'Bí mật' ở trang trại ngọc trai: 'Vua' ngọc trai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hồ Phi Thủy, người đàn ông được mệnh danh là 'vua' ngọc trai Phú Quốc với hành trình từ hai bàn tay trắng trở thành ông chủ với đại bản doanh ngọc trai ở xã Dương Tơ.
 
Hồ Phi Thủy lúc trẻ (thứ 2, từ trái sang) cùng các thợ lặn thuở hàn vi. ẢNH: QUANG VIÊN
Chàng trai nghèo và con thuyền linh thiêng
Nó đã cứu tôi thoát chết hai lần. Vậy mà, có những lúc quá khó khăn, tôi đã bán con thuyền. Chính xác là 6 lần tôi bán con thuyền, nhưng rồi lại mua về. Với tôi, con thuyền đó có linh hồn, gắn bó với tôi như mối nhân duyên
Ông Hồ Phi Thủy

Với giọng Hà Tĩnh còn đặc sệt, Hồ Phi Thủy bắt đầu câu chuyện: “Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo, lại có đến 7 anh em, cơm không có để ăn. Vì rứa, 19 tuổi tôi quyết định rời quê hương đến Phú Quốc mưu sinh với mong muốn tự nuôi bản thân và ngày có 3 bữa cơm ăn. Đơn thân độc mã ở xứ người, không có một xu dính túi, nhưng tôi có sức khỏe và ý chí sắt đá”. Vốn là dân biển Thạch Hà nên Hồ Phi Thủy nhanh chóng quen với sóng gió, biển cả. Chàng trai xứ Nghệ tuổi đôi mươi lúc đó bắt đầu “kiếm cơm” bằng nghề lặn biển.
Mới đầu, Hồ Phi Thủy chỉ làm công việc vặt cho nhóm lặn biển, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn anh đã trở thành một thợ lặn giỏi như những thợ lặn chuyên nghiệp trên đảo. “Hồi đó, tôi thường lặn ở những vùng biển từ núi Đèn ra hòn Dứa của An Thới để mò trai. Ở đây có những khe đá lởm chởm và trai thường trú ẩn. Một thợ lặn bình thường chỉ dám xuống ở độ sâu 50 m, nhưng tôi đã xuống tới đáy của biển An Thới với độ sâu 80 m. Tôi phải làm việc quần quật mỗi ngày trong nắng, gió, sóng dữ và hầu như suốt ngày ngâm mình dưới biển. Tối nào cũng thấy mắt nhức, đầu ong ong, tai thì ù đặc… Thế mà thu nhập vẫn bấp bênh. Hôm nào may mắn thì kiếm được sò điệp, ngọc và cả cá. Nhưng nhiều hôm lên bờ tay trắng”, Hồ Phi Thủy bồi hồi nhớ lại.
 
Vua” ngọc thường ở ngoài biển cùng công nhân để kiểm tra ngọc trai nuôi
Nghĩ đời thợ lặn không thể nào khá lên nổi, sau một thời gian, Hồ Phi Thủy tích cóp được ít vốn liếng, mượn thêm người thân và vay với lãi suất cao để mua thuyền làm phương tiện mưu sinh. Nhưng ông trời lại thử thách Thủy với mức độ kinh hoàng, khắc nghiệt hơn. Đó là năm 1997, khi siêu bão Linda càn quét qua nhiều vùng biển trong đó có Phú Quốc, Hồ Phi Thủy cùng con thuyền ẩn mình vào một hẻm đá trên đảo. Giữa gió lớn, sóng to, anh bất lực nhìn con thuyền gập ghềnh trên ngọn sóng dữ, va vào bờ rồi trôi xa như muốn vỡ vụn thành trăm mảnh. Sau khi bão tan, xung quanh con thuyền của anh là những xác thuyền bè và cả xác người trôi dạt lênh đênh. Nhưng lạ thay, con thuyền của Hồ Phi Thủy chỉ vỡ một mảnh nhỏ như có bàn tay che chở.
 
“Vua” ngọc trai Hồ Phi Thủy
Ông “trùm” ngọc trai kể thêm về con thuyền mà anh cho là báu vật rằng: “Nếu con thuyền không mắc vào dây neo của ai đó vứt lại trong cơn bão Linda thì tôi đã mất mạng giữa trùng khơi như nhiều người khác. Nó đã cứu tôi thoát chết hai lần. Vậy mà, có những lúc quá khó khăn, tôi đã bán con thuyền. Chính xác là 6 lần tôi bán con thuyền, nhưng rồi lại mua về. Với tôi, con thuyền đó có linh hồn, gắn bó với tôi như mối nhân du yên. Nó thiêng liêng lắm”. Trong phòng trưng bày chính của Hồ Phi Thủy, chiếc thuyền cũ vẫn được giữ ở đó như kỷ vật thiêng liêng để anh nhớ về thuở hàn vi của mình.
Trở thành “vua” ngọc trai
Sau cơn bão Linda, Hồ Phi Thủy quyết định nghỉ nghề lặn biển vì thấy quá gian nan bất trắc. Đúng lúc đó, ông chủ Công ty Ogawa của Nhật chuyên về nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc đề nghị anh bán lại con thuyền và làm công cho công ty này. Hồ Phi Thủy chấp nhận “đổi đời ngược” từ chủ thuyền sang làm công. “Do lặn giỏi, có năng suất cao nên tôi được ông chủ Nhật Bản để ý và giao việc nhiều hơn những công nhân khác. Nhờ đó, tôi có điều kiện học hỏi kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai qua các công việc như lặn biển, thăm dò, kiểm soát vùng nuôi cấy và theo dõi xử lý ngọc trai”, Hồ Phi Thủy tâm sự.
 
Con thuyền gắn bó với vua ngọc trai từ thuở hàn vi giờ thành kỷ vật thiêng liêng. ẢNH: QUANG VIÊN
Hệ lụy cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 khiến công ty Nhật không thể chèo chống nổi, tuyên bố phá sản. Tình huống này làm cho Hồ Phi Thủy sốc và hụt hẫng nặng. Nhưng rõ ràng, ngọc trai là nỗi ám ảnh cuộc đời, nhưng cũng là niềm đam mê bất tận của Hồ Phi Thủy. Và anh nghĩ mình sẽ làm gì để kiếm sống đây? Đánh liều một lần nữa, người đàn ông gan lì và giàu khát vọng này dồn hết vốn liếng tích cóp trong những ngày làm thuê cho ông chủ người Nhật, đồng thời vay mượn thêm đủ 300 triệu đồng để mua lại Công ty Ogawa. Anh quyết đổi đời thật sự từ người làm công lên chủ. “Nói thật là nghĩ lại thấy mình cũng liều mạng. Vì số tiền đó quá lớn. Nhiều đêm tôi không ngủ được khi ôm đống đồ nghề và cơ ngơi mới vừa sang nhượng này”, “vua” ngọc bộc bạch. Lạ lùng thay, khi ông chủ của công ty dày dạn kinh nghiệm nuôi cấy ngọc trai của Nhật “bỏ của chạy lấy người”, phá sản giao công ty lại cho anh thợ lặn thì công ty này bắt đầu phất lên. Đặc biệt hơn, ông chủ người Nhật năm xưa lại được doanh nhân Hồ Phi Thủy mời về làm việc cho Công ty ngọc trai Ngọc Hiền của mình.
Công bằng mà nói, ở Phú Quốc bây giờ không chỉ có một trang trại nuôi trai lấy ngọc thành công như Ngọc Hiền. Nhưng cuộc đời của Hồ Phi Thủy, chàng trai nghèo lặn biển thuê để xây nên một “đế chế” ngọc trai cho riêng mình ở Phú Quốc và có cái tâm sáng với chuyện giúp đỡ người nghèo đáng để ngưỡng mộ.
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.