Bão số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và khả năng mạnh thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.

 Sơ đồ đường đi của cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Sơ đồ đường đi của cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão số 14 ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 150 km về phía Tây Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Dự báo từ 19 giờ ngày 20/12 đến 19 giờ ngày 21/12, bão  số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão lúc 19 giờ ngày 21/12 ở khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 110 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 19 giờ ngày 20/12 đến 19 giờ ngày 21/12 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Từ 19 giờ ngày 21/12 đến 19 giờ ngày 22/12, bão số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Vị trí tâm bão lúc 19 giờ ngày 22/12, ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 230 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Ngày 20/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương, cơ quan có liên quan công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh để bàn về giải pháp ứng phó với bão số 14.

Thông tin tại cuộc họp, lực lượng chức năng đã có thông báo kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão. Hiện toàn tỉnh có 1.187 tàu đã được neo đậu; 1.458 tàu đang hoạt động ngoài khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó bão số 14, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 41 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, các ngành, địa phương liên tục cập nhật theo dõi diễn biến của bão.

 

Quang cảnh cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng chống bão số 14 của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng chống bão số 14 của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)


Ông Trần Ngọc Tam cũng đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án để ứng phó với bão có hiệu quả cao nhất; thông báo, kêu gọi tàu, thuyền rời khỏi khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để có phương án tránh, trú an toàn; theo dõi, kiểm đếm chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và không cho ra khơi trong thời điểm này.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động của bến phà, đò (kể cả đò du lịch), đảm bảo điều kiện an toàn khi hoạt động; sẵn sàng các tình huống phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân; tham mưu kịp thời đảm bảo an toàn tuyệt đối với cho học sinh, sinh viên trong tỉnh...

Chủ tich Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản nếu bão vào địa bàn; kiểm tra các điểm tránh trú bão, các tuyến đê, công trình để có biện pháp xử lý kịp thời trong tình huống thời tiết mưa giông, triều cường có thể làm sạt lở.

Cơ quan báo, đài trong tỉnh thường xuyên cập nhật, thông báo liên tục diễn biến bão để người dân nắm và phòng tránh tốt nhất; các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ ở các cấp sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa phương, ngành để triển khai thực hiện công tác phòng, chống bão hiệu quả nhất.

Tiền Giang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 14

Ngày 20/12, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết để chủ động ứng phó với bão số 14, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh; Ban Chi huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chủ động phòng, chống bão số 14.

Cụ thể, đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến của bão, thông tin, thông báo kịp thời cho người dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, đồng thời duy trì liên lạc để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến, trên đảo, khu vực cửa sông đảm bảo an toàn.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chi đạo Đài Truyền hình và Truyền thanh cấp huyện, Đài Truyền thanh xã tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, các xã ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 14 qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), đến 15 giờ ngày 20/12/2020, Tiền Giang đã có 358 tàu thuyền (với 1724 người) đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn; 1.101 tàu thuyền (với 8.595 người) đang hoạt động trên biển đã liên lạc được.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã liên lạc với các chủ phương tiện có tàu cá đang hoạt động trên biển để thông báo vị trí, hướng có khả năng di chuyển của bão để có thể chủ động phòng tránh và tìm nơi trú ẩn an toàn; tiếp tục trực ban 24/24 nhằm nắm bắt kịp thời cường độ, vị trí, hướng di chuyển của bão để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Miền Trung, Nam Bộ đón mưa dông

Miền Trung, Nam Bộ đón mưa dông

Do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch đông mang theo nhiều hơi ẩm nên hôm nay (3/12), các tỉnh miền Bắc có sương mù, mưa nhỏ rải rác, trời rét về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ. Khu vực Trung Trung Bộ và Nam Bộ có mưa dông rải rác. Các khu vực khác nhiều mây, âm u.