Bí ẩn ngôi mộ cổ trên 2.000 năm ở Đồng Nai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với niên đại trên 2.000 năm và có giá trị về nhiều mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, Mộ cự thạch Hàng Gòn đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, đến nay trải qua gần 100 năm kể từ ngày được phát hiện, Mộ cự thạch Hàng Gòn vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Một di chỉ độc đáo

Theo tài liệu của Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, Mộ cự thạch Hàng Gòn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1927, khi mở đường liên tỉnh lộ 2 (quốc lộ 56 ngày nay), kiến trúc sư người Pháp tên là J.Bouchot đã phát hiện một tảng đá nhô cao bên cạnh gốc cây cổ thụ và ông đã tiến hành khai quật trong vòng 1 tháng (từ ngày 14-4 đến 16-5-1927).

Sau đó, ông J.Bouchot đã công bố kết quả nhiều lần vào năm 1927 và năm 1929, đồng thời mô tả hầm mộ một cách tỉ mỉ: Hầm mộ có kiểu dáng hình hộp, chiều dài 4,2m, chiều ngang 2,7m, chiều cao 1,6m, được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương, mỗi tấm có tỷ trọng 10 tấn, chúng được giữ chặt với nhau nhờ hệ thống rãnh đục ở dưới nắp mộ và tấm đáy với rãnh 10cm, sâu 4-5cm. Nắp mộ được nâng hạ nhờ hệ thống trục ròng rọc bằng những cột đá hoa cương cao 7,5m và đá sa thạch cao 3-4m.

Sau các kết quả công bố của J.Bouchot, Mộ cự thạch Hàng Gòn đã thu hút sự chú ý và quan tâm nghiên cứu của nhiều khoa học nổi tiếng trên thế giới, trong đó có ông Henry Parmentier người Pháp - Chủ sự Sở khảo cổ, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ.

 
Mộ cự thạch Hàng Gòn được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương nặng hàng chục tấn
Mộ cự thạch Hàng Gòn được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương nặng hàng chục tấn



Ông Henry Parmentier đã ba lần viếng thăm Mộ cự thạch Hàng Gòn và đã đưa ra một phác thảo về toàn bộ cấu trúc của ngôi mộ (bản vẽ suy đoán của ông hiện nay đã được Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai thể hiện lại dưới dạng mô hình và đang trưng bày tại nhà bao che hầm mộ của di tích).

Tiếp theo Henry Parmentier, hàng loạt học giả, các nhà nghiên cứu và giới khảo cổ học Việt Nam sau năm 1975 đã tổ chức nhiều đợt điều tra kiểm chứng Mộ cự thạch Hàng Gòn.

Trong đó, đáng chú ý nhất là các đợt điều tra khảo sát phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học - Xã hội TPHCM với Bảo tàng Đồng Nai năm 1991, năm 1996 đã góp phần bổ sung chứng cứ cho việc nghiên cứu, luận giải về di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn.

Sau khi khu phòng mộ được phát lộ, người dân đã dựng ngôi miếu nhỏ kế bên và đặt tên là miếu Ông Đá.

Năm 2011, được sự chấp thuận của Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh Đồng Nai, dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn được triển khai với các hạng mục công trình: Bảo tồn các cấu kiện kiến trúc đá, xây dựng nhà bao che hầm mộ, hàng rào bảo vệ xưởng chế tác, nhà điều hành, nhà trưng bày, nhà bảo vệ, cổng tường rào, nhà vệ sinh, sân đường nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, chống sét, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng toàn khu... tạo nên diện mạo như di tích ngày nay.

Hàng năm vào ngày 13-9 âm lịch, Ban Quý tế miếu Ông Đá phối hợp với các cơ quan chức năng xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh cùng Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, long trọng tổ chức Lễ hội miếu Ông Đá mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện lòng ngưỡng vọng của người dân địa phương với các bậc thần linh.

Lễ hội diễn ra với những hoạt động phong phú và hấp dẫn theo nghi thức và phong tục tập quán của người Việt, thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc sinh sống quanh khu vực.

Hé lộ nền văn minh sông Đồng Nai

Năm 2006, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học - Xã hội TPHCM tổ chức điều tra, đào thám sát trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn nhằm nghiên cứu sâu hơn về mộ cổ Hàng Gòn làm cơ sở lập dự án bảo tồn, tôn tạo.

Đợt đào thám sát năm 2006, trên diện tích rộng gần 400m2, với 58 hố, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều mảnh gốm cổ, các dấu vết than tro, đất cháy trong tầng văn hóa và một số hiện vật quý, có thể nói là độc nhất vô nhị, đó là 2 tù và bằng đồng, 2 thẻ đá, cùng 1 bàn mài.

Sau khi dùng phương pháp carbon C14 phân tích, xác định niên đại 5 mẫu than, cho thấy mẫu có niên đại sớm nhất là 150 năm trước Công nguyên (thế kỷ thứ II trước Công nguyên) và mẫu có niên đại muộn nhất là 240 năm sau Công nguyên (thế kỷ thứ III sau Công nguyên).

Từ kết quả trên, các chuyên gia khảo cổ học đã xác định, xung quanh khu vực Mộ cự thạch Hàng Gòn đã từng là địa bàn cư trú của cộng đồng người cổ, có thể là chủ nhân của Mộ cự thạch Hàng Gòn.
Những vết đất cháy là dấu vết của những bếp lửa, chỗ nung gốm hay là lò luyện kim đồng và bên cạnh cấu trúc Mộ cự thạch Hàng Gòn đồ sộ có lẽ cũng đã tồn tại phong tục mai táng trong chum, trong vò bằng gốm.

Bí ẩn hấp dẫn

Ông Lê Trí Dũng-Giám đốc Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, cho biết gần một thế kỷ từ khi được phát hiện đến nay, Mộ cự thạch Hàng Gòn vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều giới và khách tham quan.

Trong đó, kiến trúc Mộ cự thạch, hình thức tín ngưỡng liên quan của cư dân cổ vẫn còn là một sự bí ẩn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu. Như về hình thức kiến trúc gốc của Mộ cự thạch Hàng Gòn, căn cứ vào số lượng chi tiết đá còn lại, có nhiều ý kiến khác nhau về đồ án khôi phục cấu tạo nhà mồ ban đầu.

Có đồ án phỏng theo nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ nhà đá đến nhà gỗ là cả một quá trình dài, không dễ có sự lặp lại về cấu trúc.

Ngoài ra, các chi tiết đá còn lại chưa đủ để dựng một ngôi nhà như vậy; việc khớp nối các cột đá ổn định trong tư thế dựng đứng là vấn đề không hề đơn giản và hệ thống móng để giữ yên vị trí các cột đá hiện không phát hiện ở di tích thì quả là không dễ tìm ra câu trả lời cuối cùng.

Hay theo các nhà địa chất, 6 tấm đá hoa cương được sử dụng làm mộ chỉ có ở Đà Lạt hoặc ở Phan Rang (ngày nay). Để di chuyển những khối đá lớn nặng hàng chục tấn, đi quãng đường xa trên 100km trong điều kiện không có đường thủy lẫn đường bộ, có thể nói là một kỳ tích của những người xây mộ.


Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết là người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá to nặng như thế. Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thuyết, những bí ẩn trên có lẽ sẽ chờ những khám phá mới của khảo cổ học để có câu trả lời xác đáng nhất.

Tiến Minh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.