Bệ đỡ cho học sinh THPT dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đó là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng (Trường DTNT tỉnh) trong 33 năm qua. Những năm học gần đây, thành tích của nhà trường ngày thêm bền vững, đặc biệt năm học 2019-2020 là một trong 4 trường THPT của tỉnh nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh.

Giờ học tiếng Anh
Giờ học tiếng Anh


Chuẩn từ cơ sở vật chất đến đội ngũ
 

Tôi đến trường lần này, cảm nhận trực quan là ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp, những hạng mục cơ sở vật chất mới, các lối đi có nhiều chậu hoa hồng rực rỡ màu sắc, vườn rau “trải nghiệm” của học sinh (HS) rất xanh tốt… Niềm vui hòa nhập từ lớp tuổi trẻ các dân tộc thiểu số (DTTS) vào giờ giải lao sau tiết học lan tỏa dưới bầu trời nắng ấm, đượm sắc xanh của thông…
 
Tổng diện tích toàn trường gần 62.000 m2, bình quân mỗi HS 123 m2; diện tích sân chơi, bãi tập 20.000 m2, bình quân 40 m2/HS; 15/15 phòng học đều kiên cố, bình quân 1,75 m2/HS. Ngoài ra, còn 5 phòng học bộ môn (288 m2); thư viện (145 m2); phòng giáo dục rèn luyện thể chất (596 m2) và 145 m2 dành cho các hoạt động như phòng truyền thống, hội trường… Đó còn là nhà bếp 408 m2; nhà ăn 648 m2 và khu nội trú với 72 phòng/1.728 m2 phục vụ 480 chỗ, bình quân 3,6 m2/HS. Nhà trường còn dành 500 m2 để dạy và học bộ môn Sinh vật, Địa lý. Phục vụ hoạt động giáo dục còn có nhiều thiết bị điện tử hiện đại như 66 máy tính cho HS, 10 máy chiếu và một số tivi, cassette... Là mô hình trường học nội trú, điều kiện giáo dục và sinh hoạt về nguồn nước hợp vệ sinh, nguồn điện lưới và máy phát riêng đều được chủ động…
 
Những thông tin về cơ sở vật chất trên được trường công khai để ai cũng được biết, từ cán bộ, GV, nhân viên đến HS và phụ huynh. Tôi còn được mục sở thị bảng công khai về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên. Tổng số 57 người, trong đó, 35 GV (10 trình độ thạc sĩ, còn lại đại học; 100% đạt chức danh nghề nghiệp hạng III và đạt chuẩn nghề nghiệp Tốt và Khá). 4 cán bộ quản lý (2 thạc sĩ, 2 đại học; 100% đạt chức danh nghề nghiệp hạng III và chuẩn nghề nghiệp loại Tốt). Năm học 2020-2021 tăng thêm một GV, trong đó có 5 là người dân tộc thiểu số. Tỉ lệ đảng viên toàn trường chiếm 46,5%; trình độ trung cấp chính trị đạt 13,8%. Đội ngũ nhân viên gồm văn thư, kế toán, thủ quỹ và giáo vụ đều có trình độ đại học… Tháng 7/2020, Trường DTNT tỉnh chính thức đạt trường chuẩn quốc gia.     
 
Hạnh phúc và tin yêu từ học sinh
 

Đến các phòng học hay chứng kiến giờ ra chơi, tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc được sống và học tập dưới mái trường này từ những ánh mắt của HS 18 dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Chu Ru, Mạ, Tày, Thái, Nùng, Dao, Mông,… Các em đến từ các huyện Di Linh, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Đam Rông và thành phố Đà Lạt. Năm học 2019-2020, Trường DTNT tỉnh có 437 HS với 15 lớp; gồm 154 lớp 10, 145 lớp 11 và 138 lớp 12. Năm học 2020-2021, trường có 442 HS (153 lớp 10, 149 lớp 11 và 140 lớp 12).
 
Như đã nêu, thành quả năm học 2019-2020 của Trường DTNT tỉnh đạt rất nhiều niềm vui. Chúng tôi chỉ dẫn vài số liệu sau: Kết quả xếp loại HS về học lực: Giỏi 6,9%; Khá 55%; Trung bình 37% và Yếu 1,1%. (So năm học 2018-2019, tỉ lệ HS Khá, Giỏi tăng 5,9%; tỉ lệ HS Yếu giảm 1,2%). Toàn trường có 33 HS đủ điều kiện tham dự kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh các môn Văn, Sử, Địa, Vật lý. Kết quả, 20 HS đoạt giải (9 giải Nhì, 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích). HS còn đoạt một giải Nhì (lớp 11D) và một giải Ba (lớp 12C) Cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho HS phổ thông cấp tỉnh”. Các HS khác còn đoạt giải Nhì toàn đoàn Hội thao Quốc phòng an ninh cấp tỉnh; giải Ba toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và 3 HS lọt vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến”. Về hạnh kiểm, 80,5% loại Tốt; 18,8% loại Khá; 0,7% loại Trung bình, không có HS loại Yếu. Tỉ lệ hạnh kiểm Tốt tăng 10% và Trung bình giảm 0,2% so với năm học 2018-2019. Kết thúc năm học 2019-2020, nhà trường nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, bằng khen giai đoạn 2015-2019; hai cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục-Đào tạo. Niềm vui càng khích lệ nhà trường tiếp tục phấn đấu trong năm học 2020-2021. Kết thúc học kỳ I, HS Khá và Giỏi về học lực tăng 13% và HS yếu giảm 4% so năm 2019-2020. Có 15 HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh, trong đó thêm môn mới Sinh học; có 6 huy chương Vàng, Bạc về thể dục thể thao cấp tỉnh. Điểm mới của năm học này là nhà trường tham gia Cuộc thi “HS, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Lâm Đồng năm 2020 và đoạt giải Khuyến khích. Về hạnh kiểm, Khá và Giỏi đạt 97,9%; tuy nhiên có một HS xếp loại Yếu.
 
Vượt qua đặc điểm giáo dục đặc thù
 
Đạt những thành tích trên dĩ nhiên phải từ môi trường giáo dục. Đó là kết quả của sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ từ Nhà nước và của ngành. Nhưng quyết định thành công phải từ đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên và HS. Rất nhiều bài học kinh nghiệm được Hiệu trưởng Phạm Thị Hồng chia sẻ. Giáo dục dân tộc là lĩnh vực khó đối với ngành, đặc biệt nâng cao chất lượng và duy trì sĩ số. Đối tượng HS vốn hạn chế về tiếng Việt, thường thu mình trước tập thể là những trở ngại trong tiếp nhận tri thức và hoạt động giao tiếp, hình thành và phát triển nhân cách. Trường DTNT tỉnh triển khai thường xuyên và đồng bộ rất nhiều hoạt động của cán bộ, GV và HS. Trong đó, tạo môi trường HS tự đánh giá; kể chuyện nếp sống đẹp; sinh hoạt Đoàn thanh niên với nhiều nội dung phong phú và cuốn hút (trò chơi, văn nghệ, văn hóa bản địa, thể thao…). Cô Hồng nói: “Chúng tôi xác định môi trường giáo dục có tính đặc thù, ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao chất lượng dạy và học. Trên cơ sở này, từ cấp ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn đến các tổ, khối, các bộ phận đều thống nhất và cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ sát với thực tế để hiệu quả không chỉ nâng lên mà còn ổn định và bền vững”. Theo đó, các nhiệm vụ từng bước triển khai: phổ biến văn bản của ngành; xây dựng kế hoạch giảng dạy; thực hiện các phương pháp sư phạm hiệu quả; nắm bắt tâm tư HS; tìm hiểu gia cảnh HS; mở lớp bồi dưỡng HS giỏi trên cơ sở HS tự chọn môn; phụ đạo những HS còn hạn chế về học lực và nâng chất lượng học tập 3 môn chủ lực: Toán, Văn, Anh cho HS toàn trường…
 
Khó khăn chung đối với các trường có HS DTTS là tình trạng HS bỏ học và duy trì sĩ số trên lớp. Nguyên nhân khách quan là một số HS chưa ý thức học tập, HS THPT còn bỏ học để lập gia đình và một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm việc học của con. Dĩ nhiên, Trường DTNT tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế và đã đạt nhiều kết quả. Nhà trường đồng thời đề xuất mở rộng địa bàn tuyển sinh, vừa tăng tính cạnh tranh đầu vào về chất lượng vừa tránh lãng phí nguồn đầu tư của tỉnh cấp cho 155 HS mỗi năm. Đây là kiến nghị phù hợp, tạo điều kiện cho HS các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh được học.

Theo MINH ĐẠO (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.