'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để những cây cầu biểu tượng của Đà thành vận hành trơn tru, có những người thợ, kỹ sư làm công việc mà nhiều người gọi vui là 'chẩn bệnh cho cầu'.
'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 1.

Giữa trưa, cầu Rồng phun lửa thử nghiệm trước đêm trình diễn chính thức vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Ảnh: HOÀNG SƠN

"Luyện Rồng" phun lửa, phun nước

Tiếp cận "đầu rồng" (phía Q.Sơn Trà), những nhân viên Đội quản lý, vận hành cầu, hầm (Xí nghiệp quản lý cầu Đà Nẵng) nhanh nhẹn thả chiếc thang xuống rồi từng người một chui vào bên trong để kiểm tra. "Theo lịch, cứ vào chiều thứ sáu hằng tuần, chúng tôi sẽ vào đầu rồng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống phun nước, phun lửa. Ba ngày cuối tuần, du khách đến Đà Nẵng xem cầu Rồng phun nước, phun lửa rất đông, chúng tôi nỗ lực để làm sao khán giả không phải thất vọng…", kỹ sư Nguyễn Toàn chia sẻ.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 2.

Các kỹ sư đang kiểm tra hệ thống phun lửa bên trong đầu cầu Rồng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Tốp 4 nhân viên chia nhau các công việc, người kiểm tra van khí, hệ thống đánh lửa, người kiểm tra bơm dầu, bơm nước… Dùng tay mở tủ để kiểm tra hệ thống điện, ray trượt đầu phun lửa, kỹ sư Toàn cho biết tất cả thiết bị phun đều đặt gọn bên trong đầu rồng và hoạt động theo cơ chế tự động. Tuy hiếm khi xảy ra sự cố nhưng một số lần hệ thống hoạt động chệch choạc buộc các kỹ sư phải túc trực để không bị gián đoạn.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 3.

Những “người nhện” chuyên kiểm tra hệ thống dây võng cầu Thuận Phước. Ảnh: HOÀNG SƠN

"Nhiều người ở xa đến Đà Nẵng chỉ mong một lần xem cầu Rồng phun lửa, phun nước. Điều khiến chúng tôi vui nhất là chứng kiến sự vỡ òa, phấn khích của người dân và du khách... Đó là động lực để anh em nỗ lực duy tu, kiểm tra kỹ lưỡng nhằm có màn trình diễn hoàn hảo nhất", anh Tán Thịnh, Đội phó Đội quản lý, vận hành cầu, hầm - người có 10 năm vận hành, bảo dưỡng các thiết bị trong "đầu rồng", trải lòng.

Sau khoảng 30 phút mắt thấy, tay sờ để đảm bảo các chi tiết máy móc, thiết bị vận hành ổn định, cả nhóm kỹ thuật viên lần lượt rời khỏi "đầu rồng". Hệ thống phun lửa được đẩy ra khỏi miệng rồng và phun thử 3 lần.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 4.

Cảnh làm việc trên “gàu” xe chuyên dụng khiến người chứng kiến thót tim. Ảnh: HOÀNG SƠN

Thót tim trên thùng xe chuyên dụng

Những ngày theo chân các nhân viên, tôi có dịp chứng kiến cảnh "tác nghiệp" đến nghẹt thở của "biệt đội" bảo dưỡng dầm thép cầu Thuận Phước - cầu treo dây võng dài nhất VN (nhịp dây võng dài 655 m). Cũng bởi công trình án ngữ ngay cửa sông Hàn với độ tĩnh không thông thuyền cao (27 m) cùng hai tháp chính cao 80 m nên việc duy tu, bảo dưỡng công trình này cực kỳ khó khăn. "Năm 2018, công ty đầu tư xe chuyên dụng hiện đại với cánh tay dài thì mới có thể tiếp cận dầm thép ở đáy cầu Thuận Phước", kỹ sư Nguyễn Như Anh Tuấn kể.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 5.

Cầu rồng - biểu tượng của TP.Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG SƠN

Sau khi kiểm tra các điều kiện, kỹ sư Tuấn đứng ở trên "gàu" thuần thục điều khiển chiếc cần cẩu vòng qua lan can cầu rồi tiếp tục vòng xuống dưới đáy dầm thép để kiểm tra. Lúc này, ông Huỳnh Viết An, công nhân duy tu, cẩn thận quan sát từng mét vuông dầm để phát hiện những vị trí bị gỉ sét. Chỗ nào bị bong tróc, ông An nhanh tay xử lý rồi cẩn thận quét đi quét lại lớp sơn chống gỉ lên bề mặt.

Từ trên "gàu" nhìn xuống mặt sông đang cuồn cuộn nước, chân tôi như quíu lại vì choáng ngợp bởi độ cao. Chiếc "gàu" cứ rà đi rà lại dưới đáy cầu, thi thoảng có chiếc ô tô chạy qua hoặc gió mạnh, chiếc cần cẩu cứ thế rung lên, "gàu" cũng tròng trành theo. "Tôi làm việc tại Công ty CP cầu đường Đà Nẵng từ năm 2011 và đã có khá nhiều kinh nghiệm trong bảo dưỡng các cầu lớn. Thế mà hồi đầu, khi bước lên "gàu", đứng trước bảng điều khiển để cho cần cẩu đi xuống gầm cầu, chân tay tôi cứ thế run lên cầm cập. Đứng trên thùng nhìn xuống, ai sợ độ cao là "rụng tim" luôn. Phải mất gần 2 tháng tôi mới hoàn toàn tự tin "lái" cần cẩu đưa "gàu" xuống dầm được", kỹ sư Tuấn chia sẻ và trấn an: "Trên cần cẩu có hệ thống đo cấp gió. Nếu gió quá lớn hệ thống sẽ báo hiệu để đảm bảo an toàn".

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 6.

“Cánh tay thép” đưa các kỹ sư, công nhân xuống đáy dầm cầu Thuận Phước để duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: HOÀNG SƠN

"Làm xiếc" trên những dây võng

Thực hiện công tác bảo trì cầu Thuận Phước còn có những nhân viên chuyên leo lên dây võng để kiểm tra trên bó cáp tròn khổng lồ, trơn trượt, luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Sau khi đeo dây bảo hộ, tổ kiểm tra của kỹ sư Nguyễn Minh Cầm leo lên bó cáp. Họ chậm rãi từng nhịp chân để kiểm tra, phát hiện các vị trí hư hỏng của hệ thống dây võng. Nhóm 3 người dần dần tiến về đỉnh tháp cầu. Thi thoảng có trận gió lớn, cả 3 người khựng lại, bám chặt vào dây cáp (song song với dây võng) chờ gió đi qua. Từ mặt cầu, tôi nín thở xem những "người nhện" đang cẩn trọng trong từng bước đi. Chỉ với sợi dây bảo hộ cố định quanh bụng, tốp kỹ sư cứ như những nghệ sĩ đang làm xiếc trên dây võng.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 7.

Công nhân cẩn thận sơn chống gỉ dưới đáy dầm thép cầu Thuận Phước. Ảnh: HOÀNG SƠN

Sau vài chục phút, nhóm kỹ sư đã tiến đến đỉnh tháp. Lúc này, họ cách mặt đường 47 m và cách mặt nước đến 80 m. "Tôi không quên cảm giác khi mình lên đến đỉnh tháp. Đó là một cảm giác choáng ngợp. Bởi vậy công việc này không dành cho người sợ độ cao, huyết áp hay yếu tim…", anh Cầm giọng đầy trải nghiệm. Anh cho biết thêm, định kỳ hằng tháng, tổ của anh sẽ trèo lên dây võng để "tuần tra". Công việc chỉ hoàn thành khi họ đi hết hai bó cáp chủ với quãng đường gần 1,5 km. Quá trình di chuyển, tổ phải quan sát tỉ mỉ từng chi tiết, cấu kiện trên cả cáp chủ lẫn 114 cáp treo.

'Biệt đội' chăm sóc những cây cầu - Ảnh 8.

Kiểm tra dây võng cầu Thuận Phước - công việc không dành cho người yếu tim. Ảnh: HOÀNG SƠN

Với những người làm công tác duy tu, bảo dưỡng những cây cầu biểu tượng của Đà Nẵng, sự vất vả, nguy hiểm, nỗi sợ hãi đã không còn là vấn đề nhưng đôi khi khó tránh khỏi lòng chùng xuống, nhất là những lúc mang đồ bảo hộ rời khỏi nhà giữa ngày tết, lễ, cuối tuần. Như chia sẻ của anh Tán Thịnh, hồi mới vào nghề, vì chưa hiểu đặc thù công việc nên vợ con hay giận dỗi vì anh không ở nhà trong những ngày nghỉ. "Khi mọi người nghỉ thì mình phải đi làm với áp lực cao hơn. Có những hôm, cầu Sông Hàn quay xong, tôi về đến nhà đã qua ngày mới. Bởi vậy, với chúng tôi, những ngày nghỉ phép là vô cùng ý nghĩa", anh Thịnh trải lòng.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.