Bia Sài Gòn sẽ thoái hết 36% vốn nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bia Sài Gòn nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn trong năm 2020.

 

Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại tại Bia Sài Gòn theo kế hoạch từ đây đến hết năm 2020 - Ảnh: T.L.
Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại tại Bia Sài Gòn theo kế hoạch từ đây đến hết năm 2020 - Ảnh: T.L.



Trong 121 doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý và 18 doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện việc thoái vốn theo danh mục vừa được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký quyết định ban hành, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc diện được thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại của Nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2020.

Việc chuyển giao Sabeco về SCIC cũng được yêu cầu phải hoàn tất trước ngày 30-8-2020, chuẩn bị kế hoạch thoái hết phần vốn nhà nước còn lại sau khi đã bán 53,59% vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage - công ty "con" của Tập đoàn ThaiBev (Thái Lan) - với trị giá lên đến 5 tỉ USD hồi cuối năm 2017.

Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài hiện đang nắm 9,71% vốn điều lệ Sabeco, tỉ lệ 0,7% còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Như vậy, trong 6 tháng tới, nếu thực hiện đúng theo quyết định vừa phê duyệt nói trên, tỉ lệ phần vốn nhà nước tại Sabeco tiếp tục được đem ra chào bán.

Điều này khá phù hợp với quan điểm của Bộ Công thương hồi đầu tháng 6-2020 khi bác bỏ khả năng mua lại cổ phần của Sabeco như "tin đồn" thất thiệt.

Sabeco đang có 26 công ty con, 18 công ty liên doanh - liên kết cùng hội đồng quản trị gồm 7 thành viên do ông Koh Poh Tiong làm chủ tịch kể từ năm 2018.

Đến hết năm 2019, tổng tài sản Sabeco ước đạt 26.962 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 20.076 tỉ đồng, tăng 24,6% so với năm trước đó.

Kết thúc đại hội cổ đông năm 2020 tổ chức ngày 30-6 vừa qua, Sabeco trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu giảm 37% và lợi nhuận sau thuế giảm 39% so với năm 2019, tương ứng còn lần lượt 23.800 tỉ và 3.252 tỉ đồng.

Theo lý giải của ông Neo Sim Giong Bennett - tổng giám đốc Sabeco, thời điểm buộc phải lên kế hoạch đặt mục tiêu doanh thu giảm là vào giữa tháng 4-2020, khi "nhìn nhận về tương lai không có gì rõ ràng và chắc chắn", bởi "dịch COVID-19 là tình huống chưa bao giờ có tiền lệ xảy ra".

Tuy nhiên, ông cũng trấn an các cổ đông khi cho rằng công ty "sẽ không quá tập trung vào chỉ tiêu kế hoạch, mà tập trung nhiều hơn vào việc triển khai thực hiện để có thể vượt qua chỉ tiêu, sau đó mới tới việc hồi phục doanh số". 

 

Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.