Bàn tay thay đôi mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là câu chuyện về những con người khiếm thị đã vượt lên số phận để mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc nở hoa từ nghị lực, ý chí kiên cường của họ.
Không cam chịu tật nguyền
Tại căn phòng trọ nhỏ ở hẻm 245 Nguyễn Tất Thành (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) có 2 người đàn ông khiếm thị bán chổi đót, đó là anh Lăng Văn Bền (SN 1982, quê ở Lạng Sơn) và anh Bảy (SN 1988, quê ở Đak Lak). Tôi đã theo chân anh Lăng Văn Bền bán chổi đót quanh các ngả đường ở TP. Pleiku và tìm gặp nhiều người khiếm thị khác để nghe chuyện không đầu hàng trước số phận tật nguyền.
Anh Lăng Văn Bền bị khiếm thị lúc 7 tuổi, nguyên nhân được xác định là do di truyền từ bố. Từ nhỏ đến năm 15 tuổi, anh sống với bố mẹ ở Lạng Sơn, sau đó theo bạn rong ruổi cả nước bán chổi đót, vé số, muối i ốt. Từ năm 2010 đến nay, anh mưu sinh ở Gia Lai. Những tháng đầu năm mới thì anh bán vé số, muối; các tháng còn lại bán chổi đót. “Tôi đến các cơ sở mua chổi của họ với giá 20-25 ngàn đồng/cây rồi vác đi bán lại với giá 30-35 ngàn đồng/cây”-anh Bền kể.
 Anh Lăng Văn Bền chuẩn bị chổi đót mang đi bán. Ảnh: N.T
Anh Lăng Văn Bền chuẩn bị chổi đót mang đi bán. Ảnh: N.T
Như đã “lập trình”, 6 giờ sáng mỗi ngày, anh Bền và anh Bảy vác bó chổi đót trên vai đi bán dạo, cuối ngày về lại nhà trọ. “Người ta thấy mình mù nên dù biết giá cao hơn nơi khác nhưng vẫn mua ủng hộ. Có người mua một lúc 2-3 cây chổi luôn, nhưng cũng có người gian trá, lừa lọc. Nhiều lần tôi bị họ lừa, đưa thiếu tiền, lừa đổi vé số. Cũng có nhiều lần phải ngủ dọc đường vì đi bán ở huyện lạ, trễ mất chuyến xe cuối cùng về phố. Đi bán như thế này dù thu nhập không cao lắm nhưng cũng đủ trả tiền phòng trọ và ăn uống trong tháng, không phải ăn bám gia đình”-anh Bền kể.
Ở 2 cơ sở dịch vụ của Hội Người mù tỉnh tại đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Du (TP. Pleiku), cứ 6 giờ sáng hàng ngày, các anh: Rmah Thôm (SN 1987, dân tộc Jrai, trú tại xã Ia Lang, Đức Cơ), Trương Ngọc Chinh (SN 1987, trú tại phường An Bình, thị xã An Khê), Hoàng Văn Em (SN 1976, trú tại thị trấn Chư Sê) lại thức dậy để giặt giũ quần áo, dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị đón khách. Đây là những hội viên của Hội Người mù được đưa đi học nghề tẩm quất-xông hơi-bấm huyệt cổ truyền để phục vụ nhu cầu của người dân. Mỗi người một số phận khác nhau nhưng đã nương tựa vào nhau vượt lên trên hoàn cảnh, lo cho cuộc sống gia đình. “Mất đôi mắt nhưng còn đôi bàn tay, khối óc, anh em chúng tôi giúp đỡ nhau vươn lên thành người có ích cho xã hội”-anh Hoàng Văn Em-Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho hay.
Hạnh phúc nở hoa
Không cam chịu số phận, những con người có số phận không may mắn đã nỗ lực vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội. Trong số 851 người mù là hội viên của Hội Người mù tỉnh, có nhiều cặp đôi đã tìm được sự đồng cảm, đồng âm và nên duyên vợ chồng từ sự giúp đỡ, vun vén của cộng đồng, tổ chức Hội. Điển hình như vợ chồng Rmah Thôm-Rơ Lan Úc (SN 2001, trú tại huyện Đức Cơ); Trương Ngọc Chinh-Nguyễn Thị Xuân Phương (SN 1978, trú tại thị xã An Khê). 
Khi sinh ra, đôi mắt của Rmah Thôm sáng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng sau một lần đau mắt đỏ không kịp chữa trị, anh bị mù. Lúc nhỏ, Thôm ở cùng các anh chị ruột. Một lần tình cờ, nghe tin tỉnh có Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp là nơi giúp đỡ cho người tật nguyền, không may mắn, Thôm tự đến cơ quan chức năng làm giấy tờ xin vào Trung tâm. Sinh sống ở đây hơn 7 năm thì Thôm xin đi học nghề tẩm quất-bấm huyệt rồi chuyển về làm ở cơ sở dịch vụ của Hội Người mù tỉnh tại địa chỉ 127 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku). Còn vợ anh là Rơ Lan Úc bị mù không rõ nguyên nhân từ lúc nhỏ. Hiện 2 vợ chồng đang mong ngóng ngày đứa con đầu lòng ra đời trong niềm sung sướng vô bờ. 
Tương tự là vợ chồng anh chị Trương Ngọc Chinh-Nguyễn Thị Xuân Phương. Họ gặp nhau, yêu nhau khi cùng làm việc tại cơ sở dịch vụ của Hội Người mù tỉnh ở địa chỉ 28 Nguyễn Du (TP. Pleiku) rồi nên duyên vợ chồng. Hiện anh Chinh-chị Phương cũng đang khấp khởi chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời. Anh Chinh nhớ lại: “Tôi bị mù năm 2008 sau một va chạm giao thông. Tỉnh dậy, biết mình đã mù, tôi nhiều lần định tự tử. Sau nghe lời khuyên can người thân, bạn bè, tôi đi học nghề tẩm quất ở tỉnh Bình Định. Vợ tôi bị mù bẩm sinh, ở với gia đình đến cuối năm 2017 thì Hội Người mù tỉnh đến vận động đi học nghề. Trong quá trình truyền nghề cho nhau, chúng tôi thương nhau rồi làm lễ cưới. Khi nhận tháng lương đầu tiên ở cơ sở, vợ tôi òa khóc nức nở. Khóc vì vui mừng, lần đầu tiên cầm đồng tiền do chính tay mình làm ra”. 
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: “Trong số hội viên của Hội có nhiều người đã có gia đình. Có cặp thì người mù người sáng, có cặp 2 vợ chồng cùng mù. Nhiều cặp người mù có kinh tế khá, con cái học hành tử tế như anh Hoàng Văn Em, Trần Văn Dũng (đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku)… Một số cặp mới cưới từ sự xe kết của anh em trong Hội. Ngoài tạo việc làm thì xe kết để họ có một tổ ấm, chia sẻ với nhau trong cuộc sống là việc làm đầy ý nghĩa”.
Với anh Bền và anh Bảy, việc ở chung nhà trọ là để giúp đỡ nhau lúc ốm đau, khó khăn, chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. “Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường tụ lại một nhà đồng cảnh ngộ nào đó để nấu ăn, trò chuyện. Dịp Tết Nguyên đán, nếu không về quê, chúng tôi tụ tập cùng gói bánh, đón Giao thừa cho vui, chứ thui thủi một mình tủi lắm. Người thân ở quê biết chúng tôi thu xếp được cuộc sống ổn định thì cũng phấn khởi”-anh Bền cho biết thêm.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.