Bầu cử Mỹ: Chuyện gì xảy ra nếu kết quả gây tranh cãi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong trường hợp kết quả số phiếu bầu phổ thông hoặc đại cử tri gây tranh cãi, nhiều quy định đặc biệt sẽ được sử dụng để phá vỡ bế tắc của bầu cử Mỹ.

Theo truyền thông Mỹ, kết quả bỏ phiếu được các bang công bố vào đêm bầu cử tổng thống (đêm 5-11) hoặc trong những giờ sau đó thường chưa mang tính chính thức, bởi có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để kiểm phiếu, xác nhận và chứng nhận số phiếu bầu.

Tranh cãi về phiếu đại cử tri

Bầu cử Mỹ nếu có kết quả sít sao dễ dẫn đến kiện tụng liên quan đến quy trình bỏ phiếu và kiểm phiếu tại các bang chiến trường.

Trong trường hợp có thắc mắc về kết quả phiếu bầu phổ thông, một số bang sẽ cho kiểm phiếu lại. Những vụ kiện ở từng bang riêng lẻ cuối cùng có thể được đưa lên Tòa án Tối cao.

Bỏ phiếu sớm tại bang Georgia - Mỹ hôm 15-10. Ảnh: Georgia Recorder
Bỏ phiếu sớm tại bang Georgia - Mỹ hôm 15-10. Ảnh: Georgia Recorder

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống Mỹ không được bầu bằng phiếu phổ thông mà bằng phiếu đại cử tri. Các bang phải bổ nhiệm đại cử tri của mình trước khi Đại cử tri đoàn họp để chính thức bỏ phiếu. Năm 2024, Đại cử tri Đoàn dự kiến nhóm họp vào ngày 17-12.

Nếu kết quả kiểm phiếu lại hoặc khiếu nại được giải quyết nhanh chóng trước thời điểm này, mỗi bang có thể bổ nhiệm đại cử tri, trong khi thống đốc chuẩn bị tuyên bố chứng nhận nêu chi tiết số phiếu phổ thông và đại cử tri.

Ngược lại, nếu tranh chấp vẫn chưa có hồi kết trước khi Đại cử tri Đoàn nhóm họp, theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan lập pháp bang có thẩm quyền bổ nhiệm đại cử tri, bất kể tình trạng kết quả phiếu phổ thông. Cơ quan lập pháp bang có thể quyết định kết quả bầu cử (vẫn còn đang tranh cãi) là không hợp lệ và chọn đại cử tri của riêng mình.

Tuy nhiên, tranh cãi có thể vẫn chưa dừng lại tại đây.

Các chuyên gia về luật bầu cử cảnh báo kịch bản thống đốc và các nhà lập pháp có thể bất đồng về kết quả và mỗi bên có thể quyết định bổ nhiệm các nhóm đại cử tri đối lập, ủng hộ các ứng cử viên khác nhau.

Khả năng này càng cao tại các bang chiến trường nào có thống đốc thuộc đảng đối lập với đảng chiếm đa số trong cơ quan lập pháp. Cả hai nhóm có thể họp để bỏ phiếu và Quốc hội sẽ phải phải quyết định chấp nhận lá phiếu của nhóm nào.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến tình huống một số đại cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng viên khác thay vì ứng viên họ đã hứa ủng hộ, hoặc từ chối bỏ phiếu. Những người này được gọi là đại cử tri "bất trung".

Tranh cãi tại quốc hội

Sau khi có kết quả số phiếu đại cử tri, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ họp để kiểm phiếu và tuyên bố người chiến thắng.

Dưới sự chủ trì của phó tổng thống, Quốc hội sẽ kiểm phiếu đại cử tri từ mỗi bang theo thứ tự bảng chữ cái. Ứng viên nào nắm được 270/538 phiếu đại cử tri sẽ giành chiến thắng.

Quốc hội Mỹ dự kiến họp vào ngày 6-1-2025 để xác nhận ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ảnh: USA Today
Quốc hội Mỹ dự kiến họp vào ngày 6-1-2025 để xác nhận ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ảnh: USA Today

Theo sau những rắc rối từ cuộc bầu cử năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cải cách nhằm khiến ứng viên khó thách thức kết quả hơn. Luật này quy định rõ phó tổng thống không có thẩm quyền trì hoãn việc chứng nhận kết quả bầu cử toàn quốc hoặc loại bỏ kết quả bỏ phiếu của một bang.

Luật cũng quy định việc phản đối kết quả phiếu đại cử tri của một bang chỉ có thể được đưa ra nếu được 20% thành viên Hạ viện và Thượng viện đồng tình. Sau đó, việc phản đối này trở nên hợp lệ nếu nhận được hơn 50% phiếu bầu tại mỗi viện Quốc hội.

Trường hợp ứng viên hòa nhau

Nếu kết quả kiểm phiếu cho thấy 2 ứng cử viên hòa nhau hoặc không có ứng cử viên nào đạt được cột mốc 270 phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và Thượng viện chọn phó tổng thống, theo CNN.

Tại Hạ viện, thay vì bỏ phiếu với tư cách cá nhân, mỗi phái đoàn của bang sẽ có một phiếu bầu. Ứng viên nào nhận được 26 phiếu sẽ trở thành tổng thống. Còn tại Thượng viện, mỗi thượng nghị sĩ có một phiếu bầu.

Nếu cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện không bầu ra được tổng thống vào ngày 20-1 (ngày tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức), phó tổng thống do Thượng viện lựa chọn sẽ trở thành tổng thống tạm thời.

Còn cuộc bỏ phiếu bế tắc ở cả Thượng viện vào ngày nói trên, chủ tịch Hạ viện sẽ đảm nhận quyền tổng thống.

Theo Phương Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.