Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Do nằm ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua di tích Hải Vân Quan dường như bị lãng quên.


Mới đây, Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia tại quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14-4-2017. Việc công nhận danh hiệu cho di tích này và đưa di tích Hải Vân Quan vào hệ thống quản lý, bảo vệ theo quy định của Nhà nước hiện nay là cần thiết.
 

Hình ảnh Hải Vân Quan dưới thời Nguyễn.
Hình ảnh Hải Vân Quan dưới thời Nguyễn.

Lý giải vấn đề vì sao một thời gian dài vừa qua, di tích Hải Vân Quan xuống cấp nghiêm trọng, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cơ bản do di tích này nằm giữa địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, nên suốt nhiều năm liền Hải Vân Quan bị kẹt giữa vấn đề quản lý, bảo vệ và dần trở thành phế tích trong sự xót xa của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vượt qua mọi rào cản, vào cuối năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã liên kết với nhau để cứu di tích này. Bước đầu, ngành văn hóa hai tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ để tiến hành thực hiện các bước trùng tu di tích Hải Vân Quan. Hơn nữa, hai địa phương cùng thống nhất cùng làm chung bộ hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lich xếp hạng Di tích Quốc gia, trong thời gian gian tới; đồng thời tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để tiến hành trùng tu và khai thác có hiệu quả cụm di tích này.

Chính sự liên kết chặt chẽ giữa hai địa phương đã giải quyết vấn đề được xem là khá nan giải về địa giới làm ảnh hưởng đến công tác trùng tu di tích Hải Vân Quan lâu nay. Trước mắt, di tích Hải Vân Quan cần có sự phối hợp giữa các ban ngành hữu quan của cả hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng từng bước tổ chức khảo sát, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, đồng thời có kế hoạch tôn tạo cảnh quan khu vực này.

Với kinh nghiệm của mình trong bảo tồn di tích, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Hải Vân Quan là một di tích kiến trúc quân sự độc đáo có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, quân sự, kiến trúc và cảnh quan trong hệ thống di tích triều Nguyễn.

 

Hình ảnh Hải Vân Quan trên Dụ Đỉnh - Đại Nội Huế.
Hình ảnh Hải Vân Quan trên Dụ Đỉnh - Đại Nội Huế.

Hải Vân Quan là một công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Nguyễn, là chứng tích quan trọng thể hiện hoạt động quân sự và quốc phòng của triều đình Nguyễn vào thế kỷ XIX, đặc biệt trong công tác phòng thủ ở Kinh đô Huế, vì vậy bên công nhận di tích quốc gia, cần có một cơ quan quản lý văn hóa chuyên trách để nghiên cứu, bảo tồn di tích này.

Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, nên chia việc bảo tồn thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tiến hành khai quật khảo cổ, xác định các công trình nguyên gốc của di tích, trong đó bao gồm cả công tác khảo sát, đo đạc xác định hiện trạng của di tích (cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan).

Sau khi có kết quả, tổ chức xin ý kiến để tiến hành triệt giải, loại bỏ các bộ phận không liên quan đến hiện trạng gốc của di tích như các vọng gác bên trên hai cổng, các lô cốt xung quanh, các công trình xây dựng mới…; đồng thời tiến hành loại bỏ các công trình, các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan và tầm nhìn của di tích.

Giai đoạn II, tiến hành phục hồi 2 cửa vòm, cũng như khảo sát và có kế hoạch bảo quản một số đoạn thành; làm lại hệ thống bậc cấp từ dưới chân đèo lên cửa ải Hải Vân và hệ thống lối đi trong khu di tích. Cuối cùng là tôn tạo cảnh quan, di chuyển các công trình không phù hợp, tác động đến cảnh quan của di tích; trồng thêm các loại cây phù hợp với khu vực rừng đặc chủng tạo thêm màu xanh cho di tích, góp phần làm tăng thêm giá trị cho địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của di tích độc đáo này.

Việc bảo tồn và trùng tu di tích Hải Vân Quan phải đảm bảo tính chân xác. Bởi vậy, việc bảo tồn được đặt ra ở đây là bảo quản và phục hồi một số công trình kiến trúc ở Hải Vân Quan vào thời điểm vàng son của nó. Công việc trùng tu, phục hồi phải được triển khai có lựa chọn đối tượng công trình ở mức độ cho phép, biểu hiện ở tính khả thi về khoa học kỹ thuật cũng như kinh phí đầu tư.

Sau khi trùng tu và phục hồi một số công trình ở đây, di tích Hải Vân Quan sẽ được sử dụng trong mục đích hoạt động du lịch. Vì vậy cần xây dựng tốt hạ tầng du lịch phục vụ du khách như bảng biển giới thiệu di tích, hệ thống nhà vệ sinh, nhà hàng quán ăn phục vụ du khách, hệ thống cửa hàng lưu niệm, bãi đỗ xe…

Ngoài ra có thể xây dựng bảng giới thiệu một số địa điểm về Đà Nẵng cùng ống kính viễn vọng phục vụ du khách nhắm nhìn thành phố Đà Nẵng; bảng giới thiệu về đèo Hải Vân, những điểm dừng chân lý thú phục vụ du khách khi trải nghiệm con đường độc đáo này.

Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Hải Vân Quan là một di tích đặc biệt trong hệ thống di tích triều Nguyễn. Từ trấn Bình Đài (Kinh thành Huế) xuống Trấn Hải Thành (Thuận An) đến Hải Vân Quan là cả một cụm di tích lịch sử phản ánh trình độ kiến trúc quân sự của một triều đại, tạo nên sự đa dạng cho quần thể di tích cung đình Huế. Ngoài những giá trị về mặt lịch sử và quân sự, Hải Vân Quan còn được biết đến là một danh thắng nổi tiếng.

Được xây dựng trên núi Hải Vân, ở độ cao 490m, Hải Vân Quan được xem là "quan ải hoành tráng nhất dưới bầu trời". Hải Vân Quan được các nhà quân sự đánh giá là một vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự hiện diện của Hải Vân Quan dưới triều Nguyễn đã phản ánh phần nào tinh thần giữ nước của người xưa, một giá trị truyền thống Việt Nam.

Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 189 năm lịch sử (1826 - 2015) với nhiều biến động. Đặc biệt di tích này đã bị chiếm dụng bởi thực dân và đế quốc và chịu sự tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ nên diện mạo thay đổi rất nhiều. Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm một cách đúng mức trong một thời gian dài.

Đây là một điểm nhìn tuyệt đẹp về vịnh và thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm và những cung đường quanh co, khúc khuỷu của đèo Hải Vân. Di tích này là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước trong nhiều thập niên qua. Hiện nay di tích bị hoang tàn và xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó một lượng lớn du khách trong và ngoài nước vẫn đến đây tham quan hàng ngày.

Di tích Hải Vân Quan được công nhận là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh là cơ sở quan trọng để thực thi công tác khoanh vùng bảo vệ di tích. Đây là công tác vô cùng cấp thiết nhằm mục đích bảo vệ các công trình đang hiện diện và những dấu tích vẫn còn được lưu giữ trong lòng đất của di tích này; ngăn chặn những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến các công trình và cảnh quan của di tích, nhằm bảo vệ những giá trị tiêu biểu và có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Bằng việc làm thiết thực, mới đây, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, xếp hạng Hải Vân Quan là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

 

Hiện trạng Hải Vân Quan.
Hiện trạng Hải Vân Quan.

Việc bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích Hải Vân Quan là một điều hết sức cần thiết nhằm cứu vãn một di tích quân sự hiếm có của thế kỷ XIX còn lại khỏi tình trạng hoang phế, trả lại phần nào dáng dấp để chuyển giao cho thế hệ mai sau. Hơn nữa Hải Vân Quan còn là một thắng cảnh của đất nước nên càng cần được trùng tu, tôn tạo.

Nếu các công trình ở Hải Vân Quan được đầu tư phục hồi, tu bổ, trả lại giá trị vốn có của nó thì điều ấy không những có ý nghĩa là giữ gìn một cách trọn vẹn một di sản văn hóa dân tộc, mà còn đem lại những lợi ích đáng kể trong sự nghiệp phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.

Đến với Hải Vân Quan, du khách không những sẽ được biết đến một pháo đài quân sự vốn tồn tại cách đây gần 200 năm lịch sử; biết đến những vấn đề về bảo vệ an ninh quốc phòng của một triều đại, mà còn có dịp được thưởng thức những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Phần lớn mỗi du khách khi đến với vùng đất Huế và Đà Nẵng đều mong muốn được đặt chân đến cửa ải hiểm hiểm trở này.

Đây chắc chắn sẽ là một điểm du lịch lý tưởng cho du khách thập phương, một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn vịnh và thành phố Đà Nẵng, đồng thời là điểm khởi đầu để bắt đầu một trải nghiệm trên "con đường trong mây" để đến với thành phố Huế - thành phố di sản.

Hải Vân Quan - nếu sớm được bảo tồn sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn trong tour du lịch nhân văn cùng với các di tích thuộc triều Nguyễn để lại trên Kinh đô Huế. Đồng thời di tích này là một điểm dừng chân thú vị khi đến với thành phố Đà Nẵng hiện đại và năng động...

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.