(GLO)- Vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai nằm ở phía Đông Nam, có khoảng trên 10.000 ha. Nơi đây, lúa là cây trồng chủ lực, với hạt gạo làm ra không chỉ phục vụ cho người dân trong vùng mà còn được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi. Trong tiến trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện, nhiều giải pháp được đặt ra để cải tạo giống lúa, bởi thực tế hạt gạo vẫn chưa đi vào bữa cơm hàng ngày của chính đời sống người dân nơi đây.
Chất lượng gạo chưa cao
Công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành đã biến thung lũng Ayun Pa quanh năm khô cằn thành cánh đồng lúa nước bạt ngàn, năng suất cao nhất tỉnh. Thời gian qua, nông dân đã đưa vào sản xuất các giống cho năng suất cao như: Hương Thơm 1, CH207, ML202, ML214, Q5, DV108, KD18, Ma Lâm 48… cùng với đó là các chương trình cải tiến kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng… Năng suất cây lúa đã đạt trung bình 7-8 tạ/sào/vụ. Nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định nhờ canh tác cây lúa, hàng trăm hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng lúa.
Tuy vậy, thực tế chất lượng hạt gạo chưa cao, người dân và thị trường tiêu thụ nơi đây vẫn quay lưng lại với chính hạt gạo do nông dân tại chỗ sản xuất. Hạt gạo làm ra chủ yếu bán cho các thương lái chế biến thức ăn gia súc, các sản phẩm công nghiệp khác, việc đưa hạt gạo vào bữa cơm hàng ngày còn hạn chế bởi chất lượng chưa cao, sản phẩm nấu thành cơm bị khô, rời, ăn không thơm dẻo. Giá gạo nơi đây khoảng 7.000-8.000 ngàn đồng/kg thấp hơn so với các loại gạo đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 11.000-20.000 đồng/kg tùy loại nhưng người tiêu dùng vẫn không chọn.
Chủ một đại lý kinh doanh lúa gạo thị xã Ayun Pa, cho biết: “Thị trường hiện nay càng ngày càng chuộng mua lúa gạo chất lượng cao ở nơi khác đem đến mà ít có người tiêu thụ các loại lúa gạo sản xuất tại chỗ, mặc dù giá bán các loại lúa gạo nhập từ nơi khác cao hơn nhiều so với giá bán lúa gạo tại địa phương. Vấn đề này dễ hiểu bởi khi đã có thu nhập thì chất lượng bữa ăn đã được người tiêu dùng nhắm đến. Vì thế, hạt gạo do chính người dân địa phương sản xuất đã không thể so sánh được với các loại gạo nhập từ tỉnh khác”.
Không chỉ các nhà hàng mà hầu như 100% các quán cơm trên thị trường cũng không sử dụng gạo sản xuất tại địa phương. Quán cơm Anh Đào, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa là một điển hình: “Quán chỉ sử dụng các loại gạo nhập từ tỉnh khác có chất lượng cao, hạt cơm thơm, dẻo được khách hàng ưa thích”.
Nâng tầm giá trị hạt gạo
Đến nay, người nông dân đã bắt đầu quan tâm đến chất lượng hạt gạo, đưa vào sản xuất các giống lúa có hiệu quả kinh tế cao như: HT1, KD18, DV108, ML48, Hương Cốm…
Tuy năng suất các giống trên không cao bằng Q5 nhưng giá bán trên thị trường cao hơn, bởi chất lượng thơm. Ngoài ra, khi chất lượng được cải thiện người nông dân không bị thương lái ép giá, nông sản làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Anh Phạm Đình Khoa-khối phố 8, thị trấn Phú Thiện cho biết: “Bên cạnh việc canh tác các giống lúa truyền thống cho năng suất cao, gia đình chúng tôi đã canh tác giống lúa có hiệu quả kinh tế cao như ML48. Sản phẩm làm ra vừa để bán, một phần để gia đình sử dụng. Vụ tới, chúng tôi sẽ tính đến biện pháp canh tác toàn bộ giống mới có hiệu quả kinh tế cao”.
Ông Ksor Dương- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết: “Để xây dựng thành công thương hiệu gạo Phú Thiện, vấn đề đặt ra chính là chất lượng hạt gạo.
Vì thế, chúng tôi đang cùng các ngành chức năng khảo nghiệm các bộ giống lúa có khả năng thích nghi với điều kiện canh tác, kháng sâu bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao. Sau khi kết thúc công tác khảo nghiệm sẽ lựa chọn các giống phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác trên địa bàn huyện, được các ngành chức năng công nhận sẽ tiến hành nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Công tác này được chúng tôi đánh giá là then chốn để hướng đến xây dựng thành công thương hiệu gạo Phú Thiện”.
Hồng Sơn