Khảo cổ Trung Quốc đang ở thời đại hoàng kim, trong đó đáng chú ý là di chỉ Tam Tinh Đôi, giáo sư khảo cổ học Đại học Harvard nêu trong bài viết trên báo Mỹ.
Cổ vật từ di chỉ khảo cổ Trung Quốc Tam Tinh Đôi. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Khảo cổ Trung Quốc và khảo cổ Ai Cập
Đầu tháng 4, có tin tức khảo cổ về phát hiện “thành phố vàng thất lạc” 3.000 năm tuổi ở Luxor, Ai Cập. Thành phố Aten, được thành lập vào khoảng giữa năm 1391 và 1353 trước Công nguyên - trong triều đại thứ 18 của Ai Cập - dường như là khu định cư lớn nhất của thời đại đó.
Sự kiện khảo cổ này mô tả trong một số bài báo là phát hiện quan trọng nhất kể từ khi phát hiện ra lăng mộ nhà vua Tutankhamen năm 1922.
Washington Post lưu ý, phát hiện này của khảo cổ Ai Cập được truyền thông Mỹ đăng tải rộng rãi, trong khi 2 tuần trước đó, phát hiện khảo cổ quan trọng có niên đại khoảng năm 1200 trước Công nguyên ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, lại ít được chú ý.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc làm việc tại di chỉ Tam Tinh Đôi, Tứ Xuyên. Ảnh: Cơ quan khảo cổ Tứ Xuyên |
Tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ khai quật được hơn 500 cổ vật, bao gồm một mặt nạ lớn bằng vàng, đồ ngà voi, đồ đồng và những mảnh lụa còn sót lại cùng vô số những hiện vật khác.
Những đồ ngà voi được khai quật có những ngà voi nguyên vẹn của voi Châu Á - bằng chứng về việc cống nạp cho những người đứng đầu ở Tam Tinh Đôi từ khắp vùng Tứ Xuyên. Ngoài ra, tại di chỉ này có các tác phẩm điêu khắc hình người bằng đồng khác với các đồ đồng Đông Á cùng thời khác (vốn chủ yếu là vũ khí và bình cho nghi lễ).
Phát hiện khảo cổ mới ở Trung Quốc, theo tờ báo Mỹ, đang cung cấp thông tin chi tiết chưa từng có về địa điểm quan trọng Tam Tinh Đôi - cửa sổ quan trọng dẫn đến một nhà nước sơ khai ở Đông Á.
Truyền thông Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới di chỉ khảo cổ quan trọng này, bao gồm đưa tin nhiều ngày, vào khung giờ vàng, thậm chí cả truyền hình trực tiếp về các cuộc khai quật. Và sự chú ý này chứng minh tầm quan trọng của di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi.
Những phát hiện tại Tam Tinh Đôi đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về cách các nền văn hóa sơ khai đa dạng, khác biệt theo khu vực, có thể đan xen với nhau để tạo ra nền văn minh Trung Hoa, Rowan K. Flad, giáo sư khảo cổ học John E. Hudson tại khoa nhân loại học, Đại học Harvard, tác giả bài viết, nhận định.
Sự khác biệt của khảo cổ Trung Quốc
Tác giả bài viết lưu ý, khảo cổ Trung Quốc có lịch sử rất khác với khảo cổ Ai Cập, trong đó khảo cổ Trung Quốc phần lớn do các nhà khảo cổ nước này thực hiện.
Dưới thời các học giả Trung Quốc như Li Ji, khảo cổ học nhanh chóng trở thành một ngành học gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền thống và gắn liền với một câu chuyện cụ thể.
Khảo cổ Trung Quốc đang trong giai đoạn hoàng kim, theo tờ Washington Post nhận định. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa được xem là bắt nguồn từ một nguồn duy nhất, từ Tam Triều đại (Hạ, Thương và Chu), nằm ở vùng Trung Nguyên thuộc thung lũng sông Hoàng Hà gồm tỉnh Hà Nam, tỉnh Thiểm Tây ngày nay cùng các khu vực lân cận. Các triều đại này kéo dài từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên đến khi Trung Quốc thống nhất năm 221 trước Công nguyên.
Vào cuối những năm 1920, các nhà khảo cổ Trung Quốc bắt đầu khai quật kinh đô cuối cùng của triều đại nhà Thương (có niên đại khoảng năm 1250 đến 1050 trước Công nguyên) gần An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam.
Những cuộc khai quật phát hiện thành phố với dân số lớn được nuôi sống bằng sản phẩm nông nghiệp chính là kê và các loài động vật thuần hóa, có những nền móng cung điện, lăng mộ hoàng gia đồ sộ.
Bằng chứng hoạt động hiến tế của con người có quy mô lớn và có lẽ quan trọng nhất là xương gia súc và rùa được sử dụng trong các nghi lễ bói toán và để khắc những văn bản cổ nhất của Trung Quốc.
Phát hiện khảo cổ lớn thứ hai góp phần vào thuyết này là việc tìm ra những người lính bằng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (mất năm 210 trước Công nguyên) tại Tây An năm 1974.
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc với trung tâm quyền lực đặt ở phía tây Trung Nguyên. Vị trí của những hiện vật khảo cổ phát hiện được ở đây trước nay đã giúp củng cố quan điểm cho rằng văn hóa Trung Quốc có nguồn gốc từ khu vực này và là một mạch nối tiếp nhau.
Di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi
Tuy nhiên, phát hiện tại Tam Tinh Đôi và các địa điểm khảo cổ khác kể từ năm 1980 làm đảo lộn ý niệm đơn nguyên về sự phát triển của văn hóa Trung Quốc. Các phát hiện ở Tam Tinh Đôi - cùng thời với di tích của nhà Thương - lại nằm ở Tứ Xuyên, cách Trung Nguyên hàng trăm km về phía tây nam và bị dãy núi Tần Lĩnh ngăn cách.
Tương tự, tại Tam Tinh Đôi, các nhà khảo cổ cũng phát hiện những món đồ đồng đặc sắc, nền móng cung điện, các tàn tích của những công trình công cộng như tường thành cùng hàng loạt tác phẩm điêu khắc bằng đồng, bằng ngà voi...
Những sản phẩm thủ công cho thấy việc sử dụng rộng rãi vàng - vốn không được sử dụng ở Trung Nguyên. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo ở đây cũng khác biệt, là gạo chứ không phải kê.
Mặt nạ bằng vàng tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nhìn chung, những phát hiện khảo cổ ở Tam Tinh Đôi cho thấy dường như nền văn minh Trung Hoa không chỉ đơn giản xuất hiện ở Trung Nguyên và phát triển để tiếp thu và đồng hóa các nền văn hóa của các khu vực xung quanh. Thay vào đó, nền văn minh này là kết quả của một quá trình mà theo đó các truyền thống, con người, ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc khác nhau được đan xen lại trong một tấm thảm dệt phức tạp về mặt lịch sử và đa diện.
https://laodong.vn/the-gioi/bao-my-khao-co-trung-quoc-dang-o-thoi-dai-hoang-kim-908518.ldo
Theo Thanh Hà (LĐO)