Bến sông quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dòng sông Côn cần mẫn, miệt mài chảy từ mạch nguồn núi cao, rừng thẳm xa xôi nào đó uốn mình như dải lụa mềm chảy qua quê tôi tạo nên vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng; ghi dấu kỷ niệm lớp lớp học trò trường huyện với chuyến đò ngang ngày hai buổi qua sông; trầm tích dấu xưa bao thế hệ sĩ tử khắp tỉnh thành về đây thi thố văn tài mà có tên bến Trường Thi.
 

Ảnh minh họa (Internet).
Ảnh: Internet

…Nghe trong tiếng gió xôn xao chạy dài theo bờ cát trắng, lướt thướt qua bờ tre xanh, qua bãi ngô, đồng lúa, mái ngói thâm nâu ẩn mình trong tươi xanh vườn cây trái lời tâm tình, nhịp sống bình yên của người dân quê tôi. Những sớm mai thanh vắng, vọng tiếng khua lốc cốc gõ mạn thuyền đuổi bắt cá từ mấy chiếc thuyền câu nhỏ hình chiếc lá tre bập bềnh, lấp ló trong hơi sương ảo mờ bốc lên từ mặt nước trong xanh lững lờ trôi chậm. Âm thanh khoan nhặt nhẹ nhàng ấy va vào mặt nước, men cánh gió hơi sương vọng vào bờ vừa đủ xôn xao hòa cùng bao thanh âm ngày mới. Ơi con cá, con tôm đêm lần câu, giăng lưới mất ngủ hằn lên đôi mắt thâm quầng người nông dân thêm nghề chài lưới! Tôi nghe từ nếp cánh áo nâu loang ướt trở về mùi mồ hôi nồng nồng lẫn mùi cá tôm tanh đượm làm nên mùi lam lũ nắng sương một đời lao khó.

Bến sông quê, những sớm mai đầy nắng thấp thoáng bóng mẹ, bóng chị ra sông giặt chiếu. Ánh mặt trời dát vàng trên mặt nước vụn vỡ long lanh theo từng vòng sóng nhẹ vỡ ra từ cái quai đập xuống mặt nước. Ôi những chiều hoàng hôn ráng đỏ hồng ngấp ngoải cùng bạn bè vung nước tắm cho trâu bò rồi ung dung lùa về qua bãi bồi cát trắng, chân trần tóc ướt giọt giọt nước long tong chảy dài lên tấm lưng ốm queo cháy nắng… Tất cả còn neo giữ trong giấc mơ vừa gần gũi vừa xa xôi bảng lảng hiện về.

Tôi nhớ như in những sáng vội vàng đến lớp thời học sinh trung học. Sợ lỡ chuyến đò ngang trễ tiết, từ xa, khi hãy còn khuất mấy nóc nhà, vườn cây kề bến sông chúng tôi đã cất tiếng gọi đò và lúp xúp chạy trong nỗi lo lẫn niềm vui, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo. Ba năm dài, ngày hai lượt là bao chuyến đi về, khắc ghi bao kỷ niệm. Cô bạn cùng lớp nhỏ nhắn xinh ngoan có mái tóc thề lòa xòa trong gió, có nụ cười qua làn môi tươi mím khẽ, đôi mắt nhánh đen xoe tròn gửi trao ánh nhìn sau vành nón lá che nghiêng. Dẫu chưa lời ước hẹn, nhưng ánh mắt nụ cười kia như nguồn động viên cho tôi đêm về miệt mài hơn bên trang sách; đọng lại trong tôi xôn xao kỷ niệm mỗi dịp về quê hay dừng chân bên bến sông xa nào đó trên bước đường phiêu bạt.

Bến Trường Thi, trầm tích nơi đây dấu xưa bao lớp sĩ tử, nhân tài đua chen vào chốn khoa trường, tuy không còn dấu tích nhưng đọng lại vẻ đẹp huyền quyến, lung linh hư thực, khơi nguồn cảm hứng cho áng thơ trác tuyệt Bến My Lăng của thi sĩ Yến Lan, mà hình ảnh thơ như toát ra từ cõi vô hình thực hư, có cái bến sông trăng lạnh buốt mà diễm ảo, mãi lung linh trong văn học: Nhưng đêm kia một chàng kỵ mã/Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/Đứng bên bờ gọi đò như hối hả/Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Nối đôi bờ bến sông quê tôi ngày nay đã có chiếc cầu bê tông kiên cố-cầu Trường Thi. Hình ảnh chiếc đò tre nhẫn nại ngày ngày đưa khách sang sông không còn nữa, nhưng tôi tin trong ảo giác xa mù của người qua sông ngày ấy còn ẩn hiện chiếc sào không, con đò cũ neo mình dưới bờ tre xanh xõa bóng. Và trong câu chuyện hàn huyên kể về thời cắp sách lớp học trò còn tươi nguyên tiếng gọi: Đò… ơi!

 Nguyễn Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.