Bên 9 miệng Rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sông Cửu Long (hay Cửu Long Giang) là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam. 9 nhánh sông như 9 con rồng uốn lượn, trước khi 'nhả ngọc' ra Biển Đông. Bao đời nay, các dòng sông bồi đắp đồng bằng nuôi sống hàng triệu người dân, bồi lắng những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử trong công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc…

Kỳ 1: Mạch nguồn cửa Tiểu

Bên cửa Tiểu - nơi nhánh đầu tiên của sông Tiền đổ ra biển Đông - còn dấu tích Chiến lũy Pháo đài, nơi những khẩu thần công của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định hướng ra biển chống giặc ngoại xâm, bảo vệ dân lành. Bao đời nay, người dân nơi đây thờ cúng, tôn kính ông vì tình yêu nước, thương dân vô bờ bến trong buổi đầu chống giặc Pháp…

Sừng sững pháo đài

Theo quốc lộ 50, chúng tôi xuất phát từ TP Mỹ Tho, đi khoảng 20 cây số để đến bến đò Bình Ninh (huyện Chợ Gạo), vượt sông về huyện cù lao Tân Phú Đông. Một nhánh sông Tiền, bắt đầu từ Cù lao Tấu, cách cầu Rạch Miễu khoảng 14km về phía hạ lưu, chảy qua các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang và đổ vào Biển Đông tại cửa Tiểu, thuộc địa bàn xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông).

Nằm bên cửa Tiểu là Chiến lũy Pháo đài do Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định cùng nghĩa quân lập nên, trấn giữ một cửa biển quan trọng của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Dẫn chúng tôi tham quan, ông Võ Duy Mật - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phú Tân giới thiệu, Khu di tích Chiến lũy Pháo đài Trương Định phải qua rất nhiều lần tôn tạo, tu sửa mới được như ngày nay.

Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và đổ ra biển qua 9 cửa. Ảnh: chụp từ google maps

Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và đổ ra biển qua 9 cửa. Ảnh: chụp từ google maps

Ông Mật kể, trước đây, xung quanh Pháo đài là thành đất đắp cao, dày, có 6 cạnh cân đối, với diện tích khoảng 3.000m2. Chính giữa có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng Đông - Nam, Pháo đài có một gò tròn cao 21 mét, đường kính từ 15 - 20 mét - Gò Thổ Sơn - đài quan sát của nghĩa quân. Bao bọc bên ngoài thành lũy là rừng kè, đước, dừa nước, bần để bảo vệ cửa sông và ngăn chặn tàu chiến của địch. Trương Định đã cho quân đổ đá lấp một đoạn theo chiều rộng của sông cửa Tiểu trước Chiến lũy Pháo đài về hướng Tây, cách mặt khẩu súng thần công khoảng 120 - 150 mét gọi là Đập Đá Hàn, để nghĩa quân có thể bắn tiêu diệt tàu địch. Ngày nay, Đập Đá Hàn vẫn còn và được đánh dấu để tàu thuyền ra vào không vướng phải.

Ông Mật bảo, nơi người dân sinh sống được đặt tên là ấp Pháo đài, vẫn truyền tụng lại những sự kiện lịch sử gắn với Trương Định - người được dân chúng suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái. Theo sử sách ghi lại, Trương Định sinh năm 1820, quê ở Quảng Ngãi, sau theo cha vào Gia Định rồi về Gò Công khai hoang, lập đồn điền. Ông là võ quan triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 - 1864. Khi Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh lính của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường; tổ chức lại lực lượng chống Pháp.

Đến năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp. Ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh, xưng là Trung thiên tướng quân, được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến…Đến nay, nhiều nơi thờ cúng ông vẫn còn ghi lại một số câu nói nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông như: Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta hay Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng. Khi ta thiếu tất cả sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta...

Cù lao vươn mình

Lăng cá Ông cạnh cửa Tiểu hiện được xây mới, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển. Ảnh: Nhật Huy

Lăng cá Ông cạnh cửa Tiểu hiện được xây mới, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển. Ảnh: Nhật Huy

Gắn bó ở cù lao từ thời còn cách trở, heo hút, ông Võ Văn Sung (64 tuổi, ngụ xã Phú Tân) phụ trách trông coi khu di tích Chiến lũy Pháo đài đã mấy chục năm. “Đối với tôi, đây không chỉ là công việc, mà còn là niềm tự hào của một người con xứ cù lao, khi được trực tiếp chăm sóc, hương khói cho các bậc tiền nhân có công với quê hương”, ông nói.

Ông Sung từng làm nghề lái đò đưa đón khách qua sông từ bến cửa Tiểu qua bến đò Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông). Ông nói, ngót 20 năm, hầu như ngày nào ông cũng ra thắp hương di tích Pháo đài trước khi đi làm việc để cầu mong may mắn, an lành. Có thời điểm chạy đò, ông bảo, gặp người già yếu, bệnh tật, người phải đi chữa bệnh, ông đều không lấy tiền. “Có những đêm hôm mưa gió mà họ gọi cần đi viện gấp tôi cũng dậy để chở họ đi”, ông Sung nói. Hằng năm, ông Sung cùng bà con nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Trương Định, đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống anh hùng của thế hệ cha ông.

Là một xã ven biển, có nghề truyền thống đánh bắt khai thác thủy sản lâu đời truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân nơi đây còn truyền thống thờ cá Ông (cá Voi). Chỉ cách di tích Chiến lũy Pháo đài vài trăm mét, một lăng thờ cá ông đang được người dân xây dựng. Ông Văn Hường (80 tuổi, ở ấp Pháo Đài, xã Phú Tân - người thờ cúng cho lăng Ông) kể: “Tôi ở đây từ năm 1962, đến nay nơi đây đã thờ 18 cá Ông. Mỗi khi đi biển, nhìn thấy Ông “lụy” (cá Ông chết - PV), người ta đưa thuyền dìu xác cá vào bờ rồi tổ chức lễ chôn cất rất long trọng. Lễ táng được cả làng đứng ra tổ chức, sau 3 năm sẽ được hốt cốt lên, bỏ vào hòm và đưa vào thờ tại Lăng Ông. Mỗi làng biển đều có một lăng thờ cá Ông, xem cá Ông như là một vị thần hộ mạng giữa biển khơi đầy sóng gió”.

Trò chuyện với phóng viên, lãnh đạo xã Phú Tân bảo, do biến đổi khí hậu, hiện, tôm cá ở khu vực cửa Tiểu ngày càng ít đi. Thích nghi với chiều hướng nước mặn tăng lên, người dân chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản, cấy lúa ngắn ngày. Lượng người làm nghề đánh bắt cá thưa dần. Xã đang hướng tới việc phát triển du lịch sinh thái, tận dụng những lợi thế về cảnh quan và di tích lịch sử trên địa bàn. Một vài điểm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng đã manh nha hình thành ven phía biển. Hướng đi này cũng đang được triển khai trên bình diện huyện Tân Phú Đông. Ông Bùi Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, huyện đã thoát khỏi “danh hiệu” huyện nhiều cái không. Trên địa bàn huyện, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

Một trong những điểm nhấn mang tính đột phá là việc tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn nước vượt sông sang huyện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân. Địa phương cũng đã xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường đến trung tâm các xã, xây dựng đường và cầu nông thôn nối liền từ xã đến ấp, liên ấp.

Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Sông Tiền đổ ra Biển Đông qua 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu có 3 cửa đổ ra Biển Đông: Định An, Ba Thắc (Bassac), Trần Đề. Nhánh sông chảy ra cửa Tiểu có tên Cửa Tiểu, dài khoảng 45 km, chảy theo hướng Tây-Đông bắt đầu từ cù lao Tấu (cách cầu Rạch Miễu khoảng 14 km về phía hạ lưu của sông Tiền) chảy qua các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông của Tiền Giang và đổ vào Biển Đông tại cửa Tiểu, huyện Tân Phú Đông.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.