Bên 9 miệng Rồng - Kỳ 7: Trăn trở Định An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 200 năm trước, quan Bố chánh Trần Trung Tiên cho đào kênh dẫn nước sông Hậu từ cửa Định An vào rửa mặn đồng lầy Láng Sắc, được coi như 'con rồng thứ 10' ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tưởng nhớ công lao, người dân đặt tên là kênh Quan Chánh Bố. Ngày nay, kênh Quan Chánh Bố gắn với luồng cửa Định An (sông Hậu), kỳ vọng tạo đột phá phát triển giao thông vận tải thủy ở miền Tây, nhưng còn nhiều khó khăn...
Phà qua kênh Quan Chánh Bố. Ảnh: Cảnh Kỳ

Phà qua kênh Quan Chánh Bố. Ảnh: Cảnh Kỳ

Công đức tiền nhân

Ở giữa lòng thành phố Trà Vinh có một ngôi đình lớn mang tên Long Đức, được xây dựng khoảng thập niên 20 - 30 thế kỷ 19. Hiện tại ngôi đình vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc để du khách đến tham quan, nghiên cứu. Trong đình còn lưu một sắc thần thời Khải Định (1917). Đình thờ chính Thành Hoàng Bổn Cảnh, giai đoạn sau phối tự Trần Trung Tiên, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tứ Đại Thiên Vương, Bạch Mã Thái Giám, Thần Tài Thổ địa, Cậu Tài Cậu Quí, Neak Tà, Anh hùng liệt sĩ.

Ông Trần Trung Dũng (70 tuổi), một cán bộ hưu trí làm nhiệm vụ trông giữ đình Long Đức nhiều năm nay chia sẻ, Trần Trung Tiên (1801-1841) là vị quan thời nhà Nguyễn, người đã cho đào kênh dẫn nước sông Hậu từ phía gần cửa Định An vào rửa mặn đồng lầy Láng Sắc trong những năm 1837 - 1838, biến nơi đây thành cánh đồng nước ngọt duy nhất trên vùng ngập mặn ven biển. Kênh Quan Chánh Bố được ví như “con rồng thứ 10” của Đồng bằng sông Cửu Long. Công lao của Trần Trung Tiên đã được nhà vua ghi nhận và ban sắc thần.

Ngoài gắn với kênh đào Quan Chánh Bố, Trần Trung Tiên được biết đến là người đã cầm quân triều đình chống lại quân nổi dậy do Lâm Sâm cầm đầu. Theo lời ông Dũng, năm 1841, quan Bố chánh Trần Trung Tiên cầm quân tiến đánh toán quân nổi dậy ở Nguyệt Lãng (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh ngày nay). Khi bị truy kích, ông rút về vùng Trà Tử (xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh ngày nay) và tử trận ở đó. Hiện nay vẫn còn Đền thờ Bố chánh Trần Trung Tiên ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần. Ông cũng được phụng thờ trong một số ngôi đình khác ở tỉnh Trà Vinh.

Từ thành phố Trà Vinh đi theo quốc lộ 54 chừng 50km, đến cảng cá Định An, thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi cuối dòng sông Hậu, cũng là điểm đầu của kênh Quan Chánh Bố. Từ đây, kênh Quan Chánh Bố dẫn nước sông Hậu chạy dọc theo ranh giới huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú ở phía Bắc quốc lộ 53, đến ranh giới giữa thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải rồi đổ ra biển ở giữa hai xã Trường Long Hòa và Hiệp Thạnh. Trải mấy trăm năm, nước sông Hậu từ cửa Định An vào rửa mặn đồng lầy Láng Sắc, nuôi sống bao thế hệ người dân.

Mãi sau này, khi cửa Định An dần bị bồi lấp, ảnh hưởng hoạt động vận tải thủy của Đồng bằng sông Cửu Long. Từng “nổ” ra cuộc tranh luận gay gắt giữa nạo vét luồng Định An, mở rộng và khơi luồng kênh Quan Chánh Bố hay nạo vét luồng Trần Đề (Sóc Trăng). Năm 2009, Bộ GTVT triển khai dự án mở luồng mới vào sông Hậu thay cho cửa Định An. Với số tiền hàng triệu đô, dự án mở rộng hơn 19km của kênh Quan Chánh Bố được triển khai, đồng thời, một kênh mới gọi là kênh Tắt dài hơn 8km được đào nối với phần cuối kênh Quan Chánh Bố qua xã Đông Hải ra biển, hoàn thành năm 2016.

Khu neo đậu Cảng cá Định An quá chật chội. Ảnh: Cảnh Kỳ

Khu neo đậu Cảng cá Định An quá chật chội. Ảnh: Cảnh Kỳ

Những trăn trở

Dẫn phóng viên Tiền Phong tham quan một đoạn kênh Quan Chánh Bố, hai cán bộ thị trấn Định An bảo, dự án khơi luồng kênh đã góp phần phát triển vận tải thủy theo luồng sông Hậu, cho tàu trọng tải lớn cập cảng Cần Thơ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, để thông luồng tàu, nhiều năm qua Bộ GTVT phải bố trí thêm chi phí nạo vét định kỳ. Trong khi đó, người dân hai bên kênh không được hưởng lợi, ngược lại bị tác động không nhỏ bởi dự án. Ông Trần Trường Gian, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Định An cho biết, từ khi mở rộng lòng kênh Quan Chánh Bố và đào kênh tắt nối ra biển, có nhiều tàu thuyền lớn chạy qua, gây tình trạng sạt lở phức tạp.

Trong số những cửa sông của Đồng bằng sông Cửu Long, luồng Định An được cho là cửa vào duy nhất của các tàu tải trọng nặng, giúp kết nối, vận chuyển hàng hóa cho toàn bộ khu vực. Cùng với việc “cải tạo” kênh Quan Chánh Bố nối thông với biển, từ vài năm nay, Bộ GTVT đã tiến hành dự án hàng nghìn tỷ đồng cải tạo luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, rồi bố trí vốn kè hàng chục kilomet bờ đê bảo vệ khu vực bờ Nam ngã ba sông Hậu với kênh Đại An và dọc kênh Quan Chánh Bố, triển khai hệ thống neo tại 2 khu tránh tàu trên kênh. Kỳ vọng qua kênh Quan Chánh Bố, những tàu tải trọng lên tới 20 nghìn tấn, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21-22 triệu tấn và hàng container 450.000-500.000 TEU mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay, theo lãnh đạo thị trấn Định An, tàu thuyền qua kênh Quan Chánh Bố vẫn phải chạy tốc độ chậm, hơn nữa, hằng năm kênh đều bị bồi lấp, nên nhiều khả năng, phải nạo vét hằng năm…Cửa biển Định An là một trong ba cửa của sông Hậu đổ ra biển Đông. Đây được xem là cửa lớn nhất đón tàu biển tải trọng lớn vào sâu nội địa miền Tây. Định An là cửa thứ 7 trong 9 cửa của sông Cửu Long.

Cửa biển Định An là một trong ba cửa của sông Hậu đổ ra biển Đông. Đây được xem là cửa lớn nhất đón tàu biển tải trọng lớn vào sâu nội địa miền Tây. Định An là cửa thứ 7 trong 9 cửa của sông Cửu Long.

Đón đầu sự phát triển của dòng vận tải biển qua kênh Quan Chánh Bố, một Khu kinh tế tầm cỡ trải dài ven biển từ huyện Duyên Hải đến huyện Trà Cú được quy hoạch hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng cửa sông Định An, nhưng đến nay, theo lời của người dân khu vực, vẫn đang ở trạng thái chờ. Cảng cá Định An, địa điểm tưởng như tấp nập ngay cạnh cửa Định An, hiện vẫn như một chiếc áo chật chội cần được tân trang, cơi nới.

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Thành - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Trà Vinh (cảng cá Định An) cho biết, quy mô cảng Định An còn nhỏ, khu neo đậu chỉ chứa được hơn 100 tàu. Trong khi phía ngoài luồng cạn do bồi lấp, tàu ra vào phải canh lúc nước lớn, vào phải ra nhanh để tránh mắc cạn, cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư đầy đủ và tương xứng. Ở phía cuối kênh Quan Chánh Bố, cảng cá Láng Chim còn nhỏ hẹp và chật chội hơn.

Nhìn quanh, ông Thành bảo, thấy cơ sở vật chất cảng cá, nhiều khi cũng buồn. Tỉnh Trà Vinh cũng đã đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng, nạo vét, cải tạo cơ sở vật chất cho cảng với số vốn 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thành, dự án này nếu được đầu tư cũng chỉ giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, còn về lâu dài cần đầu tư cảng mới bởi, diện tích cảng hiện hữu không đủ. Là đơn vị thuộc Sở NN&PTNT nhưng Ban Quản lý cảng cá Định An hoạt động tự thu tự chi, với nguồn thu hàng năm chỉ khoảng 1,8-2 tỷ đồng. Theo Giám đốc cảng cá, chỉ đủ trả lương, nuôi sống mấy chục nhân sự trong đơn vị. Ông Thành nói, so với các cảng cá của các tỉnh thành ven biển khác, cảng cá Định An của Trà Vinh “lép vế” nhiều phương diện mặc dù được xem là ở nơi cửa ngõ đường thủy lớn nhất ở miền Tây.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.