Biệt đội 'diệt rác' ở TP HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tình yêu môi trường, chàng trai Nguyễn Lương Ngọc (29 tuổi), trưởng nhóm Sài Gòn Xanh, đã tập hợp được hàng trăm bạn trẻ dọn rác tại TP HCM suốt hơn 1 năm rưỡi qua.

Hình ảnh nhóm bạn trẻ Sài Gòn Xanh trong bộ đồ bảo hộ dầm mình dưới các dòng kênh, rạch đen ngòm, ngập ngụa rác thải đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố. Ngoài ra, Sài Gòn Xanh còn cổ vũ lối sống xanh trong giới trẻ, tạo nên một hiện tượng về "những người làm việc dơ nhất, khổ nhất và lạ nhất" nhưng cũng hạnh phúc nhất.

Những người yêu môi trường

Tranh thủ ít thời gian nghỉ ngơi khi vừa lội lên từ con kênh Tân Hóa - Lò Gốm, anh Nguyễn Lương Ngọc cho biết Sài Gòn Xanh ra đời vào ngày 5-12-2022 do Ngọc và người bạn Hồ Văn Vỹ đồng sáng lập. Cả hai anh em đều không phải người gốc TP HCM.

Ngọc làm nghề phụ bếp nhà hàng, còn Vỹ làm nghề xe ôm công nghệ nhưng hai anh em có tình yêu với môi trường. Đặc biệt, khi thấy có quá nhiều kênh, rạch bị rác chặn đứng dòng chảy, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, hai anh em càng trăn trở.

"Bốn năm trước, từ Gia Lai vào TP HCM tôi thấy thành phố rất lung linh và đẹp đẽ. Sau khi sinh sống một thời gian, tôi thấy đằng sau sự đẹp đẽ đó còn rất nhiều nơi ô nhiễm môi trường, rác thải chật cứng bủa vây các dòng kênh, rạch. Được truyền cảm hứng rất lớn từ nhóm Padawara ở Indonesia nên tôi quyết tâm thành lập một nhóm để làm xanh - sạch - đẹp thành phố" - Ngọc cho biết.

Các thành viên Sài Gòn Xanh dầm mình dọn rác ở một dòng kênh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Các thành viên Sài Gòn Xanh dầm mình dọn rác ở một dòng kênh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ban đầu nhóm được thành lập chỉ với 5 thành viên, đồ bảo hộ, dọn rác thiếu thốn, kinh phí hoạt động do thành viên tự nguyện đóng góp. Song, điều khó khăn nhất chính là sự chưa thấu hiểu của gia đình, bạn bè cũng như người dân khu vực dọn rác. Họ nói nhóm làm màu làm mè hay liệu được mấy bữa rồi sẽ bỏ cuộc.

Như chạm vào lòng tự ái, ai nấy cũng có chút đượm buồn nhưng đều không lung lay quyết tâm làm sạch môi trường. Sài Gòn Xanh vẫn duy trì ra quân ít nhất 3 ngày trong tuần và đang hướng đến ra quân hằng ngày trong tương lai gần.

Nguyễn Lương Ngọc nhớ nhất lần dọn rác tại kênh Tham Lương vào khoảng tháng 1-2023. Khi đó con kênh ô nhiễm khủng khiếp, tưởng tượng có thể đi trên mặt kênh vì lượng rác quá đậm đặc. Tuy nhiên, Sài Gòn Xanh mới chỉ có ủng và bao tay, nhiều tình nguyện viên mới vừa lội xuống kênh đã nôn ói, chóng mặt. Ngọc và Vỹ đã cổ vũ tinh thần cho nhóm không lùi bước và trong 1 ngày, con kênh đã được khơi thông dòng chảy trở lại. Hay như đợt dọn rác trên kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) chỉ có 8-9 bạn nhưng trong 10 giờ đã thu gom được chục tấn rác...

Trả ơn cho mảnh đất phương Nam

Sài Gòn Xanh nhanh chóng phát triển với số tình nguyện viên lên gần 1.000 người, chủ yếu là sinh viên đang theo học tại thành phố. Ngoài ra, không ít người lao động phổ thông, chạy xe ôm, bán vé số cũng tình nguyện tham gia nhóm. Để bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, Lương Ngọc đã chia thành các nhóm chuyên môn nhỏ như cào rác, phân loại rác, y tế, truyền thông, hậu cần...

Trước mỗi chiến dịch, Sài Gòn Xanh sẽ cử đội đi khảo sát địa hình, lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị phương tiện và xin phép chính quyền địa phương. Sài Gòn Xanh đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu. Tuy phải đối mặt với hiểm nguy như kim tiêm, mảnh chai lọ vỡ, xác động vật chết... mỗi khi đằm mình dưới kênh nhưng Sài Gòn Xanh đã có sự chuẩn bị hết sức chuyên nghiệp.

Một nữ tình nguyện viên dầm mình dưới kênh đen để dọn rác. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một nữ tình nguyện viên dầm mình dưới kênh đen để dọn rác. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Chúng tôi đã tìm hiểu về các loại vắc-xin và tiêm phòng cho tình nguyện viên các mũi uốn ván, thương hàn, cúm, tả và phổi. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn được uống PrEP mỗi ngày để phòng lây nhiễm HIV trong trường hợp không may bị kim tiêm đâm vào tay. Nhiều lúc rất thương các bạn vì khi uống PrEP bị tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, sốt, song các bạn không ai bỏ cuộc" - Lương Ngọc cho biết.

Anh Arturas, quốc tịch Lithuania, nói: "Tôi biết đến hoạt động của nhóm Sài Gòn Xanh trên TikTok, thấy rất ý nghĩa và tôi đăng ký tham gia. Khi làm công việc này, tôi cảm thấy rất vui vì được đóng góp chút công sức cho xã hội, cho nơi mình đang sinh sống. Như tôi, một người ngoại quốc sinh sống tại TP HCM, tôi muốn trả ơn cho thành phố phương Nam đầy nghĩa tình này".

Chị Bùi Khánh Dung, thành viên Sài Gòn Xanh, bày tỏ: "Tôi tham gia nhóm từ tháng 2-2023. Mỗi lần đi dọn rác, tôi phải ngâm mình dưới nước ô nhiễm, phơi nắng mấy giờ. Bản thân là nữ giới cũng sợ bị ảnh hưởng nhan sắc nhưng không sao, miễn dọn sạch rác và bảo đảm an toàn. Cảm giác kênh rạch đã được hồi sinh, có thể nuôi được cá, trồng được cây thủy sinh khiến tôi rất hạnh phúc".

Bà Hồ Như Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường 24 (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết: "Lực lượng Sài Gòn Xanh hoạt động rất năng nổ, nhiệt tình. Trước đây, phường 24 đã phối hợp với các bạn một lần và làm rất hiệu quả. Theo kế hoạch, sẽ dọn rác trong 1 ngày, tuy nhiên tùy vào lượng rác phát sinh, các bạn trẻ dọn tới khi nào sạch mới thôi".

Xanh biển, xanh rừng đến xanh ý thức

Không chỉ trực tiếp làm sạch môi trường, Sài Gòn Xanh còn đang lan tỏa được thông điệp sống xanh trong giới trẻ. Từ hiệu ứng mạng xã hội mà họ có đông đảo thành viên và tổ chức được những chiến dịch quy mô lớn. Những video triệu view, hàng ngàn lượt bình luận, fanpage "Sài Gòn Xanh" có 162.000 lượt theo dõi càng đẩy thêm khát vọng để Sài Gòn Xanh bứt phá làm xanh phố, xanh biển, xanh rừng đến xanh ý thức của người dân.

Lương Ngọc cho biết nhóm còn phối hợp với các CLB khác tổ chức dọn rác tại bãi Trước, bãi Dứa, bãi Dâu (TP Vũng Tàu) cùng đông đảo dân địa phương, khách du lịch làm sạch bãi biển. Trong tương lai, Sài Gòn Xanh sẽ có thêm những dự án như trồng cây xanh, phao chắn rác, tuyên truyền giáo dục xanh tại các trường học.

"Sau một ngày đặt phao chắn rác trên rạch Lăng đã có quá nhiều rác bị chặn lại cho thấy ý thức vẫn là vấn đề cốt lõi trong bảo vệ môi trường. Đến nay, Sài Gòn Xanh đã đặt được 12 phao chắn rác và hướng tới lắp đặt 1.000 phao chắn trên các kênh rạch" - Ngọc nói.

Con kênh được khơi thông dòng chảy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Con kênh được khơi thông dòng chảy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Đoàn Văn Tố, Trưởng nhóm Bình Dương Xanh, chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của anh em Sài Gòn Xanh nên tôi đã thành lập nhóm Bình Dương Xanh. Tôi dành thời gian vào buổi sáng để làm việc với Sài Gòn Xanh, buổi chiều làm việc tại Bình Dương Xanh. Tôi muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi người dân sống trên trái đất này".

Anh Ngọc cho biết TP HCM có hơn 2.000 km kênh, rạch, trong đó có hàng chục tuyến đang bị ô nhiễm nặng nề. Rác khi vứt xuống kênh rạch bị ngấm nước sẽ nặng thêm khoảng 5 lần nên dọn rất vất vả. Ngọc mong mọi người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Sài Gòn Xanh hy vọng mỗi người dân hãy bỏ rác đúng nơi quy định, nếu có thể hãy trồng cây xanh nơi đang sống. "Bên tay phải áo chúng tôi là lá cờ Việt Nam, bên tay trái là logo Sài Gòn Xanh, khi nào còn khoác chiếc áo này, chúng tôi sẽ cống hiến hết mình cho môi trường Việt Nam".

Tháng 3-2024, nhóm Sài Gòn Xanh trở thành nhóm thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM. Nhóm nhận bằng khen của Thành Đoàn TP HCM năm 2023; giành giải thưởng truyền cảm hứng Wechoi Awards 2023; giải thưởng TikTok For Good 2023.

Chỉ có sức trẻ và tinh thần cống hiến

Hồ Văn Vỹ - đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh, hiện đang chạy xe ôm công nghệ - bày tỏ: "Cảm giác của chúng tôi khi làm sạch được đoạn kênh là rất sung sướng. Chúng tôi không giàu có về tiền bạc, chỉ có sức trẻ và tinh thần cống hiến nên lập nhóm này.

Lần đầu chúng tôi nhảy xuống kênh rạch bị nước bẩn bắn lên người, theo phản xạ định nhảy lên và về tắm, thay quần áo nhưng như thế đâu phải đi dọn rác. Rồi phải cắn răng, nín thở, quyết tâm dọn cho sạch mới về.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sài Gòn Xanh đã có 170 lần ra quân, làm sạch khoảng 140 con kênh, thu gom khoảng 1.800 tấn rác, 45 tấn nhựa... Sài Gòn Xanh đã hồi sinh nhiều con kênh, rạch như: rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ...".

Biệt đội 'diệt rác' ở TP HCM ảnh 4

Sài Gòn Xanh nhận giải thưởng Wechoi Awards 2023 (Lương Ngọc đứng giữa). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.