Cả làng giữ nhà cho voọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ một vài người dân tiên phong giữ “nhà” cho voọc chà vá chân xám chỉ vì voọc… hiền, hơn 10 năm qua, cộng đồng bảo tồn voọc ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngày càng được mở rộng, cả làng cùng nhau giữ rừng, tạo sinh cảnh cho đàn voọc.

Ăn cơm nhà, vác tù và… gác rừng

Hai giờ chiều, anh Huỳnh Công Phương (thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây) soạn sửa ống nhòm, thay quần áo, phóng con xe cà tàng đến chân núi Hòn Dồ để đi tuần rừng. Cách nhà anh Phương vài cây số, ông Võ Ngọc Danh (65 tuổi) cũng soạn sửa lên đường. Hơn chục năm nay, bà Dung - vợ ông Danh đã quen với đam mê “vác tù và” của chồng. Nhét vào túi xách cho chồng vài chai nước và mấy lon bia, như mọi lần bà dặn chồng cẩn thận rồi quay vào bếp làm tiếp việc đang dở tay.

Tại điểm hẹn, anh Nguyễn Dư, Trưởng nhóm Tiên Phong - nhóm nòng cốt bảo vệ voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây đã chờ sẵn với chiếc ống nhòm đeo lủng lẳng trên cổ. Một già, hai trẻ cùng nhau vượt những sườn núi đồi dốc, băng qua những rẫy keo tiến sâu vào rừng tự nhiên - nơi sinh sống của quần thể voọc chà vá chân xám.

Chỉ tay về cánh rừng bạt ngàn, anh Dư kể từ rất lâu, voọc chà vá chân xám đã sinh sống ở đó và thường xuyên ra rẫy của người dân để kiếm lá ăn. Thấy loài động vật lạ với cái đuôi dài trắng muốt, nhang nhác giống khỉ nhưng lại không quậy phá như khỉ, dân làng bảo nhau không đuổi đánh vì “nó hiền, không phá rẫy”. “Dân địa phương đều gọi đó là con dọc. Phải mãi sau này khi có các chuyên gia vào nghiên cứu, tụi tui mới biết đó là voọc chà vá chân xám - loại linh trưởng đặc hữu quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, thậm chí còn nguy cấp hơn cả loài voọc chà vá chân nâu nổi tiếng ở Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)”, anh Dư cho hay.

Hơn 10 năm nay, nhóm Tiên Phong là nòng cốt bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)
Hơn 10 năm nay, nhóm Tiên Phong là nòng cốt bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Cũng từ ngày đó, ba thành viên nòng cốt của nhóm Tiên Phong bây giờ thường xuyên rủ nhau gác rừng để bảo vệ đàn voọc. Cứ rảnh rỗi, mọi người lại vào rừng để gỡ bẫy thú, nhắc nhở các đối tượng săn bắn, bẫy voọc và các loại thú rừng. “Mưa dầm thấm lâu”, một vài thanh niên trong thôn cũng được thuyết phục và bén duyên với nghiệp “ăn cơm nhà, vác tù và… giữ rừng”. Biết về hoạt động của nhóm nên cứ phát hiện trường hợp nào nghi săn, bẫy bắt thú rừng hoặc đám cháy rừng nào, bà con lại liên hệ với nhóm để kịp thời ngăn chặn.

Hơn 10 năm, những cánh rừng nơi đàn voọc sinh sống in đầy dấu chân của các thanh niên trẻ nhiệt huyết. Họ không thể đếm hết đã thay bao nhiêu lốp xe máy bị mòn vẹt, đổi mấy chiếc xe máy “hết đát” do cày nát đường rừng. Biết bao đêm mưa tầm tã lội bùn trong rừng chỉ vì nghe tin báo có đối tượng bẫy thú hay những ngày nắng gắt chạy xe quanh xã để vận động người dân cùng giữ “nhà” cho voọc cũng không ngăn được quyết tâm của những người trót yêu voọc.

Năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, trong đó, đề xuất trồng và làm giàu 60ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp quy hoạch vào loại rừng đặc dụng. 90ha đất sản xuất của người dân sẽ ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, vừa tạo sinh kế, vừa mở rộng sinh cảnh sống cho voọc. Đến tháng 11/2024, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, thành lập mới Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) với diện tích 60ha.

Rừng là nhà, voọc là người thân

Công việc của nhóm cứ thầm lặng như vậy cho đến năm 2017, khi báo chí Quảng Nam đưa tin có một đàn voọc bị bỏ rơi. Thời điểm đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã liên hệ với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng để nhờ khảo sát. Các chuyên gia phát hiện có một đàn voọc chà vá chân xám khoảng 20 cá thể đang sinh sống trong các cánh rừng tự nhiên ở xã Tam Mỹ Tây.

Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet, thời điểm đó, đơn vị đã tham vấn nhiều bên và được khuyên đừng tốn công bảo vệ đàn voọc ở đây bởi diện tích rừng quá bé (chỉ khoảng 30ha) mà sinh cảnh còn bị chia cắt. “Tuy nhiên, khi vào làm việc trực tiếp, tôi phát hiện ra ở đây có một cộng đồng những người bảo vệ voọc, bắt đầu hoạt động từ năm 2013 (tiền thân của nhóm Tiên Phong sau này - PV). Chính nhiệt huyết của người dân địa phương đã thuyết phục GreenViet chấp nhận rủi ro và triển khai các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ cộng đồng tiếp tục bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám”, ông Vỹ kể lại.

Dấu chân của các thành viên nhóm Tiên Phong in khắp những cánh rừng ở Tam Mỹ Tây
Dấu chân của các thành viên nhóm Tiên Phong in khắp những cánh rừng ở Tam Mỹ Tây

Đúng như lời kể của Giám đốc Trung tâm GreenViet, đối với người dân ở thôn Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây), rừng là nhà, voọc là người thân. Những thành viên của nhóm Tiên Phong vẫn rỉ tai nhau câu chuyện “bỏ vợ, cứu lấy voọc” của ông Võ Ngọc Danh.

Ông Danh kể, hôm đó hai vợ chồng ông cùng dọn rẫy để trồng keo vụ mới. “Bỗng dưng, tui nghe thấy tiếng súng nổ ở cánh rừng gần đó, lo cho đàn voọc, tui bỏ luôn bà vợ giữa đám rẫy, xách xe chạy. Lần hồi trong rừng đến lúc trở ra, trời đã tối, vợ cũng tự về nhà từ hồi nào. Đợt đó, bả giận tui cả tuần trời không thèm nói chuyện”, ông Danh kể. Cũng bởi hiểu đam mê của chồng nên bà Dung “gật đầu cái rụp” khi nghe ông Danh bàn bạc chuyện hiến 3ha rẫy để làm chòi canh voọc. Chiếc chòi gỗ cao sừng sững giữa rẫy keo, sát bên “nhà” của đàn voọc. Từ đó, các thành viên trong nhóm Tiên Phong có nơi thuận tiện để quan sát đàn voọc, cũng có chỗ trú chân mỗi lúc tuần rừng.

Những cánh rừng ở Tam Mỹ Tây trở thành mái nhà bình yên cho đàn voọc chà vá chân xám Ảnh: Nguyễn Văn Linh
Những cánh rừng ở Tam Mỹ Tây trở thành mái nhà bình yên cho đàn voọc chà vá chân xám Ảnh: Nguyễn Văn Linh

Qua 5 năm với sự đồng hành của GreenViet, cộng đồng bảo tồn voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây ngày một lớn mạnh với sự chung tay của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng. Nhóm Tiên Phong được thành lập với 10 thành viên nòng cốt, thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ mái nhà của voọc.

Nhiều hộ được hỗ trợ chuyển đổi sinh kế bằng việc cho vay vốn, cấp con giống để chăn nuôi... Người dân địa phương cũng sẵn sàng chuyển đổi từ trồng keo sang trồng cây gỗ lớn để mở rộng diện tích “nhà” cho voọc, người ít thì 1ha, nhiều thì vài ha. Già trẻ, lớn bé trong làng đều hiểu và chung tay bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám. Bởi với họ, đàn voọc chà vá chân xám không chỉ là người thân mà còn là niềm tự hào của Tam Mỹ Tây.

Theo GIANG THANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null