm người, phương tiện qua lại trên những điểm ngập.

Tại xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) do nước từ các sông, suối dâng cao gây ngập cầu tràn nằm ngay cửa ngõ trên tuyến đường độc đạo nối xã Tam Hợp với trung tâm huyện, vì vậy, các bản của xã Tam Hợp đều bị cô lập hoàn toàn. Trong ngày 20/9, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời một số hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Ngoài ra, 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt, xã Yên Thắng (huyện Tương Dương) cũng bị chia cắt, cô lập từ ngày 20/9 bởi nước khe Chon dâng lên rất nhanh khiến 2 tràn ở hai bản bị ngập, dòng chảy rất mạnh.

Sau nhiều ngày mưa lớn, trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng yếu, huyết mạch của miền Tây Nghệ An như Quốc lộ 48C, 48, 7 qua địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn… đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở, ngập úng gây cản trở, chia cắt giao thông; nhiều bản làng, cụm dân cư vùng cao, vùng sâu đã bị chia cắt, cô lập.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết và mất tích, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.