Trước khi đến nơi này, tôi đã mở sổ tay của mình ra, xem lại ý kiến của Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc-Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu năm 2019, trong một sinh hoạt khoa học. Theo ông, bia Tư Lương là một phát hiện hết sức đặc biệt. Chính những dòng chữ ngắn gọn này cho chúng ta thông tin quý để hiểu đúng hơn về Tây Nguyên, về lịch sử Việt Nam và lịch sử Vương quốc Champa.
Đấy là ý kiến của một nhà khoa học có uy tín. Còn trên thực tế, điều đáng tiếc là so với 13 năm trước, khi tấm bia có niên đại năm 1438 này còn nằm trong một bụi cây gai rậm rạp, các dòng chữ trên đó giờ đây đã thêm mờ. Hành trình để hiện vật độc nhất vô nhị này trở thành di tích cấp tỉnh thật dài và không phải ai cũng biết.
Các ký tự trên bia Tư Lương mỗi ngày một thêm mờ vì cách bảo tồn chưa đúng. Ảnh: Quang Tuệ |
Vào tháng 6-2010, những bí mật về nó bắt đầu được phát lộ. Liền sau đó, mỗi ngày có hàng chục người tò mò đến thăm bia, rồi hàng trăm bài báo lần lượt ra đời cùng vô số lời truyền tụng hoang đường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng, không có gì thay đổi so với trước cả, khi mà hơn 10 dòng chữ sắc nét, rõ ràng mà bí ẩn ở 2 mặt bia vẫn chưa ai có thể đọc dịch được.
Đến đầu năm 2018, Giáo sư Arlo Griffiths từ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đến Đak Pơ tiến hành dịch văn bia Tư Lương. Liền đó, những chuyện thêu dệt đằng sau tấm bia độc đáo này bị dẹp bỏ, nhường chỗ cho tính khoa học của vấn đề. Ngày 6-7-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 312/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh, trong đó có bia Tư Lương. Đầu tháng 10-2019, UBND huyện Đak Pơ tổ chức họp báo công bố nội dung bản dịch bia Tư Lương từ tiếng Chăm cổ qua tiếng Anh và từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Bia Chăm Tư Lương được lập hồ sơ khoa học và không lâu sau đó, ngày 28-11-2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 642/QĐ-UBND xếp hạng hiện vật này là di tích cấp tỉnh. Hành trình kéo dài suốt hơn 10 năm tạm thời khép lại một cách rất xứng đáng.
Nhiều người từng hy vọng, trong gần 15 năm qua kể từ khi được phát hiện, chính quyền địa phương đã và sẽ có những biện pháp phù hợp để bảo tồn phát huy giá trị của hiện vật độc đáo này. Tại Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 28-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Pơ (khóa XVII) cũng khẳng định bia Tư Lương có giá trị như một địa điểm du lịch của địa phương. Tuy vậy đến nay, những dấu hiệu tích cực ấy vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi động từ Đak Pơ.
Con đường nhỏ hẹp dẫn đến di tích vẫn còn nhiều đoạn lầy lội và ngập nước khá sâu vào mùa mưa. Tấm biển ghi thông tin về bia Tư Lương được gắn ở tường rào khu di tích vẫn sai sót và lủng củng như từ khi nó được làm ra đến nay. Đáng lo hơn, trên một diện tích đất hạn chế (229 m2), không còn được cây cối bảo vệ như trước, bia đá hàng ngày vẫn bị mái tôn thấp và nền xi măng gây hại, ít nhất là làm cho các dòng chữ mờ đi.
Trao đổi với chúng tôi cách đây chưa lâu, Tiến sĩ Bertrand Porte-một chuyên gia bảo tồn đá cổ của EFEO cho rằng: Bê tông bít kín nền nhà có thể là nguyên nhân gây hại bia Tư Lương. Cụ thể hơn, theo ông, “các muối hòa tan được tạo ra bởi xi măng khi gặp độ ẩm có thể đã ngấm vào đá”. Cảnh báo này đã được đưa ra từ nhiều năm trước, đáng tiếc là đến nay tình hình bảo tồn bia Tư Lương vẫn chưa có gì thay đổi.
Nét mới duy nhất tại di tích là Huyện Đoàn Đak Pơ phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đặt một bảng mã QR cạnh bia. Truy cập qua điện thoại, chúng tôi gặp lại một số thông tin, hình ảnh đã được biết đến nhiều trên báo chí thời gian qua.
Nhìn chung, việc đầu tư cho di tích Bia Chăm Tư Lương chưa có gì đáng kể. Vì sao lại có tình trạng trên đây? Nguyên nhân chủ yếu vẫn là kinh phí. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện, cũng như nhiều năm trước, năm 2023, ngân sách huyện không bố trí cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bia Tư Lương.
Với tất cả những gì quan sát được từ Đak Pơ hàng chục năm qua, tôi cho rằng, nhiều khả năng việc bảo tồn tấm bia cổ ở Tư Lương vẫn còn là điều xa vời. Và đây thực sự là một điều vô cùng đáng tiếc.