Bộ trưởng Nội vụ: Bỏ HĐND sẽ 'hụt hẫng' trong vận hành chính quyền địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp Ban Tổ chức T.Ư đánh giá tổng thể mô hình tổ chức hệ thống chính trị, sẽ có điều chỉnh, sắp xếp nên tạm thời chưa bỏ HĐND các quận, phường, xã ở đô thị.

Sáng 15.2, tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tại dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ rút lại đề xuất bỏ HĐND ở các quận; phường, xã ở đô thị (gồm xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư). Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận tại phiên họp
Đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận tại phiên họp

Nêu ý kiến, đại biểu Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, nhất là ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.

Ông phân tích, quy định như dự thảo giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, không có gì đổi mới, "đi ngược với xu hướng tinh gọn bộ máy hiện nay".

Theo đại biểu, chủ trương của Đảng qua nhiều kỳ đại hội đều chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn, hải đảo.

Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, mới đây là TP.Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.

Từ đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn.

"Điều này cũng không trái với Hiến pháp", ông Đồng nói và đề nghị trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh, cũng kiến nghị đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như tại TP.Đà Nẵng, TP.HCM và TP.Hải Phòng đang thực hiện thí điểm hiệu quả.

"Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển đất nước", ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình tại phiên họp
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình tại phiên họp

Ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại đồng tình với việc giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, gồm cả HĐND và UBND. Ông nhấn mạnh, không thể không có HĐND cấp xã được. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố T.Ư nên đề nghị nghiên cứu để thực hiện chung trên cả nước.

"Không thể chỉ thực hiện cho các thành phố trực thuộc T.Ư, trong khi các thành phố trực thuộc tỉnh cũng là đô thị", ông Hòa nói.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đề xuất giữ nguyên như hiện tại là vì đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng thời, tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, sẽ có điều chỉnh sắp xếp.

"Nếu không sẽ hụt hẫng trong vận hành cũng như mô hình tổ chức chính quyền địa phương", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Bà Trà cũng cho biết, các địa phương đang thực hiện thí điểm, hoặc tổ chức mô hình chính quyền địa phương đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội sẽ thực hiện theo các nghị quyết. Các đô thị ở T.Ư khác có thể đề xuất thí điểm hoặc tổ chức đặc thù bỏ HĐND, "không vướng gì cả".

"Trong bối cảnh chúng ta tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban tổ chức T.Ư tiến hành đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, xin phép đại biểu ủng hộ cho phương án tạm thời ổn định như hiện tại", bà Trà nói.

Trước đó, tại tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc rút lại đề xuất bỏ HĐND là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Lê Hiệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mang Yang phát huy vai trò đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Mang Yang phát huy vai trò đội ngũ hòa giải viên cơ sở

(GLO)- Bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, đội ngũ hòa giải viên ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Anh Hiao Rmăng (tổ 2, thị trấn Phú Thiện) vinh dự được kết nạp vào Đảng ngày 3-2. Ảnh: V.C

Tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng

(GLO)- Dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) có 11 quần chúng ưu tú vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Không chỉ vinh dự, tự hào, họ nhận thức rõ trách nhiệm phải nỗ lực cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Alexandria của Mỹ tại cảng Busan (Hàn Quốc) ngày 10-2. Ảnh: YONHAP

Triều Tiên phản ứng gay gắt việc Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân đến cảng của Hàn Quốc

(GLO)- Ngày 11-2, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên cho biết, Bộ Quốc phòng nước này lên tiếng cáo buộc Mỹ đang gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng khi đưa một tàu ngầm hạt nhân đến cảng của Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo quân đội sẵn sàng có hành động đáp trả để bảo vệ an ninh quốc gia.