Bát nháo "chợ" thú rừng dịp cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi khắp các "chợ" thú rừng, từ thượng vàng đến hạ cám, các lái buôn đều một mực khẳng định nguồn gốc từ rừng mà ra. Nhưng họ lại không thể đưa được một thứ gì làm bằng chứng, ngoài sự dẻo mồm và một chút kiến thức về đông y. Vào dịp cuối năm, mặt hàng này đang diễn ra nhộn nhịp.
Thú rừng về phố
Bây giờ, mua bán thú rừng không dám hoạt động công khai mà phân hóa lẻ tẻ thành các khu vực nhỏ mọc ven đường hoặc ẩn mình trong các con hẻm nhỏ vùng ven thành phố. Ngoài ra, còn có nguồn tiêu thụ khá lớn qua đường mạng xã hội. Các đầu nậu chào hàng cũng hết sức khôn khéo, tránh trưng bày hàng thật máu me, nanh vuốt và cũng tránh nói tên thật của các mãnh thú quý giá.
 
Cá thể rùa bán công khai trên đường tại TP Hồ Chí Minh.
Ví dụ như móng hổ thì mật hóa thành "chân chúa", tay gấu lại thành "sữa mẹ"... Các mật danh này chỉ có dân trong nghề mới hiểu và tương tác được với nhau. Mặt hàng đắt đỏ này khách dùng cũng thuộc loại "Vip", hình thức mua bán cực kỳ tinh vi "tiền trao cháo múc".
Hiện nay, thợ săn ở Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk đang nhộn nhịp vào mùa "hái" ra tiền. Săn được một chú chồn họ cũng chuyển về thành phố tiêu thụ vì giá ở đây cao gấp nhiều lần trên núi. Thảng "chồn cáo" (45 tuổi) từng là thợ săn lão luyện ở khu vực rừng Cát Tiên (địa phận giáp Lâm Đồng - Đồng Nai - Đắk Nông). Sau khi giải nghệ, Thảng làm đầu nậu chuyên cung cấp của ngon vật lạ từ rừng cho giới sành ăn ở TP. Hồ Chí Minh.
Biệt danh Thảng "chồn cáo" phần nào khẳng định thương hiệu của đầu nậu này. Hàng của Thảng chủ yếu là chồn, cáo, bìm bịp, trăn, rắn...tất cả được giới thiệu có nguồn gốc từ rừng. Thảng cho biết, để cung ứng đủ đơn hàng vào dịp tết cho thượng khách, Thảng phải găm hàng từ 3 tháng trước. Hàng loại 1, tức động vật còn sống, Thảng ưu tiên cho khách đại gia. Hàng què quặt, thui chột, bủng beo sẽ chuyển cho nhà hàng, quán nhậu.
Con nào chết, Thảng cho lính chế biến để đông lạnh bán vãng lai. Vì gắn mác của rừng nên lúc nào cũng được ưa chuộng. Nhu cầu cao, số lượng phải nhiều nhưng thú rừng không phải dễ săn bắt vì luật cấm. Chúng tôi hỏi, Thảng cười tự tin: "Đúng là bây giờ rất khó săn bắt thú rừng nhưng chúng tôi vẫn có nguồn cung đảm bảo. Chỉ có hươu, nai là khó chút thôi chứ cáo, chồn, trăn, rắn vẫn còn nhiều. Năm sau khan hiếm thì giá sẽ cao. Ăn miếng của rừng, thì phải hiểu giá trị của nó".     
Những ngày cuối năm, tại con đường, giao lộ lớn ở TP. Hồ Chí Minh như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập, Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội... xuất hiện nhiều nhóm người bán cá thể rùa quý hiếm công khai ngay trên đường. Mỗi người chỉ trưng một chú rùa duy nhất nhưng khách muốn bao nhiêu cũng có.
Tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập (Q.7), một người phụ nữ trùm khăn kín đến tận... răng ngồi phơi nắng bày bán một chú rùa mà theo quảng cáo của chị ta, chú rùa có tuổi đời khoảng 70 năm được mang từ Campuchia về. Người bán hàng chào giá 5 triệu đồng và khẳng định chắc nịch là rùa rừng và công dụng thì miễn chê.
Chị này nói sơ qua vài công dụng đánh trúng tâm lý của người mua. Nào là, các bộ phận của rùa đều bổ thận, tư âm dưỡng huyết, lưu thông khí huyết, mạnh gân cốt cơ nhục, trừ chứng nhiệt chưng. Mật rùa ngâm rượu có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống ung thư...
Mặt hàng này dịp Tết rất được ưa chuộng, làm quà biếu thì không gì sánh bằng. Nghe quá thuyết phục, một người đàn ông đang dừng đèn đỏ liền tấp ngay xe lên vỉa hè mua liền chú rùa mà không cần trả giá.
Vừa bán xong, chị ta quay sang chúng tôi: "Trong kia chị còn vài con như vậy nữa, cưng mua thì chị vô lấy". Nói rồi, người phụ nữ ngoắc tay một cái, từ trong quán cà phê gần đó một anh chàng tất tả xách giỏ rùa ra. Trong giỏ còn 3 con rùa tầm 2-3kg, được quảng cáo y chang con đã bán. Thấy chúng tôi phân vân, người bán giải thích: "Đợt này chỉ có 5 con thôi nhưng không dám bày bán nhiều, sợ mấy ổng hốt".
Nhận thức rõ quy định của pháp luật nên cánh lái buôn có nhiều cách để lách nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Theo đó, mỗi nhóm có khoảng 3 người, một người ngồi bán, một cảnh giới và một trông giữ. Bán hết một con, nhóm sẽ di chuyển ra đoạn đường khác và lại bày binh bố trận mới. Theo tiết lộ của một đầu nậu, mỗi ngày nhóm tiêu thụ hết từ 7 đến 10 chú rùa rừng, thu về 35 đến 50 triệu đồng.
 
Một con cầy hương còn sống.
Bát nháo "đặc sản"
Nhu cầu hưởng thụ của ngon vật lạ dịp cuối năm đang lên cao nên thị trường thú rừng cũng diễn ra rầm rộ. Một "đàn anh" mách nước, chúng tôi lần tìm được đầu mối chuyên cung cấp sơn dương chính hãng cho các đại gia trong và ngoài nước. Người này xưng là Út "mập", cứ thế mà gọi không cần biết tên thật. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng lân la dò hỏi nhưng tên thật và chỗ ở của Út "mập" vẫn thuộc diện tuyệt mật.
Nếu chúng tôi mua, Út "mập" chỉ bán tối đa 2kg sơn dương với giá 2 triệu đồng/kg. Út cho biết, đây là hàng thượng hạng nên rất khan hiếm, nhiều khi có tiền cũng không được ăn. Theo giới thiệu của Út "mập" thì sơn dương của anh ta là loại sống trên núi đá cao từ 800 đến 1000m ở khu vực phía Bắc. Ở đó, anh ta có vài thợ săn thiện xạ người dân tộc Mường, Thái chuyên đi lùng sơn dương cung cấp cho Út.
Người Mường gọi sơn dương là nai đá, người Thái thì gọi là tu dương. Họ săn bắt được con nào là gọi ngay cho Út "mập", vì quá đắt đỏ mà họ không dám ăn một miếng thịt nào. Giá nai đá thợ săn bán cho Út "mập" chỉ bằng giá một cái đùi Út bán lại cho khách.
Út "mập" chỉ mua nguyên con còn sống sau đó có hẳn một đội thợ lành nghề mổ xẻ, phân loại từng món của sơn dương rất bài bản và chuyên nghiệp. Sừng và tiết của sơn dương là quý và đắt nhất vì nó bổ. Hai loại này lúc nào cũng có khách "vip" chờ sẵn, bao nhiêu cũng mua, tiền không quan trọng. Út "mập" nói, rượu tiết sơn dương chữa phong hàn và một số bệnh trong nội tạng. Tốt nhất vẫn là sơn dương còn sống mang về chọc lấy tiết đổ ra bát uống luôn.
Đây là phương thuốc giúp quý ông "gần đất xa trời" lấy lại sinh khí, "chuyện phòng the" được cải thiện và đặc biệt là khả năng sinh sản rất cao. Út kể, năm ngoái có cụ ông ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngấp nghé 80 tuổi nhưng uống rượu sơn dương của Út cung cấp thì cô vợ trẻ bất ngờ có tin vui, sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Câu chuyện của Út nói cần phải kiểm chứng, không biết quý ông dùng hàng của Út có tin hay không, riêng chúng tôi thì không tin.
Tuy nhiên, Út "mập" luôn có cách lấy lòng và làm người khác phải tin mình bằng việc trưng ra những tấm ảnh chụp cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực. Với đối tượng "vip", Út biết cách giao thiệp nên hàng anh ta bán dù đắt đỏ họ vẫn vui vẻ mua.
Tỏ ra quan trọng và có ý nâng tầm sản phẩm của mình lên tận trên trời nên Út thẳng thắn nói: "Số lượng sơn dương ngày càng suy giảm do săn bắn và bẫy bắt thường xuyên, môi trường sống bị thu hẹp và chia cắt. Loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thuộc diện quý hiếm nguy cấp rồi đấy".  
Thịt rừng được coi là đặc sản chỉ vì đúng một chữ "rừng". Người ta tin rằng những con thú sống trong hoang dã, tự tìm thức ăn, vận động nhiều, biết cách tìm những loại lá, rễ cây trong rừng để ăn thì vừa ngon hơn, vừa có tác dụng như thuốc bổ mà không có tác dụng phụ như thuốc tây. Niềm tin này lại được đám "đầu nậu" thịt rừng, đám buôn lông, da, móng, vảy thổi phồng lên thành những vị thuốc tiên, có thể chữa bách bệnh.
 
Những thùng thịt rừng được đóng đông lạnh chờ ngày giao cho khách.
Đi khắp các "chợ" thú rừng, từ thượng vàng đến hạ cám, các lái buôn đều một mực khẳng định nguồn gốc từ rừng mà ra. Nhưng họ lại không thể đưa được một thứ gì làm bằng chứng, ngoài sự dẻo mồm và một chút kiến thức về đông y. Vì vậy, các loại thú rừng dù còn "nguyên tem" vẫn không thể xác định được nguồn gốc. Chúng được dân buôn thu gom, vận chuyển từ rất nhiều nguồn. Thịt rừng đi từ miền núi xuống đồng bằng, từ quê nghèo ra thành phố.
Tất cả gặp nhau trong tủ đá, ở chung với các loại hóa chất chống thối rữa vài ngày, thậm chí hàng tuần trước khi được chế biến và đưa lên bàn ăn thì giá trị thịt rừng, thịt nuôi đều giống nhau cả. Nếu tránh được các độc tố tồn dư, người ăn chắc sẽ không tránh nổi các loại chất độc hóa học đã ngấm vào từng miếng thịt rừng được ướp đủ thứ gia vị để giấu đi mùi thật.
Nhiều nghiên cứu trong những năm qua đã chỉ ra việc ăn thịt thú rừng hoang dã ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nhiễm các loại bệnh lạ. Chưa kể, tiêu thụ loại động vật quý hiếm có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt trước pháp luật.
Ngọc Thiện (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.