(GLO)- Nắng nóng kéo dài, lượng nước ngầm tại các sông, suối và giếng trên địa bàn tỉnh giảm mạnh không chỉ gây thiệt hại cho các loại cây trồng mà còn ảnh hưởng lớn đến gia súc, gia cầm.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ môi trường, chuồng nuôi tăng cao và thay đổi đột ngột là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi. Vật nuôi giảm ăn, uống nhiều nước, sức đề kháng giảm và dễ mắc bệnh. Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang phát triển ổn định, được người chăn nuôi duy trì và bảo vệ khá tốt, song do nắng hạn làm đồng cỏ tự nhiên giảm, lượng thức ăn cung cấp cho gia súc cũng giảm theo nên nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống cho đàn gia súc là rất lớn. Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) nói: “Mùa nắng, gia súc dễ mắc bệnh nhất do thiếu thức ăn và nước uống làm cho sức đề kháng giảm đi nhiều. Thức ăn xanh không có nên gia đình phải mua bột mì, cám, bắp xay để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn bò cầm cự qua mùa nắng”. Còn ông Đinh Minh (cùng xã) có cách bảo vệ đàn gia súc riêng, ngoài việc bổ sung thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho đàn bò, ông Minh còn trồng dây leo lên mái chuồng để hạn chế oi nóng cho đàn gia súc; chăn thả bò vào lúc sáng sớm và chiều mát.
Ảnh: Quang Vũ |
Với những hộ chăn nuôi là người dân tộc thiểu số, việc kiếm nguồn thức ăn cho đàn trâu bò càng khó khăn hơn do bà con không có điều kiện để mua cám gạo hay bột mì, bắp về cho bò uống thay rơm, cỏ. Một tập quán chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số là khi thu hoạch lúa không lấy rơm rạ để bảo quản nên khi hạn hán kéo dài không có thức ăn dự trữ cho trâu bò. Chị Đinh H’Lanh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) nói: “Hàng ngày, mình phải lùa đàn bò đi xa để tìm thức ăn và nguồn nước uống, cầm cự được ngày nào hay ngày đó chứ không có tiền mua thức ăn. Do không có tiền mua thức ăn giàu chất dinh dưỡng nên đàn bò nhà mình gầy lắm nhưng biết làm sao được”.
Trong những ngày nắng nóng kéo dài, nhu cầu nước uống của vật nuôi càng tăng cao. Thông thường, nước là yếu tố cần thiết giúp vật nuôi tăng cường quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ cơ thể. Trước tình hình nắng hạn như hiện nay, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm một cách tốt nhất, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có công văn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn gia súc trong mùa nắng nóng. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tích nước phục vụ chăn nuôi gia súc; tận dụng mọi nguồn nước có thể dùng làm nước uống cho đàn gia súc; trồng các giống cỏ có khả năng chống chịu hạn cao để làm thức ăn cho gia súc; tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau, cỏ tươi, đạm… Đặc biệt, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm…
Đối với người chăn nuôi cần chủ động quy trình phòng-chống dịch bệnh phù hợp. Trong đó, tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn trâu, bò theo quy trình. Khi thời tiết nắng nóng nên hạn chế thả gia súc ra đồng. Ngoài ra, cần chủ động tìm nguồn thức ăn, nước uống bổ sung cho đàn gia súc một cách đầy đủ. Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gia súc để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm phát sinh gây thành dịch bệnh, chăn thả gia súc phù hợp với điều kiện thời tiết… Tăng cường thức ăn xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin, bổ sung chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên theo dõi phát hiện sớm các gia súc ốm, bị bệnh để cách ly, báo thú y đến điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan.
Anh Khoa