Bộ TT-TT: Chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng thông tin trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ TT-TT cho biết chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream).

Sáng 28-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long thông tin thêm về Nghị định 147 được Chính phủ ban hành ngày 9-11 vừa qua.

Theo đó, Nghị định bổ sung các quy định về xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

Với quy định trên, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhìn nhận sẽ chấm dứt tình trạng người dùng mạng xã hội ẩn danh để phát ngôn lừa đảo, phát tán tin lừa đảo, tin xấu độc, thậm chí dạy người khác tự tử hay lừa đảo.

Cùng với đó, Nghị định 147 quy định các quy định bảo vệ trẻ em khi chơi game; trong đó doanh nghiệp game, doanh nghiệp cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi; Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 1 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.

Mạng xã hội Việt nhiều người dùng trong nước hơn Facebook, TikTok

Báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT, Bộ TT-TT), thông tin tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu, trong đó số người dùng Zalo hàng tháng 76,5 triệu (tính đến 30-6-2024); Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 triệu, trong đó: Facebook: 72 triệu, YouTube: 63 triệu và Tiktok: 67 triệu.

"Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới" - bà Huyền cho biết.

Trong năm 2024, Bộ và Sở TT-TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội.

Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Bộ, các Sở TT-TT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội, trong đó đã phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, trong đó có 20 trường hợp biểu hiện "báo hóa"; rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm và buộc thu hồi 2 tên miền; tiếp nhận và xử lý 23 đơn, thư phản ánh về hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhờ đó, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này trong năm 2024 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động như báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động nghề nghiệp, biểu hiện.

Ngoài ra, một số mạng xã hội trong nước đã có những nỗ lực, bứt phá để thu hút người dùng trong nước và đã lọt top 10 mạng xã hội trên Apple Store Việt Nam, điển hình như mạng xã hội YooLife.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp "lợi dụng" giấy phép thiết lập mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành, điển hình là dịch vụ VOD, đào tạo trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến…

Theo Thùy Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm