Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các nhà nghiên cứu đang xây dựng những luận cứ khoa học để xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian Văn hóa Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.
Hố khai quật tại khu di tích Óc Eo-Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Hố khai quật tại khu di tích Óc Eo-Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Tại tỉnh An Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa: Khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị.”
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích và di vật đã được khai quật, xác định vị trí của nền văn hóa Óc Eo trong tiến trình lịch sử của dân tộc và trong bối cảnh khu vực lúc bấy giờ, nhằm xây dựng những luận cứ khoa học để xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian Văn hóa Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới trong thời gian tới; đồng thời, làm cơ sở cho các đơn vị liên quan đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa trong giai đoạn tiếp theo.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo-Chủ nhiệm Đề án Di tích óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa, cho biết đến nay có thể nói một diện tích đủ lớn của nền văn hóa Óc Eo đã được khai quật, các di tích và di vật được xuất lộ bước đầu làm lộ diện một nền văn hóa khảo cổ đã từng tồn tại cách đây khoảng 2.000 năm trên mảnh đất Tây Nam Bộ.
Độ rộng không gian mà nền văn hóa này lan tỏa, cùng với chiều sâu thời gian lịch sử mà nền văn hóa này tồn tại, cũng như sự phong phú và độc đáo của các giá trị văn hóa của các di tích và di vật của nền Văn hóa Óc Eo cho phép chúng ta tự hào về sự quyết liệt của ý chí, sức sáng tạo của khối óc cũng như sự khéo léo của bàn tay, sự tinh tế về tâm hồn của bao thế hệ ông cha ta gửi gắm nơi đây.
"Căn cứ vào các kết quả khai quật và nghiên cứu được thực hiện trong thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, trong địa bàn rộng lớn mà nền văn hóa Óc Eo lan tỏa, hai vị trí được xác định có vị trí hết sức quan trọng, đó là khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang) là một đô thị hoặc cảng thị, một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của văn hóa Óc Eo-Phù Nam và khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) được xem như một “tiền cảng” quan trọng, là nơi xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa cho đô thị cổ Óc Eo và các thị tứ thời bấy giờ trong vùng tứ giác Long Xuyên," giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn cho biết.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ-Phó Chủ nhiệm Đề án Di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa, Óc Eo là tên một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ đầu Công nguyên ở vùng đất Tây Nam Bộ của Việt Nam (văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển khoảng từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên).
Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mekong; đồng thời, nó còn có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ.
Văn hóa Óc Eo phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang (Óc Eo-Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am...) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau).
Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh.
Những nghiên cứu đầu tiên về văn hóa Óc Eo có lịch sử lâu dài, từ những năm 1940 do các nhà nghiên cứu người Pháp, đặc biệt là Louis Malleret; những kết quả nghiên cứu được Louis Malleret công bố trong bốn tập sách “Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long” (1959 -1963), giới khoa học trên thế giới đã bắt đầu có những quan tâm và xem đây là những tư liệu chứng minh cho việc hình thành một quốc gia sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á-Vương quốc Phù Nam.
Sau năm 1975 và nhiều thập niên tiếp theo sau đó, Khảo cổ học Việt Nam cũng đã có nhiều chương trình nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và thu thập nhiều tư liệu khoa học rất quý, góp phần bổ sung thêm vào khối tư liệu về di tích và di vật đã có từ thời Pháp trước đó; tính phong phú, đa dạng và giá trị của những tư liệu giai đoạn này có thể nói vượt trội hơn hẳn so với các phát hiện về tư liệu và nghiên cứu mà Louis Malleret từng tiến hành ở Óc Eo.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguồn gốc xuất xứ của văn hóa Óc Eo bắt nguồn từ trong văn hóa Đồng Nai; mối liên hệ tiếp nối văn hóa Đồng Nai-Óc Eo được minh chứng bởi sự hiện diện ở văn hóa Óc Eo hàng loạt loại hình hiện vật đã có mặt trong văn hóa Đồng Nai, đó là các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng gốm, dụng cụ thủ công (bàn xoa, bàn dập, bàn mài…); đồ đồng, đồ sắt (lục lạc, mũi dùi, rìu); đồ trang sức (hạt chuỗi thủy tinh, mã não); nhà sàn trên cọc gỗ…
Bên cạnh đó, trong tiến trình phát triển, văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, hoa văn chạm chìm, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, hoa văn trang trí, hình chạm chìm, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã, hình tượng vua Ba Tư…); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ)... nhưng vẫn giữ được những nét riêng, mang tính bản địa, điều này được thể hiện qua số lượng đồ gốm, qua nồi nấu kim loại, khuôn đúc và các công cụ chế tác đã khai quật được.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Óc Eo là một di tích rất lớn, một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hiện nay, diện mạo khu di tích Óc Eo-Ba Thê cũng như nhiều khu di tích khảo cổ học khác đã thay đổi khá nhiều.
Các khu di tích này nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, hàng năm chịu tác động của mùa nước nổi và ngày càng khốc liệt, hơn một nghìn năm qua đã làm các khu di tích ngày càng hoang phế, do đó, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu đề xuất cần phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo-một di sản văn hóa-lịch sử quan trọng của Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, khẳng định việc phối hợp để tăng cường nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn thật tốt di tích, đồng thời hướng tới xây dựng hồ sơ văn hóa Óc Eo trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới cho Óc Eo-Ba Thê là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh An Giang hiện nay.
 Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, thời gian qua, tỉnh An Giang đã tăng cường các nguồn lực đầu tư và cùng với các cơ quan khoa học, tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo.
Nhận thức đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chỉ thị về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tỉnh An Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho khu di tích văn hóa Óc Eo như kết cấu hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông nối liền các di tích, đồ án quy hoạch văn hóa Óc Eo; phối hợp với các cơ quan khoa học trong nước, quốc tế tổ chức nhiều cuộc khai quật, thám sát di tích và hội thảo, tọa đàm, viết và phát hành hàng chục đầu sách, ấn phẩm các loại có liên quan về văn hóa Óc Eo...
Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức và sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị của nền văn hóa Óc Eo bởi họ cũng chính là những chủ nhân thực sự của di sản này.
Đã có 5.000 hiện vật văn hóa Óc Eo các loại được người dân trong, ngoài tỉnh An Giang tự nguyện hiến tặng.
Công Mạo (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.