Bộ GDĐT giải thích thông tin tiếng Hàn là ngoại ngữ "bắt buộc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ GDĐT có Quyết định 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9.2.2021.

 Hiện Ngoại ngữ 1 sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Ảnh: Hải Nguyễn
Hiện Ngoại ngữ 1 sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Ảnh: Hải Nguyễn



Trong quyết định này, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GDĐT xác định là ngoại ngữ 1.

Trong phần "đặc điểm môn học", quyết định này viết: "Môn tiếng Hàn - ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12".

 

Quyết định 712 về việc thí điểm môn tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1, hệ 10 năm.
Quyết định 712 về việc thí điểm môn tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1, hệ 10 năm.



Vì chưa nắm rõ các quy định, hiện nhiều người có cách hiểu chưa đúng với nội dung của quyết định 712/QĐ-BGDĐT.

Một số người hiểu rằng, môn tiếng Hàn sẽ trở thành môn học ngoại ngữ bắt buộc chứ không phải tiếng Anh như hiện nay.

Ý kiến khác lại thắc mắc, tại sao không đưa môn tiếng Nga, tiếng Trung, hay các ngoại ngữ khác là môn học bắt buộc mà lại là tiếng Hàn? Có phụ huynh nghĩ rằng, kể cả học sinh không có nhu cầu học tiếng Hàn cũng phải học ngoại ngữ này như một môn học bắt buộc.

Bộ GDĐT đã có những lý giải để phụ huynh hiểu rõ hơn về quyết định này.

Thí điểm Tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Quyết định 712/QĐ-BGDĐT là quyết định về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1. Còn chương trình Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 thì đã được Bộ GDĐT ban hành trước đây.

Lý giải cụ thể hơn về nghĩa của từ “bắt buộc” trong quyết định thí điểm đưa môn Tiếng Hàn trở thành một trong các môn Ngoại ngữ 1, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, từ “bắt buộc” xuất hiện trong quyết định này không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”. Bởi theo quy định, "ngoại ngữ 1" là bắt buộc.

Nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì sẽ đăng ký về số lượng học sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng rồi mới bắt đầu dạy.

Việc thí điểm ít nhất cũng diễn ra trong vài năm để xem xét, đánh giá tính khả thi, chất lượng của việc dạy học, đào tạo.

Học sinh có thể chọn một trong bảy ngoại ngữ 1 để học

Trước đó, Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung.

Năm 2011, Bộ GDĐT bổ sung tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Với quyết định chương trình tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm vừa được Bộ GDĐT ban hành, các trường sẽ được lựa chọn 1 trong 7 thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức làm môn Ngoại ngữ 1.

Học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cần cứng nhắc bắt buộc phải học tiếng Hàn.

Ngoài ra, các trường có thể dạy "ngoại ngữ 2" là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy thuộc nhu cầu của người học và điều kiện dạy học của từng trường.

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là Ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học thêm tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như Ngoại ngữ 2.

Thí điểm để tăng cơ hội cho người học

Hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, với môn Ngoại ngữ, thí sinh được chọn đăng ký thi một trong sáu thứ tiếng gồm: Anh, Nga, Trung, Pháp, Nhật, Đức; tiếng Hàn chưa được đưa vào.

Sau quá trình thí điểm theo Quyết định 712, nếu việc đưa ngoại ngữ này trở thành chính thức bằng việc ban hành thông tư, Tiếng Hàn và Tiếng Đức sẽ “bình đẳng” như Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc ở chương trình phổ thông.

Việc này giúp cho những học sinh có sở thích, năng lực có thể chọn học môn Tiếng Hàn, tiếng Đức và điểm của môn học này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT được bình đẳng và tính là điểm môn Ngoại ngữ.

 


Dù từ 2006 đến nay, Bộ GDĐT đã bổ sung các ngoại ngữ vào nhóm ngoại ngữ 1, nhưng hiện không nhiều trường phổ thông dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ được phần lớn các trường lựa chọn để giảng dạy.

Tại Hà Nội, trừ các trường chuyên dạy chuyên nhiều ngoại ngữ, thì chỉ có một số trường có dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như: THCS Trưng Vương học thí điểm tiếng Đức; trường THPT Chu Văn An, Kim Liên có lớp học tiếng Nhật, trường Việt Đức có lớp tiếng Nhật và Đức...


https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-giai-thich-thong-tin-tieng-han-la-ngoai-ngu-bat-buoc-885711.ldo

Theo Đặng Chung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).