Bài 4: Ngàn năm chưa hết nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 1975 đối với 2 dân tộc Việt Nam và Campuchia đều có một điểm chung: Ngày 17-4 quân Khmer Đỏ đánh chiếm Phnom Penh giải phóng Campuchia, ngày 30-4 Quân Giải phóng Việt Nam đánh chiếm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Thế nhưng nếu như người dân Việt Nam mừng vui khi nước nhà độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc và tất cả cùng nỗ lực xây dựng đất nước thì người dân Campuchia chưa kịp nở nụ cười mà ngay sau đó Khmer Đỏ dưới sự chỉ huy của Pol Pot đã thực hiện cuộc tàn sát, diệt chủng chưa từng có trong lịch sử loài người.
Chỉ trong thời gian 4 năm (1975-1979), chúng đã giết hại đến 2,7 triệu người Campuchia, trong đó có 200 nhà văn, nhà báo; 600 bác sĩ, dược sĩ; 18.000 giáo viên, giáo sư; hơn 10.000 sinh viên; trên 1.000 văn nghệ sĩ, hơn 1.000 trí thức nước ngoài về chỉ còn sống sót 85 người. Dưới chế độ diệt chủng do Pol Pot cầm đầu, tất cả người dân đều trở thành những cái máy lao động ngày đêm mà không được tiếp nhiên liệu, cạn kiệt. Hơn thế nữa, khoảng 600 trường học, 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 200 chùa, hơn 100 nhà thờ Thiên chúa giáo và đạo Hồi bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, trại giam.
 
Dụng cụ tra tấn. Ảnh: T.P
Dụng cụ tra tấn. Ảnh: T.P
Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng tức Nhà tù An ninh S21 ở thủ đô Phnom Penh là chứng nhân tội ác của Khmer Đỏ. Trường Trung học Toul Svay Prey ở thủ đô Phnom Penh dưới thời Khmer Đỏ đã bị cải hoán thành nhà tù tên Nhà tù An ninh S21. Trong 4 năm cầm quyền, Khmer Đỏ đã giam giữ tại đây 17.000 người (chưa tính 2.000 trẻ em bị giết), gồm nhiều quốc tịch như Việt Nam, Thái Lan, Anh, Mỹ… nhiều nhất là người Campuchia. Trong số đó chỉ có 14 người sống sót.

chiếc giường sắt và trên đó là chiếc thùng sắt đựng đồ tra tấn
Chiếc giường sắt và trên đó là chiếc thùng sắt đựng đồ tra tấn. Ảnh: T.P
Ngày 7-1-1979 Campuchia được Quân Tình nguyện Việt Nam giải phóng, thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Hơn 30 năm sau, vào thượng tuần tháng 11-2010 chúng tôi mới có dịp đến đây. Mặc dù đã được đọc nhiều tài liệu, xem băng, hình, nhưng có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến những nhục hình ở S21 mới thấy hết sự dã man của Khmer Đỏ. Đâu chỉ đơn thuần là phòng học biến thành phòng giam, ngôi trường có diện tích 600 x 400 mét hình chữ L hai lầu một trệt thực sự là địa ngục trần gian. Dãy bên trái gồm 14 phòng tra tấn đều kê một chiếc giường sắt và trên đó là chiếc thùng sắt (đựng đạn đại liên) đựng đồ tra tấn. Nạn nhân bị cùm, rút móng tay, móng chân, đổ axit lên mặt, dùng búa, rìu, roi đánh đập. Trên tường và sàn nhà vẫn còn loang lổ vết máu thâm đen. Vẫn còn đó những tấm bảng đen gắn trên tường không một dòng chữ. Dưới sân là một chiếc khung gỗ lớn móc các ròng rọc để quay ngược người bị tra tấn lên, tay tréo ra sau, nhúng đầu vào chiếc lu lớn đựng nước. Dãy phòng học đối diện với con đường Toul Svay Prey được cải hoán thành dãy buồng giam dài, xây bằng gạch, đóng khung gỗ, sát nhau, tối om. Tù nhân trong các buồng giam nhỏ bị xích chân bằng sợi xích lớn chôn dưới nền nhà hoặc vào tường còn tù nhân ở các buồng giam lớn hơn thì bị cùm vào những thanh sắt dài.

Phòng tra tấn S21. Ảnh: T.P
Phòng tra tấn S21. Ảnh: T.P
Trên tường còn vô số những bức ảnh chân dung của các nạn nhân, phần lớn đều rất trẻ, thậm chí có những em bé chỉ khoảng 12-13 tuổi mắt đen tròn, ngơ ngác; những cô gái tóc ngắn chấm vai khuôn mặt tròn trịa, xinh đẹp. Một không khí chết chóc bao trùm. Không như những nơi tham quan khác, đứng giữa địa ngục trước đây, hàng đoàn người đến từ khắp nơi trên thế giới đều kính cẩn, những bước đi chầm chậm, nhẹ nhàng như sợ làm kinh động những oan hồn đang vất vưởng nơi đây. Khuôn mặt du khách ai nấy cũng đều trầm tư, đăm chiêu, biểu lộ sự đau đớn, sẻ chia… Lầm rầm những tiếng niệm Phật, cầu kinh… Những bức ảnh và tranh do chính người tù Vann Nath vẽ (ông may mắn còn sống sót) tại đây trong thời gian này cho thấy bọn diệt chủng Khmer Đỏ không từ một hình thức nào để giết hại dã man đồng loại của mình. Đêm đêm những chuyến xe bịt bùng chở tù nhân đi đến Choeung Ek tức Cánh đồng chết (Killing Field), một nơi hành quyết rùng rợn khác cũng chưa từng có trong lịch sử loài người.

Các hố chôn. Ảnh T.P
Các hố chôn tập thể tại Cánh đồng chết. Ảnh T.P
Cánh
đồng chết cách Phnom Penh 15 km (trước kia là 17 km nhưng nay do thủ đô mở rộng nên rút ngắn cự ly). Chúng tôi dâng hương và hoa tại Đài tưởng niệm. Trong các tầng kính chứa hàng vạn chiếc đầu lâu và xương người, nhiều chiếc đầu lâu vẫn còn tấm vải che mắt. Phía sau đài là hàng trăm hố lớn nhỏ hai bên con đường mòn, hố rộng chừng vài chục mét vuông, sâu chừng hơn mét dùng để chôn người, mỗi hố vài trăm, có hố vùi đến 400 thi thể. Nạn nhân bị đập chết bằng cuốc, xẻng, bị chặt bằng búa, chém bằng dao, nhiều người bị khoan thủng đầu. Những chiếc thùng nhỏ bằng kính còn lưu giữ quần áo, xương của nạn nhân. Những cây thốt nốt sau hơn 30 năm mà vết vỡ toác, ăn sâu vào gốc cây do bọn đồ tể Khmer Đỏ túm chân quật đầu trẻ em vào đó rồi quăng vào hố vẫn chưa thể liền vỏ. Một cây bồ đề cổ thụ- cây gắn liền với đạo Phật từ bi- bị bọn chúng treo loa lên đó phát âm thanh ra xa để át tiếng kêu than của nạn nhân. Không biết bao nhiêu máu thịt của người vô tội đã ngấm xuống nơi này nhưng theo người quản lý Cánh đồng chết cho biết, những ngày mưa nước đọng trong hố vẫn còn đỏ và mùi hôi hám bốc lên nồng nặc.
Góc cây thốt nốt. Ảnh T.P
Gốc cây thốt nốt. Ảnh T.P
Các đoàn tham quan được vào gian phòng nhỏ xem chiếu phim về những năm tháng đau thương dưới thời Khmer Đỏ và những tư liệu về Cánh đồng chết. Đèn tắt. Tiếng sói tru. Những hình ảnh đen trắng về những con người bị đối xử như súc vật, những chứng nhân của tội ác tày trời. Máy chiếu ngừng quay, đèn bật sáng, phòng chiếu vẫn im lặng. Những cô gái đến từ trời Tây khẽ đưa khăn tay lau nước mắt, bất chợt tôi tự hỏi rằng bao nhiêu năm nữa nỗi đau này mới có thể nguôi ngoai?

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.