Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 12.10, ở vùng biển từ Quảng Trị - Khánh Hòa (Biển Đông) và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác.
Dự báo, ngày và đêm 12.10, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - cấp 8.
Ngoài ra, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 3,5 m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Dự báo xa hơn về thời tiết trên Biển, cơ quan khí tượng cho biết, từ nay đến ngày 11.11, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên biển Đông 1,9 cơn; trung bình nhiều năm đổ bộ 0,8 cơn).
Hình ảnh mắt siêu bão Krathon giật cấp 17 trên Biển Đông
Bão Krathon giật trên cấp 17 đi vào Biển Đông
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 18.10, Biển Đông được dự báo ít có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới. Vì vậy, nếu đúng theo dự báo, khả năng cao bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết thêm, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, từ tháng 10 - tháng 12, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thời tiết khu vực Biển Đông, mang lại nhiều thách thức trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai.
Trong điều kiện La Nina, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, từ tháng 10 - tháng 12, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trung bình khoảng 4 - 5 cơn; trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền trung bình là 1,9 cơn.
Theo Đình Huy (TNO)